NÔNG SẢN
Sau chuỗi 7 phiên biến động lình xình đi ngang thì đậu tương đã phá vỡ hỗ trợ 1230 với mức giảm mạnh hơn 1.7%. Tính cạnh tranh của đậu tương CBOT đang giảm xuống trên thị trường thế giới mặc dù đang là mùa thu hoạch cao điềm khi Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm.
Đà tăng mạnh của khô đậu tương bị chững lại khi giá quay đầu giảm mạnh do lực bán kỹ thuật tại vùng 340 và đóng cửa xoá hết mức tăng của phiên trước đó. Dầu đậu tương mặc dù bật tăng nhẹ khi bước vào phiên tối nhưng đóng cửa cũng giảm mạnh do diễn biến của giá dầu thô.
Giá ngô giảm phiên thứ 3 liên tiếp bất chấp số liệu tích cực trong báo cáo Export Sales.
Lúa mì đóng cửa tiếp tục giảm gần 1%. Sau khi kêu gọi các hộ dân tích trữ nhu yếu phẩm thiết yếu cho mùa đông từ đầu tuần thì hôm qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo rằng nước này hoàn toàn đủ lượng lúa mì dự trữ để đáp ứng nhu cầu nội địa trong vòng 1.5 năm.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Kết thúc phiên Arabica giảm 0.33% còn 208.6 cents/pound, giá Robusta đóng cửa thấp hơn 1.3% còn 2204 USD/tấn. Mức giảm của phiên hôm qua nối tiếp xu hướng giảm điều chỉnh cho giá Robusta, còn trên thị trường Arabica, giá tích lũy đi ngang trong biên độ 205 – 212 cents/pound.
Giá bông cũng đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên hôm qua với mức giảm gần 2% còn 116.5 cents/pound.
Giá đường bật tăng trở lại với giá đường 11 kết thúc phiên cao hơn 1.3% lên mức 19.63 cents/pound, giá đường trắng gần như không thay đổi với mức đóng cửa là 506.8 USD/tấn.

KIM LOẠI
Giá bạc tăng mạnh gần 3% lên 23.9 USD/ounce, giá bạch kim tăng khiêm tốn hơn chưa tới 1% lên 1029 USD/ounce. Các động thái cắt giảm hỗ trợ từ FED gần đây không làm cho giá các mặt hàng kim loại quý bị ảnh hưởng quá nhiều, bởi áp lực lạm phát vẫn duy trì khi mà những vấn đề về chuỗi cung ứng trên toàn cầu vẫn chưa được giải quyết.
Giá đồng giảm phiên thứ 3 liên tiếp về 4.32 USD/pound, mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Bất chấp việc tồn kho đồng trên các Sở đều giảm mạnh và nguy cơ thiếu hụt hàng khi hợp đồng các tháng tới đáo hạn, giá đồng vẫn giảm. Giá nhôm cũng giảm mạnh gần 4% còn 2553 USD/tấn khi mà nhu cầu tiêu thụ cũng bị ảnh hưởng.
Giá quặng sắt sau khi phục hồi được một phiên rồi quay đầu giảm hơn 3.5% còn 93.9 USD/tấn.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu biến động mạnh ngày hôm qua, với các thông tin trái chiều đến từ phía OPEC+ và Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 2.54% xuống 78.81 USD/thùng, giá Brent giảm 1.77% xuống 80.54 USD/thùng.
Việc OPEC+ quyết định giữ mức tăng sản lượng dự kiến lên 400,000 thùng/ngày mặc dù không phải là thông tin quá bất ngờ, nhưng cũng đủ khiến cho giá dầu tăng mạnh sau cuộc họp.
Hành động của OPEC+ đã tạo ra nhiều chỉ trích từ các nước tiêu thụ dầu lớn, đặc biệt là Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Họ cho rằng OPEC+ đang góp phần đẩy giá năng lượng lên cao, đe doạ tiến độ phục hồi của nền kinh tế. Chỉ vài tiếng sau cuộc họp của OPEC+, Nhà Trắng đã lên tiếng sẽ bảo vệ kinh tế nước này, gợi ý rằng họ sẽ can thiệp vào thị trường dầu để tránh giá xăng dầu tăng. Theo ước tính, mỗi lần giá xăng tăng 1 cent, người tiêu dùng Mỹ lại thiệt hại 1 tỷ USD. Giá xăng tại Mỹ hiện đã tăng 1 USD/gallon so với cùng kỳ năm ngoái, như vậy, nền kinh tế Mỹ đang chịu tổn thất lên đến 100 tỷ USD, tương đương gần 0.5% GDP năm 2020. Do đó, Mỹ có nhiều động lực để can thiệp vào thị trường dầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV