Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng dù lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng và số liệu lạm phát của nước này củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng mạnh lãi suất.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 8 cent lên 99,57 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 46 cent lên 96,30 USD/thùng.
Giá dầu Brent toàn cầu giảm mạnh kể từ khi chạm mức 139 USD vào tháng 3, gần mức cao nhất mọi thời đại chạm tới vào năm 2008, do các nhà đầu tư đã bán bạnh bởi lo ngại rằng việc tăng lãi suất tích cực để ngăn chặn lạm phát sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Giá đã giảm hơn 7% vào thứ Ba (12/7) trong không khí giao dịch biến động, xuống dưới 100 đô la lần đầu tiên kể từ tháng 4 và ở trong tình trạng bán quá mức dựa trên chỉ báo sức mạnh tương đối, một thước đo tâm lý thị trường.
Thomas Saal, phó chủ tịch cấp cao của StoneX Financial cho biết: “Tôi sẽ không nói rằng xu hướng tăng này đã kết thúc. "Mức tồn kho vẫn còn khá thấp trên toàn thế giới và đó là một yếu tố quan trọng trong đợt tăng giá lần này."
Thị trường dầu physical vẫn trong tình trạng nguồn cung bị thắt. Giá tham chiếu các loại dầu chính, chẳng hạn như dầu thô Forties và dầu thô Midland của Mỹ, đang giao dịch ở mức cao hơn so với thị trường kỳ hạn, vẽ nên một bức tranh khác với những gì đang xảy ra trên thị trường hợp đồng tương lai, vốn bị ảnh hưởng bởi dữ liệu lạm phát – dự kiến sẽ khiến các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất mạnh mẽ.
Dầu thô Forties, một trong những loại làm nền tảng cho hợp đồng tương lai Brent, đã được chào mua với mức cộng cao kỷ lục, 5,35 USD/thùng trong phiên vừa qua; mức cộng dầu thô Midland của Mỹ cũng ở mức cao nhất là 1,50 USD/thùng so với WTI, phản ánh tình trạng nguồn cung bi thắt chặt, mặc dù thấp hơn mức cộng đạt được vào cuối tháng 2 sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine.
Tồn kho dầu của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến giúp thị trường bớt lo ngại về tình trạng nguồn cung thắt chặt. Theo đó, tồn trữ dầu thô thương mại của Mỹ tăng 3,3 triệu thùng, so với dự đoán là giảm nhẹ.
Trong khi đó, giá tiêu dùng tại Mỹ tăng lên mức 9,1% trong tháng Sáu do giá xăng và thực phẩm vẫn cao, qua đó củng cố khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng này.
Những đồn đoán về khả năng tăng trưởng suy giảm cũng thúc đẩy giới đầu tư tìm đến đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn. Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã chạm mức cao nhất 20 năm qua trong phiên này, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Tony Headrick, nhà phân tích thị trường năng lượng của CHS Hedging cho biết: "Các vấn đề về nhu cầu đang hỗ trợ giá cao. Đồng đô la Mỹ đang gây ra áp lực giảm giá đối với tất cả các mặt hàng. Đã có sự thay đổi ở tâm lý các nhà giao dịch trong vài tuần qua".
Tuần này, cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong các báo cáo hàng tháng, đều cảnh báo rằng nhu cầu đang suy yếu, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng hồi phục mạnh từ mức thấp nhất trong vòng 1 năm do USD giảm giá vào cuối phiên sau khi tăng mạnh lúc đầu phiên, giúp vàng miếng tránh áp lực từ triển vọng tăng lãi suất sau khi giá tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 13/7 tăng 0,8% lên 1.739,49 USD/ounce, hồi phục mạnh từ mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2021 là 1.707,09 USD – thời điểm dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố đẩy đồng USD tăng mạnh lên mức cao kỷ lục mới trong vòng nhiều thập kỷ.
Giá vàng kỳ hạn tháng 8/2022 tăng 0,6% lên 1.735,5 USD.
Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng rất nhanh trong tháng 6, củng cố quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này.
Đồng USD sau đó đã giảm trở lại, thúc đẩy nhu cầu vàng đối với những người mua ở nước ngoài. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm.
Bart Melek, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa của TD Securities, cho biết chỉ số CPI của Mỹ cao làm gia tăng đồn đoán rằng Fed có nhiều khả năng không tăng lãi suất mạnh mẽ và có thể giữ lãi suất ở mức hiện tại thêm một thời gian nữa, khiến vàng giảm giá lúc đầu phiên.
