Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng trở lại sau hai ngày giảm do sự suy yếu của đồng USD và kỳ vọng rằng Trung Quốc có thể nới lỏng một số biện pháp hạn chế chống COVID, từ đó thúc đẩy nhu cầu.
Giá dầu thô phiên vừa qua tiếp tục dao động mạnh, với cả dầu Brent và dầu Mỹ đều tăng gần 5 USD/thùng trong khoảng thời gian vài giờ, phục hồi sau mức thua lỗ hồi đầu tuần.
Andrew Lipow, chủ tịch Hiệp hội Dầu Lipow ở Houston, cho biết: “Thị trường đã biến động rất mạnh. Thị trường đang phản ứng với tất cả các thông tin khác nhau hàng giờ và sự chuyển động trên thị trường dầu hàng ngày thậm chí còn khuếch đại tác động của những thông tin đó."
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giao tháng 7 kết thúc ở mức 112,04 USD, tăng 2,93 USD/thùng, tương đương 2,7%; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6 tăng 2,62 USD, tương đương 2,4% lên 112,21 USD/thùng.
Tại Trung Quốc, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ kế hoạch giảm bớt các biện pháp chống COVID từ ngày 1/6 tại thành phố đông dân nhất - Thượng Hải, điều này có thể dẫn đến sự phục hồi nhu cầu dầu từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Thị trường dầu mỏ tăng trong phiên này cũng do đồng USD suy yếu. Chỉ số Dollar index đã giảm 1% trong ngày sau khi tăng gần đây. Giá dầu thường diễn biến ngược chiều với đồng USD vì hầu hết các giao dịch dầu thô toàn cầu được xử lý bằng USD, do đó, đồng bạc xanh tăng giá khiến dầu thô đắt hơn đối với các nhà nhập khẩu lớn.
Tuy nhiên, đà tăng giá bị hạn chế bởi còn rất nhiều yếu tố không chắc chắn. Các nhà đầu tư, lo lắng về lạm phát gia tăng và hành động tích cực hơn từ các ngân hàng trung ương nên tiết chế việc tiếp xúc với các tài sản rủi ro hơn.
Bill Farren-Price, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô dầu khí của Enverus ở London, cho biết: “Dầu Brent có vẻ được ghim trên 100 USD nhưng tôi nghĩ rủi ro suy thoái và tất cả những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc đang hạn chế đà tăng và sẽ tiếp tục như vậy”.
Khả năng xuất hiện một lệnh cấm nhập khẩu dầu của Liên minh châu Âu đang hỗ trợ giá dầu của Liên minh châu Âu. Trong tháng này, EU đã đề xuất một gói trừng phạt mới đối với Nga.
Điều đó sẽ bao gồm lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu dầu trong thời gian sáu tháng, nhưng các biện pháp này vẫn chưa được thông qua, trong đó Hungary là một trong những nước chỉ trích kế hoạch này nhiều nhất.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm làm tăng sức hấp dẫn của vàng thỏi, là nơi trú ẩn an toàn.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 1.840,97 USD/ounce, trong khi vàng giao sau tăng 1,4% lên 1.841,2 USD.
Giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng trong phiên đầu tuần, sau đó đã tăng khoảng 3% kể từ khi đồng USD giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Nhà phân tích cấp cao của OANDA, Edward Moya, cho biết: “Đồng USD và lợi suất giảm là tin tốt cho vàng”.
Mặc dù số người Mỹ không có việc làm đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1969 vào đầu tháng 5, nhưng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã bất ngờ tăng vào tuần trước.
Ông Moya nói thêm: "Vàng đang thu hút dòng tiền trú ẩn an toàn khi thị trường chuyển sang tập trung chủ ý vào những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế Mỹ, với tỷ lệ thất nghiệp thông báo gia tăng và những lo ngại gia tăng về lạm phát. Nhà đầu tư trên toàn cầu đang rất bi quan về thị trường chứng khoán".
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên vừa qua tăng 2,5% lên 21,92 USD/ounce, bạch kim tăng 3,1% lên 964,23 USD và palladium tăng 0,1% lên 2.018,06 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá tăng do kỳ vọng Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch COVID sẽ giúp nhu cầu kim loại hồi phục, bất chấp lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Từ ngày thứ Năm (19/5), nhiều người dân Thượng Hải đã được tự do ra ngoài mua sắm lần đầu tiên trong gần hai tháng khi các nhà chức trách đặt ra các kế hoạch tiếp theo để kết thúc việc phong tỏa chống COVID-19 trên toàn thành phố.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 2,1% lên 9.429,50 USD/tấn, sau khi giảm 1,4% trong phiên liền trước.
