Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 3 USD do thị trường lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 2,7 USD tương đương 2,2% xuống 118,51 USD/thùng, trong phiên có lúc giảm xuống 117,75 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,62 USD tương đương 3,04% xuống 115,31 USD/thùng, sau khi giảm xuống 114,6 USD/thùng.
Đợt tăng lãi suất mạnh nhất của Fed kể từ năm 1994 này cũng khiến đồng USD mạnh lên, với chỉ số đồng USD đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002. Đồng USD mạnh lên sẽ khiến dầu, vốn là loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó làm giảm nhu cầu.
Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho hay sản lượng dầu thô của Mỹ - vốn đình trệ trong vài tháng qua - trong tuần qua đã tăng 100.000 thùng/ngày lên 12 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Số liệu cũng cho thấy lượng dầu thô và các sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng tăng lên trong tuần trước.
Bên cạnh đó, nhu cầu cũng đối mặt với triển vọng ảm đạm khi đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nước này sẽ thực hiện một đợt phong tỏa mới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định giá dầu cao hơn và các dự báo kém lạc quan về kinh tế đang làm giảm triển vọng nhu cầu dầu.
Lo ngại kéo dài về tình trạng nguồn cung thắt chặt đã đẩy giá dầu tăng cao gần đây, ở mức khoảng 120 USD/thùng. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đang gặp khó khăn trong việc đạt được hạn ngạch sản lượng dầu thô hàng tháng. Tình hình còn xấu hơn khi tình hình bất ổn ở Libya đang làm giảm sản lượng dầu của nước này.
Chuyên gia Carsten Fritsch của ngân hàng Commerzbank có trụ sở ở Frankfurt (Đức), cho biết vì sản lượng của OPEC vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu, điều này sẽ khiến nguồn cung trên thị trường dầu thâm hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, sau khi Fed thông báo về đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 1.833,42 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2022 tăng 0,3% lên 1.819,6 USD/ounce.
Mặc dù Fed tăng mạnh lãi suất, song Chủ tịch Fed, Jerome Powell cho biết mức tăng 0,75% điểm sẽ không phổ biến và nếu lạm phát giảm xuống, Fed có thể không cần mạnh tay trong việc tăng lãi suất.
Ủy ban thị trường mở của Fed, FOMC cho biết việc tăng lãi suất rằng xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây ra khó khăn to lớn về con người và kinh tế, tạo thêm áp lực gia tăng đối với lạm phát và đang đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, việc hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. FOMC cũng rất chú ý đến vấn đề rủi ro lạm phát. Việc Fed tăng lãi suất với mức tăng mạnh bất thường diễn ra sau 4 ngày thị trường tài chính tại Mỹ dao động mạnh, khi cổ phiếu đã lao dốc, lợi tức trái phiếu tăng vọt và giá trị tiền điện tử đã sụp đổ trước sự gia tăng đáng báo động của tốc độ tăng giá vào tháng trước.
Bên cạnh đó, giá vàng nhận được thêm sự hỗ trợ trong phiên 15/6 khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ bất ngờ giảm 0,3% trong tháng Năm, trái ngược với mức tăng 0,7% (sau điều chỉnh) của tháng Tư trước đó.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng 7 tăng 46,6 US ceng (2,22%), lên mức 21,42 USD/ounce; bạch kim giao cùng kỳ hạn cũng tăng 13,9 USD (1,53%), đóng cửa ở mức 924,6 USD/ounce, palladium tăng 2,6% lên 1.862,33 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng và nhôm tăng, do số liệu kinh tế từ nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc - cao hơn so với dự kiến, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tăng.
Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục trong tháng 5/2022 sau khi giảm trong tháng trước đó, do sản lượng công nghiệp bất ngờ tăng, trong khi doanh số bán ô tô trong tuần tính đến ngày 6/6/2022 tăng 54% so với cùng tuần trong tháng 5/2022.
Kết thúc phiên giao dịch, giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,7% lên 2.614,5 USD/tấn, sau khi giảm 2,2% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 10/11/2021 trong phiên trước đó. Mặc dù giảm ở phiên này, song tính đến nay giá nhôm giảm 37% kể từ mức cao kỷ lục (4.073,5 USD/tấn) hôm 7/3/2022.
Giá nhôm được hỗ trợ khi tồn trữ nhôm tại London giảm xuống mức thấp mới 21 năm (416.125 tấn) so với gần 2 triệu tấn trong tháng 3/2021. Đồng thời, tồn trữ nhôm tại Thượng Hải giảm hơn 20% kể từ giữa tháng 3/2022 xuống 269.583 tấn.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,1% lên 9.235 USD/tấn, giá kẽm tăng tăng 1,4% lên 3.647 USD/tấn, chì tăng 0,8% lên 2.091 USD, nickel tăng 2,2% lên 25.815 USD và thiếc tăng 4% lên 32.330 USD.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên giảm 3,2% xuống 867 CNY/tấn, sau khi chạm 866,5 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 30/5/2022; quặng sắt kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Singapore giảm 3,6% xuống 128,4 USD/tấn. Giá thép tại Thượng Hải giảm do lo ngại mùa mưa sẽ làm chậm hoạt động xây dựng tại Trung Quốc, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các hạn chế Covid-19. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2022 giảm 2,5% xuống 4.547 CNY (676,76 USD)/tấn, là phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Giá thép cuộn cán nóng giảm 1,8% và thép không gỉ giảm 1,3%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ giảm do vụ thu hoạch mùa đông bội thu và thời tiết thuận lợi cho vụ hiện tại. Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 1 US cent xuống 10,49-1/4 USD/bushel.
Giá ngô biến động trái chiều, với thị trường giao ngay tăng trong khi kỳ hạn tháng 7 giảm. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 6 US cent lên 7,74-1/4 USD/bushel.
Giá đậu tương phiên này hầu hết đều giảm, với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giảm giảm 4-1/4 US cent xuống 16,94-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô trên sàn ICE giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng mới, trong bối cảnh lo ngại việc tăng lãi suất trong các thị trường tài chính rộng lớn và dự kiến sản lượng đường từ Brazil, Ấn Độ và Thái Lan tăng cao. Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 0,24 US cent tương đương 1,3% xuống 18,46 US cent/lb – thấp nhất 1 tháng; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London giảm 8,3 USD tương đương 1,5% xuống 560,8 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn ICE tăng 1,6 US cent tương đương 0,7% lên 2,285 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn London tăng 2 USD tương đương 0,1% lên 2.055 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 4 liên tiếp theo xu hướng giá cao su nguyên liệu của Thái Lan, trong bối cảnh Fed tăng mạnh lãi suất.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Osaka giảm 1,5 JPY tương đương 0,6% xuống 253,6 JPY (1,88 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 70 CNY xuống 12.820 CNY (1.907,88 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore giảm 0,4% xuống 160,9 US cent/kg.