Theo bà Melek, sự sụt giảm về lợi suất trái phiếu và đồng đô la sau đó có thể giúp vàng, với các nhà đầu tư nắm giữ các vị thế bán khống khi vàng di chuyển xuống mức thấp 1.700 USD.
Mặc dù vàng được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát, nhưng lãi suất tăng khiến các nhà đầu tư tránh xa vàng miếng bằng cách tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản có lợi suất bằng không.
Các nhà phân tích cho biết, triển vọng tăng lãi suất vẫn có khả năng sẽ tiếp tục đeo bám mặt hàng vàng, ngay cả khi những lo ngại về kinh tế vẫn còn.
Nhưng Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường của City Index, cho biết: "phản ứng sau khi công bố chỉ số CPI rõ ràng cho thấy rằng các nhà đầu tư đang nghĩ rằng các chỉ số lạm phát lớn sẽ làm tổn hại nền kinh tế đến mức không chỉ Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất, mà còn sẽ đi ngược lại xu hướng tăng lãi suatas sớm nhất là trong quý 1/2022. "
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên vừa qua tăng 1,8% lên 19,23 USD/ounce, bạch kim tăng 1,1% ở 855,31 USD, trong khi palladium giảm 2,2% xuống 1.982,84 USD. 
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020 do lo ngại suy giảm kinh tế sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ cao nhất trong hơn 40 năm củng cố khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ và điều đó sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên 13/7 giảm 0,2% xuống 7.342 USD/tấn, trước đó có lúc xuống chỉ 7.160 USD.
Triển vọng lãi suất của Mỹ tăng đã kéo thị trường chứng khoán đi xuống và đẩy đồng USD có lúc tăng lên mức mạnh nhất trong 20 năm, khiến kim loại định giá bằng đô la đắt hơn đối với người mua bên ngoài nước Mỹ và có khả năng làm giảm nhu cầu.
Nhu cầu yếu ở Trung Quốc do chính sách phong tỏa chống COVID-19 và tăng trưởng chậm lại cũng đang gây áp lực lên giá đồng, khiến kim loại này mất hơn 30% giá trị so với mức cao kỷ lục, 10.845 USD, đạt tới hồi tháng 3.
Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết: “Lạm phát cao thúc đẩy lãi suất tăng dẫn đến suy thoái kinh tế”, "Đồng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn."
Lạm phát cũng đang lan tràn ở châu Âu và các nơi khác. Canada trở thành quốc gia mới nhất tăng lãi suất vào thứ Tư với mức tăng 1%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1998.
Dữ liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy nhập khẩu đồng của nước này trong tháng 6 tăng 15,5% so với tháng trước và xuất khẩu nói chung tăng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng do các hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng.
Tuy nhiên, một thương nhân cho biết nhu cầu của Trung Quốc vẫn yếu, mức cộng cho giá đồng nhập khẩu vào cảng Yangshan so với giá trên sàn London đã giảm xuống còn 64 USD/tấn từ mức 76,50 USD vào đầu tháng 7, trong khi kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay xuống 4%.
Các nhà phân tích của Citi dự đoán giá đồng sẽ giảm xuống còn 6.600 USD trong vòng 6-12 tháng tới.
Hầu hết các kim loại công nghiệp khác cũng giảm giá trong phiên này, với giá nhôm trên sàn LME giảm 0,1% xuống 2.358 USD/tấn, kẽm giảm 3,2% xuống 2.918,50 USD, nickel giảm 1,1% xuống 21.145 USD, chì tăng 0,8% lên 1.954 USD và thiếc giảm 0,6% xuống 25.425 USD.
Giá quặng sắt tại châu Á hồi phục sau khi dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong tháng 6, nhen nhóm hy vọng về nhu cầu phục hồi đối với nguyên liệu sản xuất thép.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) - được giao dịch nhiều nhất - kết thúc phiên vừa qua tăng 1,5% lên 732 nhân dân tệ/tấn, sau khi có lúc giảm 3,9% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 28 tháng 2. Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 tăng 3,9% lên 109,10 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất trong năm nay ở mức 104,10 USD/tấn.
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng vào tháng 6, thêm bằng chứng cho thấy nhà sản xuất thép và tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới đang dần hồi phục sau thiệt hại của các biện pháp hạn chế trong giai đoạn đại dịch. Các quan chức ngân hàng trung ương cho biết nước này sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế trong nước và đảm bảo một môi trường thuận lợi để phục hồi.
