Năng lượng: Giá dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp
Giá dầu Mỹ phiên cuối tuần (22/7) giảm xuống dưới 95 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4 sau khi Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ cho phép các công ty quốc doanh của Nga vận chuyển dầu đến các nước thứ ba theo sự điều chỉnh các biện pháp trừng phạt đã được các quốc gia thành viên nhất trí trong tuần này. Tính chung cả tuần, giá cũng giảm.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc phiên này giảm 1,65 USD, tương đương 1,7%, xuống 94,70 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 66 cent, tương đương 0,6%, xuống 103,20 USD. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm tuần thứ ba liên tiếp, trong đó 2 phiên về cuối tuần giá đều giảm sau khi dữ liệu cho thấy nhu cầu xăng của Mỹ đã giảm gần 8% so với một năm trước ngay giữa lúc cao điểm của mùa lái xe – mùa hè – do giá xăng cao kỷ lục.
Ngược lại, các dấu hiệu về nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á đã nâng giá dầu Brent tăng tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần.
Giao dịch dầu kỳ hạn đã biến động trong những tuần gần đây khi các nhà giao dịch xem xét khả năng lãi suất tăng hơn nữa có thể làm giảm nhu cầu, dù nguồn cung bị thắt chặt do thiếu dầu Nga.
Các công ty nhà nước của Nga là Rosneft và Gazprom sẽ có thể vận chuyển dầu tới các nước thứ ba trong nỗ lực hạn chế rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu. Theo những điều chỉnh đối với các biện pháp trừng phạt đối với Nga, có hiệu lực vào thứ Sáu (22/7), các khoản thanh toán liên quan đến việc mua dầu thô từ đường biển của Nga của các công ty EU sẽ không bị cấm.
Thông báo của EU được đưa ra sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết họ sẽ không cung cấp dầu thô cho các nước quyết định áp đặt giới hạn giá dầu của mình và thay vào đó chuyển hướng sang các nước sẵn sàng "hợp tác" với Nga.
Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures cho biết: “Trong ngắn hạn chắc chắn có thể có hiện tượng bán tháo dầu mỏ”.
Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao về giao dịch của BOK Financial cho biết: “Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và EU sẽ thực hiện giới hạn giá đối với dầu Nga vào cuối năm nay.
Ông nói thêm: “Lịch sử trong quá khứ cho thấy giới hạn giá do chính phủ gây ra đối với hàng hóa thường tồn tại trong thời gian ngắn và có thể dẫn đến giá tăng cao”.
Tuy nhiên, giá đã bị kìm hãm do lo ngại về việc lãi suất tăng có thể làm giảm nhu cầu và Libya nối lại một số sản lượng dầu thô của Libya. Sản lượng dầu của Libya ở mức hơn 800.000 thùng/ngày và sẽ đạt 1,2 triệu thùng/ngày vào tháng tới, Bộ Dầu mỏ Libya cho biết. Iraq có khả năng tăng sản lượng dầu thêm 200.000 thùng/ngày trong năm nay nếu được yêu cầu, một giám đốc điều hành của Basra Oil Co của Iraq cho biết.
Các giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo ban đầu về sản lượng trong tương lai, vẫn ổn định ở mức 599 trong tuần qua, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Nền kinh tế toàn cầu có vẻ ngày càng đi vào suy thoái nghiêm trọng, do các ngân hàng trung ương tích cực đảo ngược chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo được áp dụng trong thời kỳ đại dịch để hỗ trợ tăng trưởng.
Các nhà đầu tư đang theo dõi quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về lãi suất vào tuần tới. Các quan chức Fed đã chỉ ra rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 26-27 tháng 7.
