• NÔNG SẢN

Giá đậu tương tăng gần 20 cents lên mức 1263.25 cent/giạ. một loạt các đơn hàng lớn với tổng khối lượng lên đến hơn 550,000 tấn đậu tương đã được bán cho Trung Quốc, Mexico và một quốc gia giấu tên khác.
Khô đậu tương trải qua mức tăng khá mạnh 2.7%. Trong khi đó, tác động bất lợi từ diễn biến của giá dầu thô, khi mặt hàng này đã giảm mạnh gần 5% đã khiễn cho dầu đậu tương sụt giảm 1.4%, về đóng cửa ở mức 58.16 cent/pound.
Giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 đã không có nhiều biến động lớn và kết thúc với mức giảm nhẹ 1.13% xuống gần vùng hỗ trợ 570 cents.
Lúa mì đóng cửa tuần trước chỉ tăng đúng 6 cents, tương đương với 0.73%. Nguồn cung là yếu tố tác động phần lớn lên đà tăng của giá và giúp hỗ trợ giá lúa mì duy trì ở vùng cao như hiện nay.
• NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều với giá Arabica bứt phá mạnh mẽ 5.16% lên 233.4 cents/pound, trong khi giá Robusta giảm 1.41% còn 2245 USD/tấn.
Đối với thị trường Robusta, tuy giảm nhưng giá đang có xu hướng tích lũy trong biên độ rộng từ 2200 – 2290 USD/tấn. Ngoài những lo ngại về chuỗi cung ứng, chênh lệch giá giữa hai Sở đang được gia tăng mạnh thời gian gần đây đang là yếu tố hỗ trợ cho giá trong tuần này.
Giá bông tăng nhẹ 1.2% trong tuần qua lên 116.43 cents/pound. Tuy nhiên, đà tăng của giá hiện đã chững lại và liên tục gặp sức ép trước các số liệu xuất khẩu tiêu cực.
Giá hai mặt hàng đường đồng loạt giảm trong tuần trước với giá đường 11 giảm 0.1% còn 19.99 cents/pound, giá đường trắng giảm 0.7% còn 512.6 USD/tấn.
• KIM LOẠI
Giá bạc giảm 2.23% còn 24.781 USD/ounce, giá bạch kim cũng lao dốc gần 5% còn 1036 USD/ounce.
Giá đồng giảm gần 1% còn 4.40 USD/pound. Thị trường đang bị kìm hãm nhiều bởi triển vọng tiêu cực của Trung Quốc, bất chấp việc tồn kho trên các Sở lớn đều giảm. Dự trữ đồng trên Sở LME giảm 7,225 tấn, còn Sở Thượng Hải giảm 3,119 tấn trong tuần trước.
Giá quặng sắt tăng 3% trong tuần vừa qua lên 91.06 USD/tấn. Mức tăng này không phản ánh nhiều về triển vọng trong giai đoạn tới của thị trường mà chỉ là một đợt tăng điều chỉnh.
• NĂNG LƯỢNG
Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI giảm 4.71% xuống 75.94 USD/thùng, trong khi giá Brent giảm 3.99% xuống 78.89 USD/thùng, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8.
Ở phía nguồn cung, yếu tố chính trị ngày càng trở thành tác nhân có ảnh hưởng lớn, khi nhóm các nước tiêu thụ dầu lớn, tiêu biểu là Mỹ, thách thức lại quyền lực của cartel lâu đời OPEC+. Sau khi các lời kêu gọi OPEC+ không được đáp ứng, nước Mỹ thấy rằng cần phải tự hành động để bảo vệ nền kinh tế, khi mà giá nhiên liệu tăng trở thành yếu tố lớn nhất thúc đẩy lạm phát.
Với các yếu tố tiêu cực như trên, khó có thể kỳ vọng giá dầu có thể nhanh phục hồi. Nhiều khả năng giá dầu sẽ duy trì dưới vùng 80 USD/thùng, ít nhất cho đến khi có các yếu tố mới đủ mạnh khiến giá đảo chiều.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV