Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm gần 2 USD/thùng do những phát biểu mới từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm dấy lên lo ngại việc Mỹ nâng lãi suất sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 1,69 USD, hay 1,5%, xuống 110,05 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,92 USD, hay 1,8%, xuống 104,27 USD/thùng.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cho biết, trọng tâm của Fed trong việc kiềm chế lạm phát là “vô điều kiện” và cho rằng thị trường lao động đang mạnh nhưng không bền vững. Những nhận định này làm dấy lên lo ngại về việc Fed sẽ tiếp tăng lãi suất thêm nữa.
Các nhà đầu tư đang cân nhắc điều chỉnh danh mục đầu tư với tài sản rủi ro khi họ đánh giá liệu các biện pháp lãi suất cao để đối phó với lạm phát của các ngân hàng trung ương có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái hay không.
Nếu Mỹ và các nước khác trên thế giới rơi vào suy thoái thì nhu cầu có thể ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra giá xăng cao có thể làm chậm nhu cầu.
Nhà tư vấn dầu mỏ Andrew Lipow của Houston cho biết: "Nếu Mỹ và phần còn lại của thế giới rơi vào suy thoái, điều đó có thể tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ".
Trong khi đó, Robert Yawger, Giám đốc phụ trách giao dịch năng lượng kỳ hạn tương lai tại ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho rằng giá xăng cao có thể bắt đầu khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu chậm lại. Ông Yawger cho rằng giá xăng vẫn còn dư địa để tăng. Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá bán lẻ xăng của Mỹ hiện đang ở mức trung bình 4,94 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), giảm khoảng 10 US cent Mỹ so với mức đỉnh.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm và các công ty lọc dầu lớn đã có một cuộc họp khẩn mà không đưa ra được giải pháp nào cụ thể để giảm giá dầu. Tuy nhiên, hai bên đã đồng ý hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề này.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) mới đây cho biết dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ tăng trong tuần trước cũng gây áp lực lên giá dầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất đồng minh bao gồm Nga, còn gọi là OPEC+, có khả năng bám sát kế hoạch nâng sản lượng vào tháng 8/2022 với hy vọng làm giảm giá dầu thô và lạm phát, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch thăm Saudi Arabia.
OPEC+ thống nhất trong cuộc họp gần nhất vào ngày 2/6 sẽ nâng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng Bảy, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu, và bơm thêm khối lượng tương tự trong tháng Tám, tăng so với kế hoạch ban đầu là thêm 432.000 thùng/ngày trong hơn ba tháng cho đến tháng 9/2022.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do đồng USD mạnh lên sau khi ông Jerome Powell củng cố kế hoạch thắt chặt chính sách nhằm kiểm soát lạm phát.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1,822,64 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,5% xuống 1.829,8 USD/ounce.
Sau khi ông Powell nói rằng cam kết của Fed với việc kiềm chế lạm phát là “vô điều kiện”, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với một giỏ tiền tệ gồm các đồng tiền chủ chốt khác đã nối lại đà tăng, từ đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Dù vàng được xem là biện pháp phòng trừ rủi ro từ lạm phát và những bất ổn kinh tế, nhưng tăng lãi suất thường khiến lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên, từ đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty Kitco Metals, cho rằng thị trường vàng và bạc còn đang gặp lực cản từ những đồn đoán rằng sự giảm tốc của nền kinh tế nói chung có thể làm giảm nhu cầu đối với các kim loại quý này, dù vị thế là kênh trú ẩn an toàn của vàng đang hạn chế đà giảm.
Những lo ngại về khả năng kinh tế tăng trưởng chậm lại tiếp tục gia tăng khi ông Powell cho biết cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 2,2% xuống 20,92 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 2,4% xuống 904,60 USD/ounce; palladium giảm 1% xuống 1,844,81 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng do lãi suất tăng nhanh và số liệu kinh tế yếu kém làm dấy lên lo sợ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 4,3% xuống 8.397 USD/tấn, phiên giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Giá đồng đã giảm hơn 20% từ mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn hồi tháng 3.
Nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết: “Nỗi lo sợ về suy thoái ngày càng gia tăng. Chúng tôi đang chứng kiến một đợt bán tháo theo chu kỳ trên diện rộng. Đó không chỉ là đồng, không chỉ kim loại công nghiệp, mà còn là thị trường chứng khoán." Theo ông, việc tăng lãi suất mạnh mẽ có thể đẩy giá đồng xuống thấp hơn nữa, nhưng ông hy vọng giá sẽ cao hơn đáng kể trong 5 năm nữa do nhu cầu về kim loại này tăng lên khi thế giới chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện khí hóa.
Lãi suất tăng mạnh có thể gây áp lực làm cho giá đồng giảm hơn nữa, nhưng giá đồng sẽ tăng đáng kể trong 5 năm nữa vì nhu cầu kim loại này tăng lên khi thế giới chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện khí hóa.
Tăng trưởng sản xuất ở khắp nơi trên thế giới, từ Châu Á tới Châu Âu chậm lại, trong khi nguy cơ suy thoái ngày càng tăng tại Mỹ gây lo ngại về mối đe dọa mới với nền kinh tế toàn cầu.