Tuy nhiên, nhu cầu ở Ấn Độ vẫn mạnh mẽ, với việc lọc dầu đang ở trên mức trước đại dịch, trong khi Trung Quốc cũng đang nỗ lực rất nhiều để củng cố sự phục hồi kinh tế của mình, đặc biệt là trong quý 3.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm trong tuần qua do thị trường giảm lo ngại về việc nguồn cung thắt chặt sau khi dòng khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 1 chảy trở lại sau 10 ngày bảo trì.
Theo đó, giá LNG trung bình giao tháng 9 tại Đông Bắc Á tuần này là 38 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), giảm 2,5 USD hoặc 6,2% so với tuần trước.
Các nhà kinh tế năng lượng cấp cao thuộc ABN AMRO cho biết: "Việc khởi động lại Nord Stream sẽ có tác động làm giảm giá LNG. Bây giờ khí đốt của Nga đang chảy trở lại sang Đức - ngay cả khi chỉ ở mức 40% - điều đó sẽ giúp giảm bớt nhu cầu nhập khẩu LNG để lấp đầy Hans van Cleef”, "(Tuy nhiên) Người ta cho rằng rất có thể Nga sẽ đưa ra những lập luận mới khiến xuất khẩu khí đốt sang châu Âu giảm trong những tuần tới. Hơn hết, ngay cả khi lượng hàng tồn kho được lấp đầy kịp thời, nhu cầu về LNG của châu Âu vẫn sẽ rất cao trong cả mùa đông".
Tại Châu Âu, S&P Global Commodity Insights báo giá LNG ở Tây Bắc Châu Âu là 38,233 USD/mmBtu, thấp hơn 8,95 USD/mmBtu so với giá LNG kỳ hạn giao tháng 9 tại trung tâm khí đốt Hà Lan.
Sự cạnh tranh giữa châu Âu và châu Á trong thời điểm nguồn cung LNG toàn cầu eo hẹp gần đây đã đẩy giá LNG trên thị trường châu Á tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng và gần với mức kỷ lục hồi tháng 12, là 44,35 USD/mmBtu.
Việc giá giảm gần đây có thể không bền vững, với giá mùa đông vẫn duy trì ở gần mức trung bình 40 USD.
Trong quý 2 năm 2021, châu Âu đã nhập khẩu 23% LNG toàn cầu và khoảng 8% thị trường toàn cầu chuyển từ châu Á sang châu Âu từ quý 2 năm 2021 đến quý 2 năm 2022, theo báo cáo LNG.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tuần đầu tiên trong 6 tuần
Giá vàng tăng tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và đồng USD yếu đi, làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng thỏi trong bối cảnh rủi ro kinh tế vẫn tiếp diễn.
Cụ thể, giá vàng giao ngay kết thúc phiên 22/7 tăng 0,2% lên 1.721,29 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng khoảng 1%, sau khi phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp nhất trong hơn một năm chạm tới vào thứ Năm (21/7), là 1.680,25 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 trên sàn New York phiên này cũng tăng 0,8% lên 1.727,4 USD.
Giá bạc phiên này cũng giảm 1,7% xuống 18,53 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 8 tuần liên tiếp. Giá bạch kim giảm 0,3% xuống 869,56 USD, trong khi palladium tăng khoảng 5% lên 1.986,50 USD, tính chung cả tuần tăng khoảng 9%.
Giá vàng tăng một phần cũng bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm.
Bên cạnh đó, chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – giảm cũng thúc đẩy nhu cầu vàng đối với những người mua ở nước ngoài. DXY giảm giá tuần đầu tiên trong vòng 4 tuần do dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, làm giảm kỳ vọng về việc Fed sẽ tăng lãi suất tăng 100 điểm cơ bản trong kỳ họp tới.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng thuộc Blue Line Futures ở Chicago, cho biết đồng đô la giảm và lợi suất trái phiếu giảm đang giúp kéo giá vàng tăng trở lại. Chứng khoán tăng và lợi suất giảm đều đang hỗ trợ giá vàng.
