NÔNG SẢN
Lúa mì một lần nữa lại giảm kịch sàn trong ngày hôm qua, xóa đi toàn bộ mức tăng tích lũy được từ cuối tuần trước đến nay và đẩy giá về mức thấp nhất trong vòng 2 tuần. Triển vọng về việc có thể sớm tìm ra được “giải pháp” cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá lúa mì trong phiên hôm qua.
Ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến của giá lúa mì, kết hợp với việc sản lượng ethanol của Mỹ giảm và tồn kho ethanol tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 04/2020 trong báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cũng khiến giá ngô giảm mạnh 3.7% về mức 730.00 cents/giạ.
Đối với nhóm đậu tương, không có nhiều yếu tố mới ảnh hưởng đến giá trong phiên hôm qua, vì thế các mặt hàng này chịu áp lực bán chung của toàn nhóm nông sản và lực bán kỹ thuật ở các mức kháng cự quan trọng.
Khô đậu bị cản lại ở vùng 490 USD và giảm khá mạnh 1.24% về mức 478.0 USD/tấn Mỹ, trong khi đậu tương hầu như vẫn đi ngang ở vùng giá 1650 – 1680 cents/giạ. Diễn biến trái chiều của dầu cọ và dầu thô tác động cân bằng lên giá dầu đậu, và khiến cho giá chỉ giảm nhẹ 0.18% về 73.55 cents/pound.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Nhóm cà phê ghi nhận mức hồi phục đáng kể với hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 tăng hơn 3% lên mức 217.5 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng 3.22% lên mức 2148 USD/tấn.
Theo ghi nhận của các chuyên gia, cây cà phê tại các khu vực gieo trồng của Brazil đang ở trạng thái tốt nhờ đón nhận lượng mưa cần thiết vào đầu năm nay, tuy nhiên số lượng quả cà phê lại ở mức thấp. Điều này cho thấy sản xuất cà phê thực chất chỉ có thể hồi phục trong năm tới, do đó trong ngắn hạn giá vẫn được hỗ trợ nhờ yếu tố về nguồn cung. Ngoài ra Hiệp hội cà phê cho biết, tồn kho cà phê tại các cảng của Mỹ trong tháng 2 đã giảm 0.5% xuống còn 5.7 triệu bao. Theo giới phân tích, do thị trường cà phê đã bước vào vùng quá bán sau đợt giảm giá mạnh vừa rồi, cho nên giá đã bật tăng nhờ lực hồi kỹ thuật.
Ở một diễn biến khác, giá đường 11 đóng cửa giảm 0.9% xuống còn 18.6 cents/pound, giá đường trắng đóng cửa giảm nhẹ 0.02% xuống còn 522.6 USD/tấn.
Giá cacao đóng cửa tăng 0.4% lên mức 2532 USD/tấn sau khi trải qua 3 phiên giảm liên tiếp.

KIM LOẠI
Diễn biến trái chiều lại xuất hiện giữa ba mặt hàng kim loại quý với giá vàng và bạch kim cùng tăng hơn 0.5% lên lần lượt là 1927.9 USD/ounce và 1008.1 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc giảm gần 2% về 24.7 USD/ounce. Mức tăng không đáng kể trên thị trường bạch kim và vàng cộng với sức bán mạnh đến từ thị trường bạc phần nào cho thấy những tác động nhất định sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0.25%, và cũng là đợt tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018. Động thái này của Fed nhằm đối phó với mức lạm phát đang tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm của Mỹ, và nhằm củng cố vị thế của đồng USD nên đã gây ra không ít sức ép lên nhóm kim loại quý. Một trong những lý do khiến cho giá bạc giảm mạnh nhất trong cả ba vì trước đó kim loại này chưa bị bán nhiều như bạch kim, còn vai trò trú ẩn cũng thua kém so với vàng.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng gần 2% lên 4.6 USD/pound sau chuỗi giảm ba phiên liên tiếp. Mặc dù thị trường đang bị ảnh hưởng bởi nhiều tin tức xấu có liên quan tới Trung Quốc, nhà tiêu thụ số một thế giới, nhưng sức mua vẫn được cải thiện trong phiên hôm qua nhờ vào những lo ngại nguồn cung ở Peru. Sản lượng của nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới có thể sẽ bị sụt giảm do các cuộc biểu tình chặn đường của người dân tại nhiều mỏ đồng liên tiếp nổ ra.
Quặng sắt là kim loại tăng mạnh nhất trong hôm qua với mức đóng cửa cao hơn 8.4% lên 149.2 USD/tấn. Cũng như thị trường đồng, giá quặng sắt cũng chịu nhiều sức ép từ triển vọng kinh tế kém khả quan và tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, tuy nhiên nguy cơ nguồn cung thép trên toàn cầu bị thắt chặt đã hỗ trợ khá nhiều đối với giá quặng sắt.

NĂNG LƯỢNG
Dầu thô WTI đóng cửa thấp hơn gần 1.5% về 95.04 USD/ thùng, còn giá dầu thô Brent cũng giảm gần 2% về 98.02 USD. Cả hai mặt hàng dầu thô hiện đã giảm hơn 20% kể từ mức đỉnh của tuần trước. Những biến động mạnh ở mức tăng giảm cực đoan của giá dầu trong thời gian gần đây có thể khiến các nhà đầu tư phải rời khỏi thị trường dầu mỏ trong một thời gian. Hiện tại, có vẻ như các nhà giao dịch đã trở nên lạc quan hơn trong về thoả thuận chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Vòng trừng phạt mới nhất của châu Âu một lần nữa loại trừ dầu và khí đốt, đồng nghĩa với việc ít có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong những tuần tới. Ngoài ra, Mỹ có vẻ gần đạt được một thỏa thuận với Iran để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dầu mỏ để đổi lấy một thỏa thuận hạn chế tham vọng hạt nhân của nước này. Iran có thể đưa trở lại thị trường khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh các tin tức địa chính trị tích cực, sức ép bán trên thị trường dầu tiếp tục gia tăng bởi mới đây Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) vừa phát hành báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng thêm 4.3 triệu thùng, cao hơn mức dự báo của API và đi ngược lại với dự báo của Reuters và Bloomberg. Báo cáo cũng chỉ ra nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm nay do kết quả của những đợt tăng giá gần đây. Tồn kho tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm là yếu tố khiến cho thị trường dầu thô tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV