Bông và cà phê Arabica hồi phục mạnh mẽ
Kết thúc phiên giao dịch 29/06, các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp kéo dài diễn biến trái chiều, nhưng đáng chú ý nhất là sự phục hồi mạnh mẽ của giá bông và cà phê Arabica, bất chấp nỗi lo ngại về suy thoái.
Dẫn đầu xu hướng tăng của nhóm nguyên liệu là mức tăng đột biến gần 5% của giá Arabica lên mức 5.032 USD/tấn, phục hồi lại hơn nửa những gì đã mất trong 4 phiên giảm liên tiếp trước đó. Khối lượng giao dịch cao hơn nhiều so với mức trung bình.
GDP chính thức của Mỹ trong quý I giảm 1,6%, cao hơn mức dự đoán giảm 1,5% của thị trường, đã tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường tài chính Mỹ và giúp chỉ số Dollar Index vượt trở lại mốc 105. Tuy nhiên, đồng Real Brazil bất ngờ tăng mạnh 1,63% sau khi sụt giảm về mức thấp nhất 20 tuần, đã hạn chế lực bán từ nông dân Brazil. Bên cạnh đấy, cấu trúc giá của cà phê Arabica đang có sự nghịch đảo, khi giá tháng cao hơn tháng xa, cho thấy lo ngại rõ rệt của thị trường về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, sau khi tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm về mức thấp nhất trong vòng 22 năm.
Mức tăng mạnh của giá Arabica cũng phần nào tác động tích cực đến giá Robusta, kết hợp các số liệu xuất khẩu tích cực của cà phê Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, giúp giá cũng phục hồi trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp.
Ở một diễn biến khác, giá bông bất ngờ tăng kịch trần lên mức 2.149 USD/tấn sau chuỗi 7 phiên đóng cửa trong sắc đỏ trước đó. Thời tiết không thuận lợi tại các vùng gieo trồng chính của Mỹ, cùng với lực bán suy giảm sau khi đã bị bán quá mức trước đó, là yếu tố chính hỗ trợ giá bông trong phiên hôm qua. Diện tích gieo trồng bông trong báo cáo Acreage đêm nay được thị trường dự đoán ở mức 12,19 triệu mẫu, thấp hơn mức 12,23 triệu mẫu mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra trong báo cáo Triển vọng gieo trồng.
Cùng chiều với giá bông và cà phê là mức tăng nhẹ không đáng kể của giá 2 mặt hàng đường. Chính sách giảm thuế xăng của chính phủ Brazil về ngang mức với ethanol nhằm kiềm chế lạm phát đang vấp phải sự phản đối ở nhiều bang, và giúp lực bán được hạn chế.
Ở hướng ngược lại, giá dầu cọ thô trở lại đà giảm sau 2 phiên phục hồi liên tiếp trước đó, khi giá gặp sự cản trở ở vùng kháng cự tâm lý 5000 Ringgit. Các quan chức Indonesia cho biết, các công ty dầu cọ sẽ được cung cấp hạn ngạch xuất khẩu lớn hơn theo kế hoạch mới để điều chỉnh các quy định về nghĩa vụ bán hàng nội địa. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện phân phối trong nước sau cuộc khủng hoảng giá kéo dài nhiều tháng.
Giá cacao tiếp tục giảm phiên thứ 6 liên tiếp xuống còn 2.366 USD/tấn, sau khi để mất mốc hỗ trợ quan trọng 2400 USD, do sức ép từ mức tăng của đồng Dollar.
Dầu thô quay đầu giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp
Sắc đỏ quay lại thị trường dầu thô sau ba phiên tăng liên tiếp, khi mà các số liệu chỉ ra nhu cầu tiêu thụ dầu ở Mỹ đang có dấu hiệu chững lại. Kết thúc phiên giao dịch 29/6, hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 8 giảm 1,77% về 109,78 USD/thùng, hợp đồng Brent tháng 9 đóng cửa thấp hơn 1,19% còn 112,45 USD/thùng.
Giá dầu thô tăng từ đầu phiên, tuy nhiên sức bán mạnh xuất hiện sau khi các số liệu từ báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) được công bố. Tồn kho dầu thô thương mại giảm 2,8 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 24/06, cao hơn so với mức 3,8 triệu thùng/ngày của Viện Dầu khí API. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của các số liệu này bị lu mờ trước việc tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tại Mỹ đều tăng 2,6 triệu thùng/ngày.
Báo cáo của EIA cũng chỉ ra rằng, sản lượng xăng được cung cấp trung bình trong 4 tuần, vốn là một thước đo tiêu biểu cho nhu cầu tiêu thụ, đã giảm xuống dưới 9 triệu thùng, tương đương thấp hơn khoảng 600.000 thùng so với mức trung bình 5 năm giai đoạn 2015-2019. Số liệu tồn kho dầu khô giảm, trong khi tồn kho các sản phẩm lọc dầu gia tăng phản ánh sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ của người Mỹ, khi mà giá nhiên liệu tăng mạnh đã bắt đầu có tác động rõ rệt lên người tiêu dùng.
Sau khi việc công bố báo cáo phải tạm dừng trong tuần trước vì các vấn đề về kỹ thuật, những số liệu trong báo cáo lần này của EIA mang lại tác động rất lớn đối với thị trường dầu thô. Nhu cầu tiêu thụ sụt giảm ngay trong giai đoạn tiêu thụ cao điểm vào mùa hè tháng 6, tháng 7 ở Mỹ đã khiến cho sức ép bán gia tăng trên thị trường, và cũng khiến cho giá dầu WTI giảm mạnh hơn so với giá dầu Brent.
Bên cạnh các yếu tố cơ bản về cung cầu, các số liệu vĩ mô cũng góp phần giảm bớt động lực mua của các nhà đầu tư. Chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) quý I đã được chỉnh sửa lại, tăng 7,1%, tiếp tục phản ánh các áp lực lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt ở Mỹ. PCE là một trong những chỉ báo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và số liệu tiêu cực này có thể khiến cho các nhà hoạch định chính sách mạnh tay hơn nữa trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Tổng sản phẩm quốc nội quý I/2022 (GDP) của Mỹ cũng được điều chỉnh giảm 1,6%, mạnh hơn so với con số 1,4% được công bố trước đó. Nguy cơ suy thoái kinh tế do áp lực lạm phát và các động thái tăng lãi suất của Fed sẽ khiến cho triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô giảm và gây tác động tiêu cực đối với giá.
Ngoài ra, chỉ số Dollar Index quay trở lại mức 105 điểm, cao nhất kể từ ngày 17/6 cũng là một yếu tố khác khiến cho sức ép bán mạnh trong phiên hôm qua, bởi chi phí nắm giữ hàng vật chất tăng lên và nhu cầu đầu tư có thể giảm xuống.
Hiện các mọi sự chú ý đều đang hướng về cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) diễn ra vào đêm nay. Các nhà đầu tư đang đón chờ những động thái tiếp theo của OPEC trong việc giải quyết tình trạng mất cân bằng cung cầu trên thị trường, sau khi đã phê chuẩn việc tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày cho tháng 7 và 8.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)