Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 3%, do các biện pháp phong tỏa mới chống Covid-19 tại Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại vê lạm phát và lãi suất tăng cao, khiến nhu cầu nhiên liệu suy giảm.
Kết thúc phiên, giá dầu thô Brent giảm 3,28 USD, tương đương 3,4%, xuống 92,36 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,94 USD, tương đương 3,3%, xuống 86,61 USD/thùng.
Những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu tiếp tục đè nặng lên thị trường. Việc đồng USD tăng mạnh cũng đã tác động lớn đến thị trường.
Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt, đã tăng 0,92% lên 109,6930 vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Năm (1/9). Về mặt lịch sử, giá dầu có quan hệ tỷ lệ nghịch với đồng USD.
Nhà phân tích Julius Baer thuộc công ty Norbert Rucker cho biết, nhu cầu dầu của các nước phương Tây, cũng như của Trung Quốc đang chậm lại, trong khi nguồn cung tăng dần, phần lớn do sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ.
Hoạt động nhà máy tại châu Á trong tháng 8/2022 suy giảm, do các biện pháp hạn chế chống Covid của Trung Quốc và áp lực chi phí ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, làm mờ đi triển vọng phục hồi của khu vực.
Trung tâm công nghệ phía Nam Trung Quốc Thâm Quyến đã thắt chặt các hạn chế chống Covid-19 khi số ca nhiễm tiếp tục gia tăng. Các sự kiện lớn và giải trí trong nhà đã bị đình chỉ trong ba ngày tại quận đông dân nhất của thành phố, Baoan.
Theo khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của OPEC trong những tháng gần đây đạt 29,6 triệu thùng/ngày (bpd), trong khi sản lượng dầu của Mỹ trong tháng 6/2022 tăng lên 11,82 triệu bpd. Cả hai loại đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ sẽ dư thừa chút ít, chỉ 400.000 thùng/ngày vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó, dữ liệu từ OPEC+ cho thấy.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của quốc gia này đã giảm 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/8. Các nhà phân tích do S&P Global Commodity Insights khảo sát cũng dự đoán nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ giảm 1,9 triệu thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1.700 USD/ounce – lần đầu tiên – kể từ tháng 7/2022, do đồng USD tăng và dự kiến lãi suất tăng cao, sẽ xói mòn sức hấp dẫn của vàng là tài sản trú ẩn an toàn.
Giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.696,76 USD/ounce, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21/7/2022; vàng kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 1% xuống 1.709,3 USD/ounce.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất 20 năm, sau số liệu cho thấy rằng tăng trưởng sản xuất của Mỹ trong tháng 8/2022 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của người Mỹ trong tuần trước giảm, điều này sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất.
Vàng được coi là một kho lưu trữ giá trị an toàn trong thời kỳ kinh tế bất ổn, nhưng môi trường lãi suất tăng có xu hướng làm vàng mất đi ánh hào quang.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa thuộc TD Securities cho biết: “Nếu Fed tuân theo lộ trình chống lạm phát của mình, giữ lãi suất tăng cao và không cắt giảm lãi suất ngay cả trong thời kỳ suy thoái, thì điều đó sẽ không tốt cho vàng”. "Nếu vàng phá vỡ ngưỡng 1.675 USD, chúng tôi cho rằng áp lực bán ra đáng kể sẽ xuất hiện."
Phản ánh tâm lý của các nhà đầu tư, lượng vàng nắm giữ bởi SPDR Gold Trust GLD, quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng lớn nhất thế giới, đã giảm xuống 31.294.673 ounce vào thứ Tư, mức thấp nhất kể từ tháng Giêng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1% xuống còn 17,99 USD, sau khi chạm mức thấp nhất trong hơn hai năm; bạch kim giảm 2,4% xuống 825,61 USD/ounce trong khi palladium giảm 3,5% xuống 2.011,48 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm chạm mức thấp nhất 16 tháng, trong khi các kim loại cơ bản khác cũng giảm, do lo ngại về nhu cầu yếu sau số liệu kinh tế tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – Trung Quốc – suy giảm, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế mới chống Covid-19.
