Sau kỳ nghỉ lễ, sắc đỏ phủ kín bảng giá nông sản khi các mặt hàng này đồng loạt nhận tín hiệu bán tháo. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đến nhóm này vẫn tiếp tục tăng hơn 20% và đạt mức trên 1.500 tỷ đồng, chiếm đến 30% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Điều này khẳng định vị trí chắc chắn của các mặt hàng nông sản trong danh mục đầu tư hàng hoá tại Việt Nam.
Triển vọng mùa vụ tạo áp lực lên giá ngô và lúa mì
Sau 3 ngày nghỉ giao dịch, giá ngô mở cửa phiên đầu tuần với mức giảm cách biệt do hoạt động thu hoạch ngô đang được đẩy mạnh ở Brazil trong tuần trước. Thêm vào đó, số liệu không khả quan từ báo cáo Giao hàng xuất khẩu khiến giá tiếp tục giảm mạnh và phủ nhận hoàn toàn mức tăng trong tuần trước.
Tại Brazil, điều kiện thời tiết khô ráo tại các khu vực trồng ngô chính đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân nước này có thể đẩy mạnh hoạt động thu hoạch. Theo số liệu mới nhất từ hãng tư vấn Pátria AgroNegócios, 14,72% diện tích ngô dự kiến của Brazil đã được thu hoạch, gấp đôi so với mức trung bình lịch sử và vượt xa so với mức 2,82% của cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, báo cáo giao hàng xuất khẩu cho thấy khối lượng giao hàng ngô của Mỹ đạt mức thấp nhất trong vòng 5 tuần trở lại đây. Đây là những yếu tố đã gây áp lực lên giá ngô trong phiên vừa qua.
Trong khi đó, lúa mì tiếp tục giảm mạnh trong phiên hôm qua và phá vỡ mốc tâm lý 1000. Những lo ngại đối với xuất khẩu lúa mì của Ukraine đã bị đánh bại bởi thông tin tích cực về nguồn cung từ châu Âu và Nga.
Theo báo cáo của Ủy ban Liên minh châu Âu, xuất khẩu lúa mì mềm của khối này lũy kế đến 19/06 đạt 26,68 triệu tấn, cao hơn so với mức 25,27 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, theo bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lương thực Pháp, tác động của đợt nắng nóng hiện tại đối với vụ mùa ngũ cốc của nước này là khá hạn chế và không đáng báo động bởi cây trồng đã bước vào giai đoạn trưởng thành. Bộ trưởng cũng cho biết, năng suất ngũ cốc của Pháp có thể giảm tương đối nhưng không đáng kể do ảnh hưởng tích lũy từ đợt nắng nóng tuần trước và hạn hán trong mùa xuân trước đó ở nhiều vùng. Nguồn cung từ châu Âu được nới lỏng cùng với triển vọng khả quan của vụ mùa Pháp là yếu tố tác động gây sức ép lên giá lúa mì.
Tại Nga, hãng tư vấn nông nghiệp SovEcon tiếp tục tăng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 22/23 của nước này thêm 0,6 triệu tấn, lên mức kỷ lục mới 89,2 triệu tấn, trong bối cảnh triển vọng lúa mì vụ xuân được cải thiện. Cũng theo SovEcon, vụ lúa mì xuân bội thu sẽ bù đắp hoàn toàn thiệt hại của lúa mì vụ đông.
Đậu tương gặp sức ép từ các số liệu bán hàng của Mỹ
Đối với nhóm đậu tương, cả ba mặt hàng đều chịu lực bán áp đảo và khiến giá sụt giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Giá đậu đương tiếp tục suy yếu gần 1,5% sau phiên điều chỉnh vào cuối tuần trước và rơi về vùng hỗ trợ tâm lý 1680. Những số liệu tiêu cực trong báo cáo Thanh tra xuất khẩu đã góp phần gây sức ép lên giá.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong tuần kết thúc ngày 16/06, giao hàng đậu tương của Mỹ đạt mức 427.344 tấn, thấp hơn mức 608.116 tấn trong tuần trước. Thông tin này làm gia tăng lo ngại về kịch bản số liệu xuất khẩu thực tế của niên vụ 2021/22 sẽ thấp hơn so với mức dự đoán của USDA, kéo theo đà giảm của giá đậu tương.
Bên cạnh đó, cũng trong tối qua, trong báo cáo hàng tuần của Uỷ ban Liên minh châu Âu (EC), tính đến hết ngày 19/06, nhập khẩu đậu tương đạt 14,12 triệu tấn. Mặc dù tăng nhẹ 0,18 triệu tấn so với tuần trước đó nhưng giảm mạnh hơn 5% so với mức 14,9 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu về đậu tương của Châu Âu có dấu hiệu suy yếu là yếu tố gây áp lực đến giá đậu tương trong phiên hôm qua.
Ngoài ra, dầu đậu tương và khô đậu tương đều đóng cửa trong sắc đó. Trong đó, sự suy yếu của giá dầu thô cùng với những chính sách nới lỏng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia đã khiến cho giá dầu đậu suy yếu. Mới đây, chính phủ nước này thông báo, kể từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ đến ngày 20/06, Indonesia đã cấp giấy phép xuất khẩu cho 867.682 tấn dầu cọ theo chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO). Ngoài ra, bộ điều phối các vấn đề kinh tế của Indonesia cho hay, mức giá tham chiếu đối với dầu cọ thô của nước này trong tháng 7 được điều chỉnh về mức 1.615,83 USD/tấn, thấp hơn so với mức 1.700,12 USD/tấn của tháng 6. Đặc biệt, giá tham chiếu trong tháng 7 sẽ áp dụng phí và thuế xuất khẩu lần lượt ở mức 200 USD/tấn và 288 USD/tấn. Các công ty không tham gia vào chương trình DMO cũng sẽ phải đóng thêm 200 USD/tấn cho đến cuối tháng 7. Việc nguồn cung từ Indonesia đang dần được nới lỏng đã gây sức ép lên giá dầu ăn và gián tiếp tác động giảm lên giá dầu đậu tương trong phiên vừa rồi.
Đà giảm mạnh của các mặt hàng nông sản trong phiên giao dịch vừa qua đã kéo theo mức suy yếu nhẹ của giá thịt heo trong nước tại khu vực miền trung và miền nam, do áp lực từ chi phí đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi được cải thiện. Giá thịt heo nội địa hiện đang dao động trong khoảng 51.000 – 58.000 VND/kg, giảm từ 1.000 – 2.000 VND/kg so với ngày hôm qua.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)