Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do lo ngại nguồn cung khan hiếm mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 1,01 USD hay 0,9% lên 114,13 USD/thùng; tuần trước, giá mặt hàng này đã giảm 7,3%, ghi dấu tuần giảm tuần đầu tiên trong năm tuần. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 61 US cent (0,56%) lên 110,17 USD/thùng; tuần trước giá mặt hàng này đã giảm 9,2%, tuần giảm đầu tiên trong 7 tuần.
Nhà phân tích Stephen Brennock của công ty môi giới PVM Oil nhận định nguồn cung sẽ vẫn khan hiếm và tiếp tục hỗ trợ giá dầu. Theo chuyên gia này, giá dầu Brent vẫn sẽ dao động quanh mốc 120 USD/thùng.
Trong khi đó, một số nhà phân tích và nhà đầu tư lưu ý kinh tế Mỹ có nhiều khả năng rơi vào suy thoái sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh nhất trong hơn 1/4 thế kỷ để kiềm chế lạm phát đang tăng cao. Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ cũng có động thái tương tự ngay sau đó.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tuần trước, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, và dự kiến tăng lãi suất đều đặn trong năm 2022. Ngân hàng Trung ương Châu Âu tuần trước thông báo một chuỗi tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 7, ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ tăng lãi suất lần đầu tiên trong 15 năm.
Thống kê cho thấy khối lượng nhập khẩu dầu thô của Nga vào Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 55% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 25% so với tháng Tư. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, tính đến cuối tháng Năm, lượng dầu thô nhập khẩu đã đạt mức cao kỷ lục, đưa Nga trở thành nước dẫn đầu về cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc, vượt lên trên Saudi Arabia.
Các nhà phân tích dự kiến nguồn cung trong mùa hè của OPEC+ chỉ tăng ở mức vừa phải. Sản lượng dầu của Libya vẫn không ổn định sau các cuộc phong tỏa của các tổ chức ở miền đông nước này, với sản lượng gần đây nhất ở mức 700.000 thùng/ngày. Trong khi đó triển vọng các lệnh trừng phạt Iran giảm bớt có thể tăng lượng dầu xuất khẩu của quốc gia này. Sản lượng dầu thô hàng tuần của Mỹ cũng đã hồi phục trở lại mức trước đại dịch khi số giàn khoan tăng.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống thấp nhất 9 tháng do lãi suất tăng gây lo ngại về một cuộc suy thoái trên toàn cầu và nhu cầu các kim loại công nghiệp giảm, đặc biệt tại Trung Quốc.
Việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Trung Quốc để kích thích tăng trưởng cũng gặp khó khăn khi đối mặt với việc tăng lãi suất ở những nơi khác.
Trên sàn London, giá đồng giao sau 3 tháng kết thúc phiên giảm 0,02% xuống 8.960 USD/tấn, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21/9/2021, là 8.830 USD/tấn. Đà giảm của giá đồng được hạn chế bởi tồn trữ trên sàn LME thấp ở mức 117.025 tấn, giảm 35% kể từ giữa tháng 5.
Giá nhôm phiên này tăng 1,4% lên 2.533 USD/tấn. Sản lượng nhôm toàn cầu trong tháng 5 tăng 0,43% so với cùng tháng năm trước, đạt 5,805 triệu tấn.
Giá nickel phiên này tăng 0,3% lên 25.735 USD/tấn, chì tăng 1,3% lên 2.087,50 USD/tấn, kẽm tăng 0,1% lên 3.528 USD/tấn, nhưng thiếc giảm 0,6% xuống 31.000 USD/tấn.
Giá quặng sắt phiên này giảm mạnh, với quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm 11% - chạm mức giới hạn, trong khi quặng sắt ở Singapore giảm khoảng 8% do lo sợ tiêu thụ thép sụt giảm tại Trung Quốc - nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), quặng sắt kỳ hạn tháng 9 kết thúc phhieen giảm 11% xuống 746 CNY (111,6 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 16/3. Trong khi đó, trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 7 giảm khoảng 8% xuống 110,4 USD/tấn.
Giá thép phiên này cũng giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng do tồn kho tăng, bổ sung thêm áp lực giảm đối với thị trường quặng sắt là việc phong tỏa tại Trung Quốc và một số nhà sản xuất thép dừng hoạt động do lợi nhuận giảm sút. Theo đó, giá thép thanh trên sàn Thượng Hải giảm 6%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 6,5%. Thép không gỉ tăng 1,3%.
Chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế của nước này. Các thương nhân lo lắng về yếu tố cung cầu của thị trường trong bối cảnh Trung Quốc đang phải vật lộn chống lại sự bùng phát của Covid-19 gần đây, hoạt động xây dựng sụt giảm trong mùa mưa, tồn kho thép ngày càng tăng do nhu cầu chậm và lợi nhuận yếu của các nhà máy.
Các thương nhân hy vọng các biện pháp chính sách tức thì để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn đã thất vọng, khi Trung Quốc áp lãi cho vay chuẩn với các khoản vay của doanh nghiệp và hộ gia đình như đã dự kiến.
Trên thị trường nông sản, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 kết thúc phiên tăng 0,7% lên 565,4 USD/tấn. Sàn New York đóng cửa nên không có giá đường thô cập nhật.
Ấn Độ có kế hoạch hạn chế xuất khẩu đường trong niên vụ 2022/23, và tâm lý chính phủ có thể chậm cho phép xuất khẩu, điều này có thể thắt chặt nguồn cung đến cuối năm nay và đầu năm tới. Trong khi đó, Trung Quốc đã nhập khẩu 260.000 tấn đường trong tháng 5, tăng 42,7% so với cùng tháng năm trước, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 0,1% xuống 2.077 USD/tấn. Sucden Financial dự kiến giá robusta sẽ vẫn thấp trong ngắn hạn khi biểu đồ giá robusta bắt đầu có xu hướng giảm sau diễn biến yếu trong ngày 17/6.
Giá cao su trên thị trường châu Á biến động trái chiều. Theo đó, giá cao su tại Nhật Bản giảm theo xu hướng cổ phiếu Châu Á giảm và do giá cao su nguyên liệu của Thái Lan giảm, song đà giảm được hạn chế bởi đồng JPY yếu và hy vọng Mỹ có thể cắt giảm một số thuế quan đối với Trung Quốc.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka lúc đóng cửa giảm 0,9 JPY hay 0,4% xuống 254,1 JPY (1,89 USD)/kg. Giá mủ cao su của Thái Lan xuống mức thấp nhất kể từ ngày 28/1 tại 45,25 baht (1,28 USD)/kg do đang mùa cao điểm ở Thái Lan tức là nguồn cung cao trong vài tuần. Trái lại, giá cao su tại Thượng Hải giao tháng 9 tăng 65 CNY lên 12.810 CNY (1.916,29 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)