Giá nickel phiên này tăng mạnh, thêm 8,9% lên 28.490 USD, mức tăng hàng ngày mạnh nhất trong vòng 2 tháng, sau khi tăng vọt gần 11% trong thời gian ngắn.
Thị trường nickel nhìn chung đã ổn định trở lại sau giai đoạn biến động rất mạnh vào tháng 3, khiến giao dịch bị đình chỉ và các hạn chế được áp dụng. Các nhà giao dịch cho biết, giá nickel tính đến nay đã tăng tới 11%, phần lớn là do sự thiếu hụt trong bối cảnh khối lượng giao dịch không nhiều. Thâm hụt thị trường nickel trên toàn cầu tăng lên 11.100 tấn trong tháng 3, so với mức thiếu hụt 1.800 tấn một tháng trước đó, theo dữ liệu của Tổ chức Nghiên cứu Nickel Quốc tế.
Giá nhôm phiên này cũng tăng 2% lên 2.915 USD, chì CMPB3 tăng 1,2% lên 2.078 USD, kẽm tăng 2,7% lên 3.717,50 USD và thiếc CMSN3 tăng 4,3% lên 34.440 USD.
Thị trường chứng khoán sụt giảm trong phiên vừa qua do lo ngại về suy thoái kinh tế bởi kết quả ảm đạm và triển vọng từ các nhà bán lẻ lớn của Mỹ.
Ole Hansen, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo ở Copenhagen, cho biết: “Thực tế là đồng đang tăng giá hôm nay khi S&P 500 giảm, cho thấy một số sức mạnh tiềm ẩn”, "Sức mạnh đó về cơ bản là có cơ sở, với các dấu hiệu đang dỡ bỏ dần những hạn chế chống COVID-19 ở Trung Quốc và lượng tồn trữ thấp, trong khi nhu cầu tăng."
Giá quặng sắt giảm vào đầu phiên nhưng đảo chiều tăng vào cuối phiên sau khi Trung Quốc phát tín hiệu sẽ có những chính sách hỗ trợ hơn nữa để đối phó với những thách thức từ dịch COVID-19. Một số ngân hàng đầu tư dự báo lãi suất cơ bản cho vay của Trung Quốc có thể được hạ xuống trong ngày 20/5.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9, trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 0,2% lên 818 nhân dân tệ (120,92 USD)/tấn, sau khi giảm 4,8% lúc đầu phiên. Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao tháng 6 tăng 0,9% lên 126,35 USD/tấn, sau khi giảm 4,3% trong phiên giao dịch buổi sáng.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tăng do nhu cầu xuất khẩu mạnh, trong khi lúa mì giảm do hoạt động bán chốt lời.
Hợp đồng đậu tương giao dịch tích cực nhất trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) kết thúc phiên tăng 27-3/4 cent lên 16,90-1/2 bushel, cao nhất kể từ ngày 29/4. Một số dấu hiệu cho thấy xuất khẩu đậu tương của Mỹ có thể vượt dự báo trong năm marketing này. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết hôm thứ Năm rằng doanh số xuất khẩu đậu tương đạt tổng cộng 902.100 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 12 tháng 5, gần mức kỳ vọng cao của thị trường.
Giá ngô hợp đồng tham chiếu cũng tăng 1-3/4 cent lên 7,83-1/4 USD/bushel, song một số kỳ hạn giảm do dự báo thời tiết tốt để gieo trồng và thuận lợi cho sự nảy mầm và phát triển giai đoạn đầu của cây ngô.
Giá lúa mì giảm 30-1/4 cent xuống 12,00-1/2 USD/bushel, ngay cả khi Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì thế giới trong niên vụ 2022/23 xuống 769 triệu tấn từ 780 triệu tấn. Các thương nhân tìm cách chốt lời trong bối cảnh thời tiết mùa ở Bắc Bán cầu có nơi tốt, có nơi xấu và tâm lý gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế.
Giá dầu cọ giảm trong phiên vừa qua và dự kiến sẽ giảm hơn nữa sau khi Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu.
Trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia, hợp đồng dầu cọ giao tháng 8 5 giảm 60 ringgit, tương đương 0,98%, xuống 6.074 ringgit (1.379,67 USD)/tấn.