Giá kẽm phiên này giảm 1,8% xuống 3.478,50 USD/tấn. Kẽm được sử dụng trong thép không gỉ. Thị trường kẽm và chì toàn cầu dư thừa trong tháng 4. Tồn trữ kẽm của sàn giao dịch LME giảm 2/3 trong tuần này xuống mức thấp nhất trong 24 năm. Mức cộng của giá kẽm giao ngay so với hợp đồng giao sau 3 tháng vọt lên 218 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 1997.
Về các kim loại cơ bản khác, giá nhôm giảm 0,3% xuống 2.478,50 USD tấn, nickel giảm 1,4% xuống 24.110 USD và chì giảm 3,3% xuống 1.953 USD. Giá thiếc phiên này giảm 9,6% xuống 26.280 USD/tấn.
Giá quặng sắt phục hồi, lấy lại một phần những gì đã mất ở phiên liền trước. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc, lúc đóng cửa tăng 2,5% lên 749,5 CNY (111,77 USD)/tấn, phục hồi từ mức thấp nhất 16 tuần đã chạm tới trong ngày 22/6. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore tăng 5,6% lên 114,2 USD/tấn. Tương tự, giá thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,6%, thép cuộn cán nóng tăng 0,9%. Thép không gỉ tăng 1,1%.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết quốc gia này sẽ đẩy mạnh điều chỉnh chính sách vĩ mô và thực hiện thêm các biện pháp hiệu quả hơn để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội hàng năm trong khi giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 càng nhiều càng tốt.
Trên thị trường nông sản, giá ngô, lúa mì và đậu tương giảm do các nhà đầu tư lo sợ suy giảm kinh tế và tâm lý cải thiện về cây trồng của Mỹ.
Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago kết thúc phiên giảm 21-1/4 US cent xuống 7,46-3/4 USD/bushel. Giá lúa mì phiên này giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/3, đậu tương xuống thấp nhất kể từ ngày 11/5 và ngô thấp nhất kể từ ngày 6/6. Theo đó, giá lúa mì vụ đông đỏ mềm kỳ hạn tháng 9 giảm 39-1/2 US cent xuống 9,49-1/4 USD/bushel.
Giá đậu tương giảm phiên thứ 8 trong vòng 9 phiên trở lại đây với áp lực bổ sung từ giá dầu giảm. Theo đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 giảm 59-1/2 US cent xuống 15,93-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 kết thúc phiên giảm 0,7 US cent hay 0,4% xuống 18,38 US cent/lb, trong phiên có lúc giá xuống 18,36 US cent, thấp nhất kể từ giữa tháng 5. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 2 USD hay 0,4% xuống 551 USD/tấn.
Đồng real của Brazil suy yếu khiến các nhà xuất khẩu nước này tăng lợi nhuận tính theo đồng nội tệ, trong khi giá năng lượng đang giảm thúc đẩy các nhà máy mía đường của Brazil sản xuất nhiều đường hơn và ít ethanol hơn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa 7,4 US cent hay 3,1% xuống 2,2900 USD/lb, giá đã ở mức cao nhất trong hai tuần vào phiên trước đó; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 27 USD hay 1,3% xuống 2.086 USD/tấn.
Dự trữ cà phê trên sàn ICE hiện ở mức thấp nhất 22 năm. Thời tiết khô hạn mở rộng khắp khu vực trồng cà phê của Brazil cũng hỗ trợ giá.
Tạ Châu Á, giá cà phê Việt Nam tuần này tăng do nguồn cung hạn chế vào cuối vụ, tỷ giá hối đoái tăng và giá tại robusta tại London phục hồi. Cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ tuần này giá trừ lùi 140 – 160 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tại London, so với mức trừ lùi 160 USD cách đây một tuần. Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 42.700 – 43.700 đồng (1,84-1,88 USD)/kg, tăng từ 41.500 – 42.200 đồng/kg một tuần trước. Giá trong nước phù hợp với biến động của hợp đồng cà phê kỳ hạn tháng 9 tại London.
Tại Indonesia, một thương nhân ở Sumatran cho biết cà phê robusta được chào bán ở mức trừ lùi 140 – 150 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tại London, không đổi so với một tuần trước. Xuất khẩu cà phê robusta Sumatran giảm 72% trong tháng 5 so với cùng tháng năm trước xuống 2.633,28 tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm nhẹ do số liệu sản xuất trong nước đi xuống trong khi doanh số bán lẻ ô tô mạnh mẽ từ Trung Quốc làm tăng hy vọng phục hồi nhu cầu. Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,2 JPY hay 0,1% xuống 253,8 JPY (1,87 USD)/kg; cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 9 tăng 155 CNY lên 12.755 CNY (1.902,65 USD)/tấn, ngày tăng theo phần trăm mạnh nhất kể từ 9/6; cao su kỳ hạn kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore tăng 0,8% lê 159,6 US cent/kg.
Doanh số bán ô tô của Trung Quốc bổ sung lạc quan cho thị trường này và nhu cầu cao su tự nhiên sẽ được cải thiện ở nước này. Tập đoàn Toyota đã cắt giảm kế hoạch sản lượng toàn cầu 50.000 xe do tình trạng thiếu IC và gián đoạn nguồn cung do Covid-19.