NÔNG SẢN
Đối với đậu tương, đây đã là phiên tăng thứ 9 trong tổng số 10 phiên gần nhất và tổng cộng, đậu tương đã tăng mạnh đến 12.7% chỉ sau 2 tuần. Trong báo cáo Daily Export Sales, các nhà xuất khẩu tư nhân của Mỹ đã bán 507,000 tấn đậu tương trong ngày hôm qua, cũng là yếu tố góp phần giúp giá duy trì đà tăng mạnh sau khi có gapup lớn ngay đầu phiên.
Khô đậu tương cũng tăng mạnh 2% sau khi kết thúc phiên hôm qua, lên mức 452.8 USD/tấn, cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Nguồn cung đậu tương sụt giảm và lo ngại về lạm phát ở Argentina khiến nông dân hạn chế bán hàng, cũng đã giúp cho giá khô đậu tăng đến 15.5% sau 2 tuần.
Áp lực trái chiều từ diễn biến của khô đậu, cùng với việc giá dầu thô và dầu cọ đồng loạt suy yếu, khiến cho giá dầu đậu tương giảm không đáng kể 0.03%, trái chiều với toàn bộ nhóm nông sản.
Tương tự với đậu tương, thời tiết xấu khiến USDA chi nhánh Brazil giảm dự báo sản lượng và xuất khẩu ngô của nước này, đã khiến giá ngô tăng mạnh 2.38% ngay trong phiên đầu tuần, dẫn đầu đà tăng của toàn nhóm.
Thời tiết thuận lợi ở các vùng gieo trồng chính ở Bắc Bán cầu và thuế xuất khẩu lúa mì Nga liên tục giảm, khiến giá lúa mì Chicago giằng co và đóng cửa với mức tăng nhẹ 0.72% lên 768.75 cents/giạ.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Phần lớn các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đều đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần. Đáng chú ý, hai mặt hàng cà phê lại có một phiên giao dịch với diễn biến trái chiều. Giá Arabica giảm nhẹ gần 0.1% về 241.65 cents/pound, trong khi giá Robusta tăng nhẹ 0.18% lên 2233 USD/tấn. Bất chấp việc thị trường đang có nhiều tin tức cơ bản hỗ trợ cho đà tăng của giá Arabica, biên độ biến động trong phiên vẫn giảm và giá chưa thể bứt phá. Mức tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm về 1.078 triệu bao, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2000.
Sắc đỏ quay trở lại với thị trường đường. Hợp đồng đường 11 tháng 3 giảm khoảng 1% về 18.05 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn cũng giảm 1.12% về 492.9 USD/tấn.
Giá bông cũng giảm gần 1% về 125.57 cents/pound. Áp lực bán ở vùng đỉnh 11 năm vẫn tiếp tục đẩy giá giảm về mức đỉnh cũ 124 cents.

KIM LOẠI
Các mặt hàng kim loại kết thúc phiên giao dịch đầu tuần với diễn biến trái chiều. Trong khi giá bạc tăng mạnh gần 3% lên gần 23.1 USD/ounce, giá bạch kim giảm nhẹ 0.41% về 1020 USD/ounce. Hai mặt hàng kim loại quý đang có xu hướng đi ngược chiều nhau trong thời gian gần đây, và thường giá bạc nhận được sức mua lớn hơn, bởi trước đó, giá bạch kim đã có một đợt tăng mạnh còn giá bạc thì không, nên dư địa tăng giá của thị trường bạc đang nhiều hơn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, nhôm vẫn tiếp tục tăng giá do nguồn cung đang bị thắt chặt. Giá nhôm kết thúc phiên tăng gần 2% lên 3132 USD/tấn và đang rất gần với mức đỉnh cao nhất mọi thời đại. Tồn kho ở Trung Quốc, đất nước tiêu thụ 56% sản lượng nhôm toàn cầu đang sụt giảm nghiêm trọng, trong khi nguồn cung không kịp đáp ứng.
Giá đồng giảm nhẹ 0.56% về mức 4.4625 USD/ounce. Thị trường đang đi ngang phiên thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh phe mua không nhận được sự hỗ trợ nào để đưa giá vượt lên khỏi mức kháng cự 4.5 USD/pound. Giá quặng sắt tiếp tục tăng 1.65% lên 147.45 USD/tấn trong bối cảnh các nhà đầu tư kỳ vọng Trung Quốc sẽ cho phép gia tăng sản lượng thép trong thời gian tới.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên hôm qua do sức ép từ các diễn biến mới trong đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 1.07% xuống 91.32 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0.62% xuống 92.69 USD/thùng.
Dầu thô giằng co quanh vùng tham chiếu ngay trong phiên sáng trước thông tin Mỹ miễn trừ một số lệnh cấm vận cho Iran, trong một động thái nhằm thúc đẩy tiến trình cuộc đàm phán hạt nhân đã kéo dài lâu ngày. Mặc dù chưa có một cam kết chắc chắn nào giữa 2 bên được đưa ra, cũng như các lệnh miễn trừ này không tác động trực tiếp đến ngành dầu khí của Iran, tuy nhiên đây vẫn được xem là dấu hiệu cho thấy các bên đều thật sự muốn nói lại thỏa thuận. Nếu các bên đạt được thỏa thuận, đây có thể trở thành yếu tố ngăn chặn đà tăng của dầu, với ước tính khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày của Iran có thể quay trở lại thị trường trong năm nay.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV