Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent – tham chiếu cho thị trường toàn cầu – giảm 7 USD trong phiên vừa qua, xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 3 tháng do đồng USD mạnh lên, những biện pháp chống dịch COVID-19 ở nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới - Trung Quốc - và gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Sự sụt giảm mạnh sau một tháng giao dịch đầy biến động, trong đó các nhà đầu tư đã bán các vị thế dầu do lo ngại rằng việc tăng lãi suất tích cực để ngăn chặn lạm phát sẽ thúc đẩy suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 7,61 USD, tương đương 7,1%, xuống 99,49 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 11 tháng 4; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 8,25 USD, tương đương 7,9%, xuống 95,84 USD, cũng là mức thấp nhất trong ba tháng.
So với mức đỉnh cao vào tháng 3 năm nay, dầu Brent đã giảm 29%, trong khi WTI giảm 27%.
Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial, cho biết giá dầu đang phải đối mặt với áp lực cực lớn "khi tư thế phòng thủ tiếp tục với tâm lý người tiêu dùng vẫn ở chế độ chán nản, cùng với đó là dịch COVID tái phát ở Trung Quốc".
Chỉ số Dollar index, so sánh đồng USD với rổ sáu đồng tiền đối tác chủ chốt, trong phiên vừa qua có lúc twang lên mức 108,56, cao nhất kể từ tháng 10 năm 2002.
Giá dầu nói chung được định giá bằng đô la Mỹ, vì vậy đồng bạc xanh mạnh lên khiến hàng hóa trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng coi đồng USD là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ thị trường biến động.
Lo ngại suy thoái kinh tế cũng buộc các nhà đầu tư phải bán phá giá các sản phẩm phái sinh liên quan đến dầu mỏ với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu đại dịch đến nay. Các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tiền tệ khác đã bán số lượng tương đương 110 triệu thùng trong sáu hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai liên quan đến dầu mỏ quan trọng nhất trong tuần tính đến ngày 5 tháng 7. Hợp đồng mở của các kỳ hạn tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa New York  (NYMEX) hôm 7 tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2015.
Mức độ biến động giá của cả dầu Brent và WTI lúc gần đóng cửa tăng vọt lên cao nhất kể từ đầu tháng Tư. Thanh khoản giảm thường dẫn đến một thị trường biến động nhiều hơn.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, các biện pháp phong tỏa chống COVID-19 đã được tái áp dụng ở nhiều nơi, làm trầm trọng thêm lo ngại về nguy cơ suy giảm kinh tế khi 30 triệu người đã được báo cáo là bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống dịch – yếu tố đè nặng lên giá dầu. Nhiều thành phố của Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế mới, từ ngừng hoạt động kinh doanh đến phong tỏa trên diện rộng trong nỗ lực kiềm chế các ca lây nhiễm mới từ một chủng vi rút phụ có khả năng lây nhiễm cao.
Những thông tin xấu vè dịch bệnh càng làm tăng thêm dự đoán về nhu cầu năng lượng giảm, khi các ngân hàng trung ương lớn chuẩn bị đẩy nhanh các lộ trình thắt chặt tiền tệ để chống lại lạm phát gia tăng.
Trong khi đó, các nhà đầu tư chờ đợi chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden tới Saudi Arabia trong tuần này để thúc đẩy các quốc gia OPEC tăng sản lượng trong nỗ lực hạ giá khí đốt. Dự kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đề nghị Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) tăng sản lương sản lượng khi ông gặp các nhà lãnh đạo vùng Vịnh ở Saudi Arabia trong tuần này, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết hôm thứ Hai.
Tuy nhiên, những người trong ngành, các nguồn tin và chuyên gia cũng đặt câu hỏi rằng liệu với sản lượng hiện tại ít nhất 10,5 triệu thùng/ngày, Saudi Arabia thể bổ sung thêm 1,5 triệu thùng/ngày một cách nhanh chóng và duy trì lâu mức đó hay không?,
Công suất dự phòng trong OPEC đang ở mức thấp, với hầu hết các nhà sản xuất đều đang bơm dầu ở công suất tối đa. OPEC hôm thứ Ba (12/7) cũng dự báo rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023, chậm hơn một chút so với năm 2022.
Những lo ngại về nguồn cung nữa bao gồm sự không chắc chắn về xuất khẩu của Nga do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô và nhu cầu xăng dầu của Mỹ sẽ tăng vào năm 2022 khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh trở lại. Các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của nước này đã tăng khoảng 4,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8/7. Theo các nguồn tin, tồn trữ xăng cũng tăng 3 triệu thùng. Dữ liệu của chính thức của EIA dự kiến sẽ được công bố vào thứ Tư (13/7).
