NÔNG SẢN
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh bao trùm lên toàn bộ bảng giá nông sản khi các mặt hàng đều trải qua mức tăng khá mạnh.
Giá đậu tương đóng cửa tuần cao hơn 3.21% với 4/5 phiên tăng, kể từ sau báo cáo Cung - cầu tháng 11. Mặc dù mở cửa tuần tiếp nối đà giảm mạnh về sâu dưới mức hỗ trợ tâm lí 1200 do những kì vọng nguồn cung nới lỏng, giá đậu tương đã ngay sau đấy tăng mạnh khi các số liệu về năng suất và sản lượng của Mỹ lại giảm xuống, trái ngược với dự đoán của giới phân tích trước đó.
Khô đậu tương là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản với mức tăng vọt gần 9%. Mức tăng chủ yếu diễn ra trong phiên cuối tuần do tốc độ gieo trồng đậu tương chậm hơn trung bình 3 năm ở Argentina.
Giá ngô tăng mạnh 4.39% lên mức 577.25 cents, xóa đi phần lớn mức giảm của tuần trước đó. Sản lượng ethanol liên tục duy trì ở mức trên 1 triệu thùng/ngày, là yếu tố hỗ trợ giá.
Sau phiên giằng co trong đầu tuần trước, giá lúa mì đã tăng mạnh 4 phiên liên tiếp và vượt qua khỏi mức kháng cự tâm lý 800.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Kết thúc tuần giao dịch 08/11 – 14/11, sắc xanh phủ kín trên bảng giá các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, các mặt hàng cà phê dẫn đầu mức tăng với sự bứt phá vượt trội trong 2 phiên cuối tuần.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 03 trên sở ICE US đóng cửa tuần tăng vọt 7.53% lên mức 221.95 cent/pound, chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 đến nay. Trong khi đó, dù bị điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần nhưng giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 01 trên sở ICE EU cũng tăng mạnh 4.4% trong tuần, lên mức 2277 USD/tấn. Đây cũng là mức đóng cửa tuần cao nhất kể từ tháng 08/2011 đến nay của mặt hàng này.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 03 đóng cửa tăng nhẹ 0.35%, lên mức cao nhất một tháng, được củng cố chủ yếu bởi kế hoạch của chính phủ Ấn Độ chuyển hướng sang sản xuất ethanol nhiều hơn từ mía đường.
Giá bông kỳ hạn tháng 03 đóng cửa tuần tăng 1.63% chủ yếu nhờ nhu cầu tăng mạnh khi mua đông đến gần, kết hợp với lo ngại về lạm phát.
KIM LOẠI
Sắc xanh áp đảo hoàn toàn trên bảng giá các mặt hàng kim loại trong tuần vừa qua. Đáng chú ý là đà tăng của nhóm kim loại quý. Giá bạc tăng gần 5% lên 25.3 USD/ounce, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong 6 tháng qua, còn giá bạch kim cũng nhảy vọt 5.2% lên 1089.2 USD/ounce. Triển vọng gia tăng lạm phát chính là tác nhân châm ngòi cho đợt tăng giá kim loại quý trong tuần này, và thậm chí có thể tiếp tục diễn ra vào tuần tới, khi Canada và Anh báo cáo về tỷ lệ lạm phát. Chỉ số CPI cho biết lạm phát lõi tháng 10 tại Mỹ tăng 4.6% so với tháng trước, cao hơn 4.3% dự báo trước đó. CPI tháng 10 tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Chỉ số giá của nhà sản xuất PPI tại Mỹ cũng tăng 0.6% trong tháng 10 và 6.4% so với cùng kỳ năm trước.
Giá đồng tăng trở lại 2.45% lên mức 4.45 USD/pound. Dự trữ đồng của Trung Quốc giảm 12.600 tấn so với một tuần trước đó xuống mức 82.600 tấn và đây cũng là lần đầu tiên lượng đồng tồn kho giảm xuống dưới 90.000 tấn trong năm nay.
Quặng sắt là kim loại duy nhất giảm giá trong tuần qua, với mức đóng cửa thấp hơn 3.4% còn 88.4 USD/tấn. Đà giảm mạnh tới tuần thứ 5 liên tiếp này của giá sắt đến từ nhu cầu suy yếu của Trung Quốc khi nước này đang áp dụng các chính sách giảm sản xuất thép.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tiếp tục giảm trong tuần vừa rồi, đánh dấu chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay. Khả năng chính phủ Mỹ can thiệp vào thị trường đang là tác nhân lớn nhất tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường, bên cạnh các dự báo mang tính “bearish” của các tổ chức lớn. Kết thúc tuần, giá WTI giảm 0.59% xuống 80.79 USD/thùng, giá Brent giảm 0.69% xuống 82.17 USD/thùng.
Mặc dù phe mua vẫn đang áp đảo trên thị trường, tuy nhiên 2 trong số 3 tổ chức lớn là Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA và OPEC trong tuần trước đều đưa ra kỳ vọng tình trạng thiếu hụt cân bằng cung-cầu sẽ được cải thiện trong các tháng cuối năm, lại làm gia tăng tính biến động trên thị trường.