Các mặt hàng năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đồng loạt ghi nhận những mức tăng rất mạnh. Điển hình, khí tự nhiên tăng đến gần 10%, giá bông thì đã có phiên tăng kịch trần thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn duy trì ở mức tương đối cao, cho thấy tâm lý ổn định của nhà giao dịch trong nước. Giá trị giao dịch toàn Sở trong ngày hôm qua đạt 4.700 tỷ đồng.

Lực mua tiếp tục được thúc đẩy trên thị trường dầu trước lo ngại về nguồn cung thắt chặt
Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/11, lo ngại về nguồn cung thắt chặt đã giúp giá dầu tiếp nối đà tăng phiên thứ 2 liên tiếp và đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng hơn 3 tuần qua. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên sở NYMEX chạm ngưỡng 90 USD/thùng sau khi tăng 1,84%, trong khi Brent kỳ hạn tháng 1 trên sở ICE cũng tăng khá mạnh 1,6% lên mức 96,16 USD/thùng.

Lực mua xuất hiện ngay từ phiên mở cửa sau báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy mức tồn kho dầu thô giảm mạnh, trái ngược với dự kiến tăng nhẹ của thị trường, phản ánh nhu cầu vẫn đang khá tích cực. Tuy nhiên, lo ngại về dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã kéo giá quay đầu giảm nhẹ sau khi chạm kháng cự 89,7 USD/thùng. Quốc gia này đã phải đóng cửa một số khu vực ở khu kinh tế Trịnh Châu trong 7 ngày, khiến kỳ vọng về sự phục hồi tiêu thụ lung lay và gây áp lực đến giá.

Mặc dù vậy, lo ngại về nguồn cung vẫn là yếu tố lấn át khi báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) củng cố cho sự sụt giảm từ phía nguồn cung. Tuy mức giảm thấp hơn con số 6,5 triệu thùng mà API đưa ra, song dự trữ dầu thô của Mỹ theo EIA giảm 3,12 triệu thùng so với tuần trước, trong khi dự trữ xăng dầu giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 11/2014 tiếp tục củng cố cho đà tăng của giá dầu.
Bên cạnh đó, nguồn tin từ Reuters cho biết sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm lần đầu tiên vào tháng 10 kể từ tháng 6. Cụ thể, 10 thành viên chính của nhóm OPEC đã cung cấp 25,33 triệu thùng/ngày trong tháng 10, thấp hơn khoảng 20.000 thùng/ngày so với tháng 9. Thêm vào đó, các quốc gia này vẫn đang sản xuất dưới mức hạn ngạch khi sản lượng ước tính thực tế trong tháng 10 này đang thấp hơn 1,36 triệu thùng/ngày so với mục tiêu thỏa thuận. Rủi ro từ nguồn cung thắt chặt đã khiến giá dầu tăng khoảng 2 USD/thùng trong phiên tối.
Giá dầu chỉ gặp áp lực trở lại vào cuối phiên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 4 liên tiếp, đưa mức lãi suất hiện tại lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, chủ tịch Fed tiếp tục cho thấy thái độ quyết liệt của mình trong tiến trình thắt chặt tiền tệ qua bài phát biểu sau đó, kéo chỉ số Dollar Index tăng mạnh. Đây có thể sẽ là yếu tố chính gây sức ép bán cho dầu thô trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, lo ngại về nguồn cung thắt chặt nhiều khả năng sẽ hạn chế đà giảm quá sâu của giá.
Triển vọng tiêu thụ tích cực thúc đẩy giá bông tăng
Đóng cửa ngày giao dịch 2/11, sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi bông có phiên chạm giới hạn thứ 2 liên tiếp, 4.00 cents, cà phê Arabica bật tăng mạnh hơn 4% khi nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn.
Bông tăng vọt ngay từ đầu phiên giao dịch khi tiếp tục hấp thụ thông tin về các cuộc biểu tình tại Brazil đang làm cản trở hoạt động giao hàng của nước này, đặc biệt là các mặt hàng của bang Mato Grosso và bông cũng là một trong nhưng mặt hàng chủ lực của bang nông nghiệp này. Bên cạnh đấy, việc Trung Quốc, nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới có động thái trong việc nới lỏng chính sách Zero Covid để đảm bảo cho sự tăng trưởng, điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho nhu cầu tiêu thụ bông khởi sắc, từ đó hỗ trợ giá giúp bông trở thành mặt hàng dẫn đầu xu thế tăng của nhóm với mức tăng 5,33%.