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang ở châu Á để thảo luận về cách tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, bao gồm giới hạn giá dầu của Nga để hạn chế nguồn tài chính của nước này và giúp hạ giá năng lượng.
Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nói rằng bất kỳ việc giới hạn giá nào đối với dầu của Nga cũng nên bao gồm cả các sản phẩm tinh chế.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng do đồng USD mạnh và lãi suất của Mỹ dự kiến sắp tăng tiếp.
Giá vàng đã chạm mức thấp nhất 9 tháng trong phiên 12/7 do đồng USD mạnh và thị trường đặt cược vào việc lãi suất sẽ tăng cao.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.724,80 USD/ounce, vàng giao sau giảm 0,4% xuống 1.724,8 USD. Các nhà đầu tư chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ để có thể xác định tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ) cho biết: “Việc các nhà đầu tư đổ xô vào đồng USD và đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất cao hơn do lạm phát leo thang đang gây áp lực lên vàng”.
Chỉ số đồng USD hiện vẫn dao động gần mức đỉnh 20 năm, củng cố vị thế là nơi trú ẩn an toàn ưa thích trong bối cảnh rủi ro suy thoái ngày càng gia tăng, đồng thời khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Một loạt dữ liệu của Mỹ, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI), doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp, dự kiến sắp được công bố sẽ cung cấp manh mối cho các nhà đầu tư về mức độ lạm phát trước cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới.
Han Tan, trưởng nhóm phân tích thị trường tại công ty quản lý tài sản toàn cầu Exinity (Vương quốc Anh), cho biết: “CPI cao hơn dự kiến sẽ mở đường cho một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm nữa của Fed vào cuối tháng này, một kịch bản được hiểu là tiêu cực đối với vàng”.
Lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng bằng cách tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời này.
“Vàng không thể tăng giá mạnh hoặc lâu dài trong thời gian này, không chỉ bởi đồng USD mạnh lên, mà còn bởi dòng tiền vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đang khá mạnh mẽ”, Ngân hàng Commerzbank (Đức) cho biết.
Về các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm gần 1%, xuống 18,9 USD/ounc; bạch kim mất 3,2%, xuống 842,07 USD/ounce; palladium hạ 6,2%, xuống 2.028,16 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm do nguồn cung dự kiến tăng từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Trung Quốc, nơi các nhà máy luyện kim đang tăng sản lượng.
Giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) kết thúc phiên 12/7 giảm 0,8% xuống 2.360 USD/tấn, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2021, là 2.352 USD.
Một nhà kinh doanh kim loại cho biết: "Dữ liệu sản xuất nhôm của Trung Quốc sẽ sớm được công bố; thị trường đang mong đợi một sự gia tăng". "Lãi suất của Mỹ và đồng USD là yếu tố tiêu cực đối với nhu cầu kim loại."
Sản lượng nhôm sơ cấp ở Trung Quốc đang tăng lên do việc hạn chế tiêu thụ điện đã giảm dần. Sản lượng trong tháng 5 đạt kỷ lục 3,42 triệu tấn, tăng 3,1% so với cùng tháng năm trước và 3,36 triệu tấn của tháng 4. Điều này, cộng với nhu cầu nhôm yếu đi, một phần do việc Trung Quốc phong tỏa chống Covid-19, là nguyên nhân dẫn đến việc giảm giá 40% từ mức cao kỷ lục trên 4.000 USD hồi tháng Ba.
Một lý do khác đằng sau việc bán tháo là nguồn cung nhôm của Nga - chiếm khoảng 6% tổng lượng nhôm toàn cầu - đã không bị gián đoạn như dự đoán khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.
Tuy nhiên, hỗ trợ cho nhôm trên thị trường LME là việc tồn trữ trong các kho có đăng ký của sàn LME ở mức 340.375 tấn, thấp nhất kể từ năm 2002.
Lo ngại về sự sẵn có của kẽm trên thị trường LME do lượng dự trữ thấp đã một lần nữa đẩy mức cộng giá kẽm giao ngay với kỳ hạn 3 tháng tăng lên khoảng 90 USD/tấn từ mức gần 20 USD vào cuối tháng 6. Giá kẽm kỳ hạn tháng 3 kết thúc phiên vừa qua giảm 0,6% xuống 3.023 USD/tấn.
Trong khi đó, nhu cầu đối với kim loại công nghiệp nhìn chung giảm do lo lắng về suy thoái kinh tế và sản xuất khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng cao. Đồng tiền của Mỹ tăng giá làm cho hàng hóa bằng đô la trở nên đắt hơn đối với người tiêu dùng hoạt động bên ngoài Mỹ, điều này có thể làm suy yếu nhu cầu.
Giá đồng trong phiên vừa qua giảm 3% xuống 7.354 USD/tấn, chì giảm 0,4% xuống 1.934 USD, thiếc giảm 2,4% xuống 25.640 USD và nickel giảm 2,3% xuống 21.325 USD.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á giảm do các chương trình kích cầu của Trung Quốc không giải quyết được lo ngại về nhu cầu yếu ở thị trường này.
