NÔNG SẢN
Chỉ ngay sau thời điểm phát hành, giá đậu tương đã tăng vọt gần 60 cents từ mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua nhưng càng về cuối phiên giá càng suy yếu dần về mức 1212.00 cents/giạ. USDA đã bất ngờ cắt giảm mức năng suất của đậu tương xuống còn 51.2 giạ/mẫu, so với mức 51.5 giạ/mẫu trong báo cáo tháng 10 và mức 51.9 giạ/mẫu so với dự đoán của thị trường.
Nguồn cung đậu tương cũng được dự báo thắt chặt hơn ở Argentina là yếu tố thúc đẩy đà tăng của khô và dầu đậu tương do đây là nước xuất khẩu 2 mặt hàng thành phẩm trong hoạt động ép dầu lớn nhất thế giới.
Giá ngô tăng 0.6% lên mức 554.75 cents/giạ, chấm dứt chuỗi năm phiên liên tục chìm trong sắc đỏ của mặt hàng này.
Giá lúa mì đóng cửa tăng khá mạnh 1.37% lên mức 778.5 cent/giạ.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Mức tăng trung bình 3% đưa giá Arabica đóng cửa ở mức 205.9 cents/pound, và giá Robusta tăng lên 2226 USD/tấn.
Bên cạnh giá cà phê, giá bông cũng hồi phục mạnh mẽ gần 2.5% lên 119.4 cents/pound. Mức tăng của phiên hôm qua có thể phản ánh rằng dòng tiền vẫn tiếp tục dịch chuyển vào thị trường bông, bất chấp áp lực thanh khoản khi mà số lượng vị thế bán của các quỹ vẫn đang ở mức thấp nhất của năm nay.
Giá hai mặt hàng vẫn diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua, với giá đường 11 giảm nhẹ về 19.90 cents/pound, còn giá đường trắng nhích nhẹ lên 514.5 USD/tấn.

KIM LOẠI
Giá bạc giảm gần 1% còn 24.3 USD/ounce, giá bạch kim không thay đổi quá nhiều so với mức đóng cửa của phiên trước đó, nhích nhẹ 1 USD lên 1061.4 USD/ounce. Trong một ngày mà thị trường chứng khoán Mỹ và đồng USD đều giảm mạnh, giá cả hai mặt hàng kim loại quý không được hưởng lợi mà còn chịu áp lực bán mạnh khi mà tâm lý tiêu cực lan rộng trên khắp các thị trường tài chính.
Phần lớn các mặt hàng kim loại cơ bản đều đóng cửa giảm trong phiên hôm qua. Giá đồng tăng rất tốt vào cuối giờ chiều nhưng rồi bất ngờ lao dốc cùng giá nhôm và dẫn dắt đà giảm của thị trường.
Giá quặng sắt tiếp tục giảm 1.4% còn 90.85 USD/tấn. Do cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc vẫn chưa kết thúc, và áp lực hạn chế ô nhiễm không khí trong mùa đông và trước Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2, phải mất một thời gian nữa các hoạt động sản xuất thép mới được nới lỏng. Giá sắt được dự báo phải đợi đến cuối quý I/2022 mới có thể phục hồi tích cực trở lại.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá Brent tăng 1.62% lên 84.78 USD/thùng, giá WTI tăng 2.71% lên 84.15%.
Mặc dù báo cáo STEO tối hôm qua dự đoán giá xăng sẽ hạ nhiệt trong tháng 12, về lý thuyết là một thông tin “bearish” với thị trường, tuy nhiên điều này giúp ngăn cản Nhà Trắng mở kho dự trữ chiến lược dầu (SPR) nên lại hỗ trợ tâm lý các nhà đầu tư và đẩy giá tăng trong phiên tối hôm qua.
Trong ngắn hạn, với báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API rạng sáng nay cho thấy tồn kho dầu của Mỹ giảm sau 6 tuần tăng liên tiếp, tâm lý “bullish” của thị trường sẽ được thúc đẩy, ít nhất cho đến khi báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA tối nay vào công bố các số liệu chính thức.
Giá khí tự nhiên giảm mạnh 8.26% theo đà tại thị trường châu Âu, khi Nga gia tăng sản lượng khí cung cấp cho thị trường này.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV