Giá các mặt hàng trên thị trường hàng hoá cho thấy mức biến động trái chiều trên cả 4 nhóm nguyên liệu. Nhóm Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại chứng kiến dòng tiền đầu tư tăng mạnh nhất trong phiên hôm qua, kéo giá trị giao dịch toàn Sở duy trì đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức hơn 3.800 tỷ đồng.

Dầu cọ thô Malaysia đạt mức thấp nhất trong vòng 1 năm
Trên bảng giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp, sắc xanh đỏ chia làm hai nửa. Trong khi giá đường và cà phê đều có sự phục hồi sau 2 phiên suy yếu hồi đầu tuần thì ở phía ngược lại, giá dầu cọ và bông tiếp tục lao dốc mạnh.
Đáng chú ý nhất là mức giảm lên đến 8,6% của dầu cọ thô Malaysia, đẩy giá về mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Chính phủ Indonesia đã tạm thời ngừng việc xuất khẩu lao động sang Malaysia, trong đó có hàng nghìn người ứng tuyển cho công việc trong các đồn điền, làm dấy lên kỳ vọng vào sự phục hồi sản xuất của Indonesia trong nửa cuối năm. Thị trường bắt đầu xuất hiện các tin đồn về việc nước này có khả năng loại bỏ thuế xuất khẩu 200 USD/tấn nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho đang tồn đọng khá lớn.

Cùng với đó, lo ngại về việc Trung Quốc tái thiết lập phong tỏa để ngăn chặn đợt bùng phát Covid mới, gây tác động tiêu cực kép lên giá dầu cọ khi Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu chính.
Cũng chịu chung tác động do tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, giá bông tiếp tục giảm mạnh 3,45% sau phiên giảm sàn trước đó. Trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cắt giảm dự báo xuất khẩu bông của Mỹ trong báo cáo Cung – cầu tháng 07, mới đây, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng đã hạ ước tính tiêu thụ bông niên vụ 21/22 xuống 200.000 tấn do nhu cầu yếu từ các doanh nghiệp dệt may.
Ca cao và cao su cũng chung xu hướng giảm giá, do những lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Trong khi đó, Cà phê có phiên tăng giá trở lại sau 2 phiên giảm hồi đầu tuần. Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US tiếp tục giảm về mức 759.695 bao (60kg), thấp nhất trong gần 23 năm đã phần gây ra lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn khi tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil vẫn chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng đường cũng có chung xu hướng tăng giá với cà phê. Sản lượng đường giai đoạn cuối tháng 06 tại Trung Nam, Brazil giảm 14,98% so với cùng kỳ tháng trước là những yếu tố tác động tích cực lên giá.
Giá dầu chưa thể lấy lại mốc 100 USD
Đối với nhóm năng lượng, giá dầu vẫn chưa thể lấy lại mốc 100 USD trong bối cảnh mà một loạt các tin tức về lạm phát, cũng như các báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được công bố đều không khả quan.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 của Mỹ được công bố tăng 9,1%, cao nhất kể từ năm 1981, xóa tan mọi kỳ vọng về việc lạm phát đã tạo đỉnh ở Mỹ. Các nhà giao dịch hiện đang rất lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ mạnh tay tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7, thay vì mức 50 - 75 điểm cơ bản như thông báo trước đó. Một đợt tăng lãi suất lớn khác có thể sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái của Mỹ và làm xói mòn nhu cầu tiêu thụ dầu.
Bên cạnh đó, báo cáo hàng tuần của EIA đang cho thấy sau giai đoạn tiêu thụ cao điểm của đợt nghỉ lễ Quốc Khánh, nhu cầu đối với nhiên liệu của Mỹ đã hạ nhiệt dần. Nhu cầu tiêu thụ xăng, đã giảm vào tuần trước xuống còn 8,06 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 1996.
Sự sụt giảm nhu cầu đồng nghĩa với việc phần lớn sản lượng sẽ đi vào kho dự trữ. Báo cáo của EIA tiếp tục chỉ ra, tồn kho dầu thô tăng 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 8/7, tồn kho xăng và tồn kho nhiên liệu chưng cất cũng tăng lần lượt 5,8 triệu thùng và 3,4 triệu thùng.

Đây là những nguyên nhân chính khiến sức mua không quay lại với thị trường đầu trong phiên hôm qua, tuy nhiên giá dầu vẫn nhận được những sự hỗ trợ nhờ vào tình trạng nguồn cung vẫn bị thắt chặt. Báo cáo tháng của IEA cũng bày tỏ những lo ngại về việc rủi ro vĩ mô sẽ làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ, tuy nhiên tổ chức này chỉ cắt giảm triển vọng cho năm 2022 một cách khiêm tốn ở mức 200.000 thùng/ngày.
Vai trò trú ẩn thúc đẩy lực mua của nhóm kim loại
Trên thị trường kim loại, giá các mặt hàng biến động trái chiều, tuy nhiên, lực mua đang cho thấy ưu thế ngay sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố.

Mức lạm phát kỷ lục tại Mỹ đang cho thấy lập trường chính sách tiền tệ tích cực của Fed đã đạt được rất ít tiến bộ cho đến nay trong việc hạ nhiệt nhu cầu và đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%. Tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư và nghi ngại về lạm phát cố hữu, ăn sâu vào nền kinh tế đã thúc đẩy lực mua trên thị trường kim loại quý do vai trò trú ẩn an toàn. Dòng tiền cũng đã tháo chạy khỏi thị trường rủi ro như chứng khoán, củng cố cho vai trò làm hàng rào chống lại lạm phát của bạc và bạch kim.
Trên thị trường kim loại cơ bản, đồng COMEX tăng nhẹ hơn 1% sau khi lao dốc 3 phiên liên tiếp nhờ vùng hỗ trợ 3,2 USD/pound. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đồng trong tháng 6 đã tăng 15,5% so với tháng trước đó, và là mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng do nhu cầu tăng lên sau đợt phong toả làm tê liệt sản xuất. Thông tin này đã hỗ trợ giá đồng tăng nhẹ, tuy nhiên, đà tăng có thể không bền vững trước áp lực thắt chặt mạnh mẽ của Fed trong tương lai.
Quặng sắt tăng mạnh nhất nhóm kim loại, được hỗ trợ bởi dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng vào tháng 6, với mức tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh bại mức dự đoán tăng 12% của các chuyên gia kinh tế.

Trên thị trường nội địa, giá thép đang dao động từ 16.060 – 17.200 VND/kg đối với thép cuộn D6 CB240 và 16.510 – 17.510 VND/kg đối với thép thanh vằn D10 CB300 sau đợt điều chỉnh lần thứ 8 vào hồi đầu tuần, kể từ ngày 11/05. Giá quặng sắt hạ nhiệt trên thế giới trong thời gian gần đây tiếp tục gây áp lực đến giá sắt thép trong nước.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV