NÔNG SẢN
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 01 giảm mạnh hơn 3.5% về sát mốc hỗ trợ tâm lí 1200. Sức ép từ những kỳ vọng của thị trường về báo cáo Cung - cầu được công bố vào tối mai đã được thể hiện qua mức giảm này.
Dầu đậu tương dẫn đầu thị trường với mức rơi mạnh gần 4% trước áp lực về khi cả dầu thô và dầu cọ đều suy yếu.
Giá ngô đóng cửa với mức giảm khá mạnh 2.68%, xóa đi 1 nửa mức tăng của tuần trước đó. Thị trường đang dự đoán, USDA sẽ tăng dự báo sản lượng ngô năm nay lên mức 15.5 tỉ giạ, cao hơn gần 500 triệu giạ so với báo cáo tháng 10, do năng suất được cải thiện từ mức 176.5 lên 176.9 giạ/mẫu.
Lúa mì trải qua tuần giảm điểm đầu tiên sau hai tuần tăng liên tiếp vào nửa sau của tháng 10.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Trong khi giá Arabica chỉ giảm nhẹ 0.2% còn 203.55 cents/pound, giá Robusta giảm 1.5% còn 2181 USD/tấn. Thị trường Robusta London đang gặp áp lực bán lớn hơn khi mà trước đó giá tăng mạnh lên mức 2270 USD, cao nhất trong vòng 10 năm, còn giá Arabica vẫn chỉ duy trì giao dịch dưới mức 210 cents/pound.
Hai mặt hàng đường diễn biến trái chiều với giá đường 11 tăng 3.5% lên 19.94 cents/pound, trái lại, giá đường trắng giảm nhẹ 0.3% còn 507.7 USD/tấn.
Giá bông đóng cửa tuần tăng gần 2% lên 116.7 cents/pound, dù trong tuần thị trường gặp phải lực chốt lời mạnh.

KIM LOẠI
Giá bạc tăng 0.9% lên 24.1 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 1.5% lên 1036 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý đều hồi phục tốt nhờ vào sự suy yếu của đồng USD, ngay cả khi FED đã cắt giảm gói thu mua Trái phiếu hàng tháng.
Phần lớn các mặt hàng kim loại cơ bản tiếp tục đóng cửa tuần trong sắc đỏ. Giá đồng giảm 0.6% còn 4.34 USD/pound. Quặng sắt là kim loại giảm mạnh nhất trong tuần qua, với mức đóng cửa thấp hơn 12% còn 91.47 USD/tấn. Đà giảm của giá sắt đã được giới chuyên gia dự đoán từ lâu, bởi các nhà máy phải cắt giảm hoạt động để đảm bảo sản lượng thép năm nay không cao hơn so với năm ngoái và hạn chế lượng khí thải nhằm giữ gìn chất lượng không khí cho kỳ Thế vận hội mùa đông diễn ra vào đầu năm sau.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI giảm 2.75% xuống 81.27 USD/thùng, giá Brent giảm 1.17% xuống 82.74 USD/thùng.
Sau khi OPEC+ từ chối yêu cầu gia tăng sản lượng dầu của Mỹ trong cuộc họp thứ Năm tuần trước, chính quyền Mỹ có vẻ đã quyết tâm sẽ tự mình can thiệp vào thị trường dầu để hạ nhiệt giá năng lượng: Giá xăng bán lẻ tại Mỹ hiện đã lên mức cao nhất trong vòng 7 năm, góp phần làm vấn đề lạm phát trở nên trầm trọng hơn và khiến độ ủng hộ của dân chúng dành cho chính quyền Tổng thống Biden giảm xuống dưới 50%, theo khảo sát mới nhất, với khoảng 20-30% hộ gia đình gặp khó khăn trong việc trả hoá đơn năng lượng.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 1.66% lên 5.516 USD/MMBTu theo đà tại thị trường châu Âu, khi Nga quyết định không tăng sản lượng xuất khẩu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV