NÔNG SẢN
Nhóm đậu tương trải qua một phiên giao dịch đầu tuần khá tiêu cực khi tạo gapup khá lớn khi mở cửa nhưng yếu dần và giảm mạnh về cuối phiên. Lực bán áp đảo trên toàn bộ các mặt hàng họ đậu chủ yếu do ảnh hưởng bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô hơn là các yếu tố cơ bản, với đà giảm mạnh của giá dầu thô.
Mặc dù chịu áp lực chung từ mức giảm của nhóm đậu tương nói riêng và toàn bộ thị trường hàng hóa nói chung, giá lúa mì vẫn giữ được mức tăng nhờ lo ngại về thời tiết hạn hạn tại Mỹ và Canada, cùng với lũ lụt ở châu Âu trong tuần vừa rồi.
Mức tăng của giá lúa mì cũng hỗ trợ tích cực cho giá ngô, kết hợp với lực mua kỹ thuật ở vùng giá 550 giúp giá ngô không giảm sâu về dưới mốc này.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Cà phê đồng loạt giảm mạnh theo đà giảm chung của thị trường hàng hóa. Đồng Dollar tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 04, cũng là yếu tố “bearish” mạnh đối với các mặt hàng này, nhất là khi nhu cầu chưa thể phục hồi trên toàn cầu do tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Việc giãn cách xã hội tại Việt Nam cũng gây ra lo ngại nhất định với chuỗi cung ứng, giúp cản bớt đà giảm của giá Robusta.
Đối với bông và đường 11, lực bán kháng cự tại các mức kháng cự tâm lý quan trọng 90 cents và 18 cents khiến giá chịu nhiều áp lực lớn trong phiên hôm qua.
KIM LOẠI
Giá đồng, bạc và bạch kim đồng loạt giảm mạnh trước sức ép từ mức tăng của đồng Dollar. Biến chủng Delta đang lây lan khắp thế giới, đẩy số ca nhiễm tại Mỹ tăng 70% tuần trước, khiến các quỹ đều rời vị thế nắm giữ với hàng loạt tài sản rủi ro.
Bên cạnh đấy, lúc bán kỹ thuật của giá bạc và bạch kim sau khi 2 mặt hàng này rơi khỏi đường trendline tăng cũng góp phần khiến giá giảm mạnh trong phiên hôm qua.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu chứng kiến phiên sụt giảm trong ngày hôm qua, với giá WTI giảm 7.6% xuống 66.35 USD/thùng, trong khi giá Brent giảm 6.75% xuống 68.62 USD/thùng. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4 năm ngoái, khi giá dầu chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến dầu mỏ giữa Saudi Arabia – Nga và dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ trong 1 đêm giá dầu đã đánh mất cột mốc 70 USD/thùng, và hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021.
Dịch COVID-19 tăng trở lại đe doạ khả năng phục hồi kinh tế của các nước. Giá USD tăng khi các nhà đầu tư giảm bớt các tiền tệ rủi ro tương đối cao như Dollar Úc, New Zealand và Dollar Canada cũng tác động tiêu cực đến giá hàng hoá định giá theo USD như dầu.