Giá nhôm trên sàn London giảm 2,5% xuống 2.300 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Kết quả khảo sát lĩnh vực tư nhân cho thấy rằng, hoạt động nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 8/2022 giảm – lần đầu tiên – trong 3 tháng, trong khi gần 70 thành phố của Trung Quốc báo cáo giá nhà ở mới giảm, nhiều nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Giá thiếc trên sàn London giảm 8,3% xuống 20.895 USD/tấn – thấp nhất 19 tháng. Một thương nhân tại Trung Quốc cho biết: “Giá thiếc đã mất sự hỗ trợ sau khi sản xuất tăng mạnh vào tháng 8 và nhu cầu liên tục yếu trong các lĩnh vực tiêu dùng cuối cùng như điện tử”.
Giá đồng trên sàn London giảm 13% trong ba tuần qua xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng. Theo đó, giá đồng giảm 2,7% xuống 7.593,50 USD/tấn, kẽm giảm 6,2% xuống 3.245 USD, chì giảm 2,4% xuống 1.904 USD và niken giảm 5,1% xuống 20.325 USD.
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm do lo ngại các hạn chế mới chống Covid-19 ở Trung Quốc và những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản tại nước này khiến nhu cầu quặng sắt suy giảm.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên giảm 1,2% xuống 675,5 CNY (97,88 USD/tấn); quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore giảm 4,3% xuống 96,25 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải giá thép cây giảm 1%, thép cuộn cán nóng giảm 0,6% và thép không gỉ giảm 0,4%.
Các hạn chế về Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất và nhu cầu, cùng với đó là lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc suy yếu, triển vọng kinh tế toàn cầu suy thoái khi các ngân hàng trung ương đều tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu kim loại suy giảm.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tại Chicago giảm hơn 4%, ngô và đậu tương đều giảm, do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với đó là vụ thu hoạch khu vực Trung tây Mỹ đang đến gần.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 37-1/4 US cent xuống 7,94-1/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 12-1/2 US cent xuống 6,58 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2022 giảm 27-3/4 US cent xuống 13,94-3/4 USD/bushel.
Giá lúa mì giảm mạnh do USD tăng mạnh khiến ngũ cốc của Mỹ kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu.
Xuất khẩu lúa mì từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu toàn cầu, dự kiến sẽ tăng lên 4 triệu tấn trong tháng 9, từ mức 3,5 triệu tấn trong tháng 8, khi một vụ mùa bội thu bắt đầu đến với thị trường.
Đối với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE tăng 0,6% lên 17,99 US cent/lb, sau khi giảm mạnh xuống 17,75 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London tăng 8,3 USD tương đương 1,5% lên 559,1 USD/tấn.
Các đại lý lưu ý rằng giá nhiên liệu giảm ở Brazil vẫn là một yếu tố ảnh hưởng giảm, làm tăng triển vọng rằng sẽ có nhiều mía được sử dụng để làm đường hơn sản xuất nhiên liệu sinh học - có nguồn gốc từ mía.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE giảm, chịu áp lực bởi đồng USD tăng mạnh, song lo ngại về thời tiết khô tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – đã hạn chế đà suy giảm. Theo đó, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE giảm 2,75 US cent tương đương 1,2% xuống 2,325 USD/lb, giảm từ mức cao nhất 6 tháng (2,4295 USD/lb) trong tuần trước đó; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn London giảm 0,8% xuống 2.231 USD/tấn.
Các đại lý cho biết điều kiện thời tiết hầu hết vẫn khô ở các khu vực cà phê Brazil, làm tăng thêm lo ngại rằng có thể không đủ độ ẩm để duy trì sự phát triển của chồi và quả cà phê sau một số đợt ra hoa sớm.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất gần 10 tháng, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải giảm do số liệu sản xuất nội địa và Trung Quốc suy yếu, làm dấy lên mối lo ngại nhu cầu giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn Osaka giảm 7,3 JPY tương đương 3,2% xuống 218,8 JPY (1,57 USD)/kg, là giá đóng cửa thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2021. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 255 CNY xuống 12.345 CNY (1.789 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn Singapore giảm 1,5% xuống 134,4 U.S. cent/kg.
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc trong tháng 8/2022 giảm lần đầu tiên trong 3 tháng, trong bối cảnh nhu cầu suy yếu, trong khi tình trạng thiếu điện và dịch Covid-19 mới bùng phát đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất. Hoạt động sản xuất của Nhật Bản tháng 8/2022 cũng tăng trưởng ở mức thấp nhất trong gần 1 năm do các doanh nghiệp chịu tác động xấu của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu từ Trung Quốc và Hàn Quốc giảm.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)