Nhưng những lo lắng dai dẳng về nhu cầu thép yếu ở Trung Quốc đã kéo giá thép kỳ hạn ở Thượng Hải và các nguyên liệu sản xuất thép khác ở Đại Liên giảm, cho thấy sự phục hồi của quặng sắt có thể chỉ là một đốm sáng.
Giá thép thanh vằn dùng trong xây dựng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 2,1%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 2,3%. Thép không gỉ phiên này có giá tăng 1%.
Trung Quốc đã nhập khẩu 88,97 triệu tấn quặng sắt trong tháng 6/2022, giảm nhẹ 0,5% so với mức 89,42 triệu tấn của tháng 6 năm 2021 trong bối cảnh nhu cầu yếu từ các nhà sản xuất thép trong nước.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ tăng 1,5% trong phiên vừa qua do lo ngại thời tiết khô nóng ở vùng Trung Tây Mỹ có thể làm giảm sản lượng thu hoạch. Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 8-3/4 cent lên 5,95-1/4 USD/bushel.
Giá đậu tương kỳ hạn tương lai cũng phục hồi sau sự sụt giảm mạnh gần đây - do báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ hạ thấp triển vọng nhu cầu trên toàn cầu đối với cây trồng này. Giá đậu tương cũng tăng 6-1/2 cent lên 13,49-1/2 USD/bushel sau khi chạm mức thấp nhất một tuần lúc đầu phiên giao dịch.
Tuy nhiên, giá lúa mì giảm trong trong bối cảnh các thương nhân đang chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về khả năng nối lại các chuyến hàng từ Ukraine trên Biển Đen, sau giai đoạn gián đoạn do chiến tranh. Lúa mì kỳ hạn háng 9 giảm 3-1/2 US cent xuống 8,10-3/4 USD/bushel.
Giá đường phiên này tăng, với đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,45 US cent, tương đương 2,4%, lên 19,14 cent/lb, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất một tháng, là 19,20 US cent. Giá đường trắng giao tháng 8 tăng 9,30 USD hay 1,6% lên 588,20 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường đã chín muồi cho một đợt điều chỉnh tăng sau đợt bán tháo toàn bộ hàng hóa gần đây. Họ cho biết một báo cáo từ nhóm công nghiệp UNICA công bố hôm thứ Ba cho thấy sản lượng mía ở Trung tâm Nam Brazil thấp hơn dự kiến trong nửa cuối tháng 6, mặc dù tác động lên giá đường được bù đắp bởi các nhà máy sử dụng tỷ trọng mía cao hơn dự kiến để sản xuất chất ngọt hơn là nhiên liệu sinh học etanol.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 2 US cent, tương đương 1%, lên 2,0735 USD/lb, mở rộng đà phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tháng là 2,0475 USD chạm tới vào hôm thứ Ba (12/7); cà phê robusta giao tháng 9 tăng 27 USD, tương đương 1,4% lên 1.981 USD/tấn.
Các kho dự trữ được chứng nhận của sàn ICE giảm gần 10.000 bao vào ngày 13/7 xuống 759.695 bao, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 1999. Tổ chức Cecafe cho biết Brazil đã xuất 2,79 triệu bao cà phê trong tháng 6, gần bằng mức cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su châu Á đồng loạt giảm trong phiên vừa qua trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc và Nhật Bản, và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka (Nhật Bản) kết thúc phiên giảm 6,6 yên, tương đương 2,6%, xuống 243,8 yên (1,8 USD)/kg, sau khi có lúc chạm mức 243,4 yên, thấp nhất kể từ ngày 19/5; cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm 470 nhân dân tệ xuống 12.190 nhân dân tệ (1.814 USD)/tấn. Trong phiên có lúc giá giảm xuống 12.035 nhân dân tệ, thấp nhất kể từ ngày 5 tháng 8 năm 2020; cao su giao tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore giao giảm 2,9% xuống 156,0 US cent/kg.
Cư dân ở trung tâm tài chính Thượng Hải ngày càng lo lắng về đợt bùng phát COVID-19 dai dẳng gây ra hàng chục ca dương tính mỗi ngày, chỉ vài tuần sau khi lệnh cấm vận toàn thành phố kéo dài hai tháng được dỡ bỏ vào tháng trước.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)