NÔNG SẢN
Giá đậu tương đã trải qua phiên hồi phục kĩ thuật từ mức hỗ trợ 1260. Đây là lần thứ 3 trong vài tháng qua, giá được đẩy lên khi giảm về ngưỡng chặn dưới này bất chấp các thông tin “bearish” lần lượt xuất hiện.
Giá dầu đậu tương đã tạo mô hình cây nến Hammer khi kết thúc phiên hôm qua với diễn biến hồi phục tại mức hỗ trợ kĩ thuật tương tự như giá đậu tương, trong khi giá khô đậu tương tăng trở lại nhưng vẫn duy trì xu hướng đi ngang.
Giá ngô tiếp nối chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp. Chính phủ Argentina đã tái ký kết thỏa thuận tiếp tục nạo vét sông Parana giúp tăng cường hoạt động xuất khẩu tại đây là yếu tố gây sức ép lên giá.
Lúa mì tiếp tục đà giảm mạnh về dưới mốc kháng cự tâm lí 700. Tốc độ gieo trồng hiện tại của Ukraine đang nhanh hơn tương đối so với năm trước và là yếu tố chính khiến giá lúa mì suy yếu. Bên cạnh đó, sản lượng lúa mì niên vụ 21/22 của Nga được Sovecon điều chỉnh tăng nhẹ 200,000 tấn so với dự báo trước trong tháng 8 cũng tác động “bearish" lên giá.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tăng 0.41% lên 183.35 cents/pound, giá Robusta tiếp tục tăng lên 2160 USD/tấn. Giá cả hai mặt hàng cà phê bật tăng sau khi có báo cáo của CONAB. Sản lượng Arabica của năm nay được ước tính chỉ đạt 30.7 triệu bao, giảm 8% so với dự báo trước đó, và giảm 37% so với sản lượng của năm 2020. Thông tin được đưa ra không gây bất ngờ nhiều với các nhà đầu tư, nhưng cũng đủ để làm chất xúc tác cho phe mua giữ giá trên mức 180 cents/pound. Sản lượng cà phê Robusta được dự báo tăng 5% so với số liệu trước đó, đạt 15.4 triệu bao. Tuy nhiên, thông tin này không làm cho yếu tố đầu cơ ở thị trường Robusta giảm xuống, cộng thêm tâm lý hưng phấn trên toàn bộ các thị trường đầu tư của phiên hôm qua khiến giá Robusta vẫn được hỗ trợ đi lên.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD cũng góp phần giúp cho các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp bật tăng trở lại. Giá đường 11 tăng 0.58$ lên 418 USD/tấn, giá đường trắng tăng 0.66% lên 501 USD/tấn. Giá Cacao cũng tăng 0.5% lên 2160 USD/tấn nhờ vào những lo ngại nguồn cung sẽ bị thắt chặt do sản lượng của nhà sản xuất số 2 thế giới là Ghana suy giảm.

KIM LOẠI
Giá bạc tăng gần 2% lên 22.61 USD/ounce, giá bạch kim bật tăng mạnh mẽ gần 6% lên 950.8 USD/ounce. Đồng USD suy yếu đã tạo điều kiện cho lực bắt đáy ở cả hai thị trường bạc và bạch kim áp đảo, giúp cho các nhà đầu tư có một phiên giao dịch vô cùng sôi động. Chỉ số Dollar Index giảm về 93.2 điểm. Dòng tiền được rút ra khỏi thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử cũng góp phần không nhỏ giúp cho hai mặt hàng kim loại quý đi lên.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng tăng 0.3% lên 4.12 USD/pound. Giá giằng co rất mạnh trong phiên và đã có lúc giảm về 4 USD/pound trước những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn Evergrande. Tuy nhiên, với kỳ vọng dài hạn nền kinh tế trên toàn cầu sẽ tăng trưởng tốt, lực bắt đáy của các nhà đầu tư ở khu vực tâm lý 4 USD/pound khá lớn, giúp cho giá bật tăng trở lại và đóng cửa cao hơn so với phiên thứ hai.
Giá quặng sắt cũng tăng nhẹ 0.12% lên 93.68 USD/tấn. Tuy nhiên, đà tăng nhiều khả năng xuất phát từ tâm lý tích cực của toàn bộ thị trường hàng hóa, mức tăng nhẹ cũng phản ánh lực bắt đáy và lực mua không mạnh. Do đó, khó có thể nói giá quặng sắt sẽ phục hồi tích cực trong thời gian sắp tới.

NĂNG LƯỢNG

Giá dầu thô tăng nhẹ sau 1 phiên giao dịch đầy biến động. WTI tăng nhẹ 0.5% lên 70.49 USD/thùng, Brent tăng 0.68% lên 73.57 USD/thùng khi thị trường tập trung vào nguồn cung thắt chặt tại Mỹ. 

Dầu thô tăng mạnh ngay khi mở cửa nhưng lại gặp áp lực trong phiên Mỹ theo ảnh hưởng của thị trường chứng khoán. Lo ngại về khả năng Evergrande vỡ nợ kết hợp với khả năng Cục Dự trữ Liên bang FED cắt giảm gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD/tháng tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường.  

Tuy nhiên, khả năng nguồn cung không theo kịp nhu cầu giúp cho giá lấy lại mức tăng. Các nhà sản xuất tại Vịnh Mexico, Mỹ vẫn chưa phục hồi được hoạt động sản xuất như bình thường, trong khi tại OPEC, nhiều thành viên không thể đảm bảo sản lượng theo hạn ngạch đề ra. Hơn 3 tuần sau khi bão Ida đi qua, khoảng 18% sản lượng dầu tại Vịnh và 27% sản lượng khí tự nhiên vẫn chưa được khôi phục. 

Giá khí tự nhiên tiếp tục giảm 3.61% xuống 4.805 USD/MMBTu. Giới phân tích cảnh báo, mức giá cao duy trì trong thời gian dài có thể khiến cho nhu cầu nội địa tại Mỹ suy yếu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)