Kết thúc phiên giao dịch, giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9 trên Sàn Đại Liên của Trung Quốc giảm tới 4,7% xuống 709 nhân dân tệ (105,38 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 6 tháng 7; quặng sắt giao tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 2,4% xuống 107,40 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc giảm xuống 105,80 USD, mức thấp nhất trong năm nay.
Giá thép thanh vằn dùng trong xây dựng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 2,2%, thép cuộn cán nóng giảm 2% và thép không gỉ giảm 0,4%.
Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng tổng cộng 461.000 km đường quốc lộ vào năm 2035, so với 382.000 km vào cuối năm 2021, tăng gấp đôi hỗ trợ cơ sở hạ tầng để phục hồi nền kinh tế, thông tin từ nhà quy hoạch nhà nước cho biết hôm thứ Ba,
Dữ liệu hôm thứ Hai cho thấy mức cho vay ngân hàng mới ở Trung Quốc tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng 6, một phần do hỗ trợ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, đã không thể thúc đẩy thị trường kỳ hạn sắt ở nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Bắc Kinh được cho là đang xem xét cho phép các chính quyền địa phương bán 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (220 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt trong nửa cuối năm nay để tăng cường hơn nữa nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc trên sàn Chicago đồng loạt giảm do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng mức dự báo về nguồn cung trong khi giảm kỳ vọng về nhu cầu.
Giá ngô, đậu tương và lúa mì kỳ hạn tương lai đều lùi về mức trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine. Lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm nhu cầu cũng gây áp lực lên giá ngũ cốc.
Dữ liệu cung và cầu của USDA tạo thêm áp lực lên giá trị ngũ cốc vốn đã bị ảnh hưởng từ thị trường bên ngoài sụt giảm, bao gồm giá năng lượng giảm mạnh và đồng đô la Mỹ mạnh lên.
USDA đã giảm dự đoán về nhu cầu ngô của Mỹ cho mùa vụ hiện tại và nâng dự báo về sản lượng ngô trong nước; đồng thời cũng cắt giảm dự báo về thu hoạch đậu tương của nước này.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 42-1/2 cent xuống 5,86-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 62 cent xuống 13,43 USD/bushel, và lúa mì kỳ hạn tháng 9 giảm 42-1/4 cent xuống 8,14-1/4 USD/bushel.
Giá đường phiên này cũng giảm, với đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,17%, tương đương 0,9%, xuống 18,69 cent/lb, với các nhà đầu cơ ngày càng tìm cách nắm giữ các vị thế bán khống trong bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm. Giá đường trắng giao tháng 8 tăng 7,60 USD hay 1,3% lên 578,90 USD/tấn.
Báo cáo của Unica cho thấy các nhà máy Brazil phân bổ nhiều mía hơn một chút cho sản xuất đường và năng suất cây trồng vụ này cũng tốt hơn vụ trước.
Giá cà phê arabica phiên này giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hai tháng do đồng tiền của nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới - Brazil suy yếu và viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu có thể hạn chế tiêu dùng. Theo đó, arabica giao tháng 9 giảm 7,9 cent, tương đương 3,7%, xuống 2,0535 USD/lb vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong hai tháng là 2,0475 USD; robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 12 USD, tương đương 0,6% xuống 1.954 USD/tấn. 
Các đại lý cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm cũng đã khiến các nhà đầu cơ giảm vị thế mua ròng trong vài ngày qua.
Giá cao su tại Nhật Bản vững trong phiên vừa qua với biên độ dao động hẹp. Thị trường đang lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khi dịch COVID-19 tái bùng phát ở Trung Quốc và Nhật Bản, tuy nhiên đồng yen yếu đi và giá cao su ở Thượng Hải tăng ngăn giá giảm mạnh.
Kết thúc phiên 12/7, cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka giảm 0,1 yên xuống 247,6 yên (1,8 USD)/kg. Trong khi đó, cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 35 nhân dân tệ lên 12.685 nhân dân tệ (1.885 USD)/tấn; cao su giao tháng 8 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore giảm 0,1% xuống 160,4 US cent/kg.
Cư dân ở trung tâm tài chính Thượng Hải ngày càng lo lắng về đợt bùng phát Covid-19 dai dẳng gây ra hàng chục ca dương tính mỗi ngày chỉ vài tuần sau khi lệnh cấm vận toàn thành phố kéo dài hai tháng được dỡ bỏ vào tháng trước.
Giá hàng hóa thế giới 