Indonesia, nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, sẽ cho phép xuất khẩu trở lại bắt đầu từ ngày 23/5, sau khi tình hình cung cấp dầu ăn trong nước được cải thiện. Quyết định được đưa ra bất chấp việc giá dầu ăn nhìn chung vẫn chưa giảm về mức giá mục tiêu 14.000 rupiah/lít, vì chính phủ xem xét quyền lợi của 17 triệu công nhân trong ngành sản xuất dầu cọ, Tổng thống Joko Widodo cho biết trong một tuyên bố.
Giá đường thô giao tháng 7 trên sàn New York giảm 0,06 cent, tương đương 0,3% xuống 19,77 cent/lb, lùi xa khỏi mức cao nhất trong một tháng là 20,24 cent vào thứ Ba do lo ngại băng giá ở Brazil. Giá đường trắng giao tháng 8 trên sàn London giảm 2,20 USD, tương đương 0,4% xuống 551,80 USD/tấn.
Các nhà máy Ấn Độ tính từ đầu niên vụ 2021/22 đến nay đã ký hợp đồng xuất khẩu 8,5 triệu tấn đường mà không có trợ cấp của chính phủ. Ấn Độ có kế hoạch áp dụng quy định pha trộn 20% ethanol với xăng ở một số vùng của nước này từ tháng 4 năm sau.
Trên thị trường cà phê, giá arabica trên sàn ICE tăng sau khi chính phủ Brazil giảm dự báo về sản lượng trong niên vụ 2022.
Hợp đồng cà phê arabica giao tháng 7 tăng 1,1%, tương đương 0,5%, lên 2,187 USD/lb sau khi giảm 4% trong phiên trước, do các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ băng giá gây ảnh hưởng đến sản lượng ở nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Brazil. Giá cà phê robusta giao tháng 7 phiên này cũng tăng 17 USD, tương đương 0,8% lên 2.080 USD/tấn.
Các dự báo thời tiết mới nhất cho thấy thời tiết lạnh giá ở Brazil tuần này nếu cáo tác động tới vụ mùa thì cũng ở mức rất ít. Cơ quan cung cấp thực phẩm Brazil, Conab, cho biết sản lượng cà phê năm 2022 của nước này sẽ ở mức 53,43 triệu bao loại 60 kg, giảm so với mức 55,74 triệu bao dự báo hồi tháng 1. Một số người đã kỳ vọng có sự điều chỉnh lớn hơn nhiều. Nhìn chung, sản lượng arabica chỉ được dự báo tăng 4,3 triệu bao", nhà phân tích Judith Ganes cho biết. "Cán cân thị trường sẽ eo hẹp nhưng chúng tôi biết điều đó rồi", bà nói thêm.
Tại Châu Á, giao dịch ở Việt Nam thưa thớt trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, với cà phê robusta loại 2 xuất khẩu được chào bán ở mức chiết khấu 230 - 270 USD/tấn so với hợp đồng tham chiếu ở London, so với mức chiết khấu 200 - 250 USD cách đây một tuần.
Nông dân ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam, bán cà phê nhân xô ở mức 40.600-41.700 đồng (1,75-1,80 USD)/kg, thay đổi nhẹ so với mức 40.500-41.400 đồng của tuần trước.
Mức chiết khấu cà phê robusta của Indonesia tuần này vững ở mức 170 USD đối với hợp đồng tháng 6 và 220 USD đối với hợp đồng tháng 7, tương tự như cách đây một tuần.
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản giảm do đồng yên tăng giá và chỉ số Nikkei giảm 1,9%, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, sau khi chứng khoán Phố Wall lao dốc do lo ngại lạm phát tăng cao sẽ làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và dẫn đến suy thoái kinh tế.
Hợp đồng kỳ hạn tháng 10 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 3,0 yên, tương đương 1,2%, xuống 244,5 yên (1,91 USD)/kg.
Đồng đô la được giao dịch ở mức 128,13 yên, so với 129,13 yên chiều hôm trước.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 30 nhân dân tệ xuống 13.070 nhân dân tệ (1.932,77 USD)/tấn. Các nhà phân tích dự đoán nhu cầu cao su tự nhiên tại Thượng Hải có thể sẽ tăng dần trở lại.
Hợp đồng cao su giao tháng 6 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore chốt ở mức 160,6 US cent/kg, giảm 0,4%.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)