 

 

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

95,27

-0,57

-0,59%

Dầu Brent

USD/thùng

99,00

-0,49

-0,49%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

70.150,00

-4.250,00

-5,71%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

6,27

+0,10

+1,65%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

322,30

-4,16

-1,27%

Dầu đốt

US cent/gallon

363,11

-3,15

-0,86%

Dầu khí

USD/tấn

1.192,50

0,00

0,00%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

87.380,00

+500,00

+0,58%

Vàng New York

USD/ounce

1.722,20

-2,60

-0,15%

Vàng TOCOM

JPY/g

7.552,00

-59,00

-0,78%

Bạc New York

USD/ounce

18,83

-0,13

-0,68%

Bạc TOCOM

JPY/g

80,30

-1,40

-1,71%

Bạch kim

USD/ounce

847,02

-0,39

-0,05%

Palađi

USD/ounce

2.028,97

-1,46

-0,07%

Đồng New York

US cent/lb

324,80

-4,00

-1,22%

Đồng LME

USD/tấn

7.354,00

-230,50

-3,04%

Nhôm LME

USD/tấn

2.360,00

-19,50

-0,82%

Kẽm LME

USD/tấn

3.016,00

-26,00

-0,85%

Thiếc LME

USD/tấn

25.574,00

-689,00

-2,62%

Ngô

US cent/bushel

580,00

-6,50

-1,11%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

814,25

0,00

0,00%

Lúa mạch

US cent/bushel

435,75

-32,25

-6,89%

Gạo thô

USD/cwt

16,41

-0,04

-0,27%

Đậu tương

US cent/bushel

1.328,25

-14,75

-1,10%

Khô đậu tương

USD/tấn

388,30

-1,40

-0,36%

Dầu đậu tương

US cent/lb

57,13

-0,79

-1,36%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

820,80

-13,60

-1,63%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.354,00

-19,00

-0,80%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

205,35

-7,90

-3,70%

Đường thô

US cent/lb

18,69

-0,17

-0,90%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

156,40

-7,45

-4,55%

Bông

US cent/lb

90,84

-4,00

-4,22%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

679,30

-17,50

-2,51%

Cao su TOCOM

JPY/kg

155,50

-3,60

-2,26%

Ethanol CME

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)