Theo ông Streible, mặc dù cuộc họp của Fed có khả năng tác động nhiều lên thị trường vàng, nhưng có thể sẽ không có nhiều đợt tăng mạnh giá trong tuần này.
"Giả sử Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 7, chúng tôi tin rằng phần lớn rủi ro giảm giá trong ngắn hạn đã được đoán trước; nhưng xu hướng dài hạn vẫn là giảm", nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết.
Nhưng vàng cũng có thể tìm thấy sự hỗ trợ từ thị trường vật chất – vốn phản ứng nhanh về giá và nếu nguy cơ suy thoái trở nên sâu sắc hơn, ông Cooper nói.
Trên thị trường vật chất, nhu cầu tại một số trung tâm châu Á trong tuần này tăng do giá cả giảm.
Kim loại công nghiệp: Giá kim loại cơ bản tăng tăng do nhu cầu đối với tài sản rủi ro mạnh trở lại
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) phiên cuối tuần tăng 1,5% lên 7.430,50 USD/tấn.
Tính chung cả tuần, giá đồng tăng gần 3,5%, là tuần tăng đầu tiên trong vòng 7 tuần khi các nhà đầu tư quay trở lại các tài sản rủi ro sau một đợt bán tháo tàn bạo.
Tuy nhiên, giá kim loại được sử dụng trong lĩnh vực điện và xây dựng vẫn giảm hơn 30% so với mức cao hồi tháng 3. Tuần trước giá đã giảm xuống 6.955 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Các kim loại cơ bản khác cũng tăng giá trong phiên này do chứng khoán toàn cầu tăng ngày thứ sáu và đồng đô la suy yếu từ mức cao nhất trong 20 năm giúp kim loại định giá bằng USD trở nên chúng rẻ hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Theo đó, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,9% lên 2.466 USD/tấn, kẽm tăng 1,9% lên 2.993 USD, nickel tăng 3,4% lên 22.200 USD/tấn, chì giữ nguyên ở mức 2.012,50 USD và thiếc tăng 0,3% lên 24.910 USD/tấn.
Giá kim loại công nghiệp và chứng khoán toàn cầu sụt giảm trong những tháng gần đây khi lạm phát tăng cao và các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất nhanh chóng – gây lo ngại có thể đẩy thế giới vào suy thoái.
Nhưng các nhà đầu tư trong tuần qua đã quay lại kỳ vọng về việc Mỹ sẽ không tăng lãi suất 100 điểm mà chỉ tăng 75 điểm.
Nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết: “Các thị trường đang cạnh tranh với các ngân hàng trung ương ... nhưng áp lực từ việc tăng tỷ giá sẽ giảm bớt.
Các quan chức ở Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất, một lần nữa cho biết họ sẽ kích thích nền kinh tế do các biện pháp hạn chế chống COVID-19 gây ra suy thoái mạnh. Điều đó mang lại kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ được cải thiện khi dự đoán giá sẽ biến động.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế ngắn hạn vẫn còn ảm đạm. Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tuần này, sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu tăng 50 điểm cơ bản vào thứ Năm tuần trước.
Tương tự như kim loại cơ bản, giá quặng sắt cũng hồi phục từ mức thấp nhất 7 tháng trong phiên cuối tuần do tồn trữ thép ở Trung Quốc giảm đem lại kỳ vọng về nhu cầu bổ sung lượng thép trong kho dự trữ.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất, trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc, kỳ hạn giao tháng 9, kết thúc phiên cuối tuần tăng 3,6% lên 681 nhân dân tệ (100,68 USD)/tấn. Hợp đồng này đóng cửa phiên liền trước ở mức 657,50 nhân dân tệ, thấp nhất kể từ ngày 29 tháng 12.
Tại Singapore, nguyên liệu sản xuất thép tăng trở lại trên mốc 100 USD trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng tăng, sau khi công ty khai thác Brazil Vale SA hạ dự báo sản lượng quặng sắt năm 2022 của họ.
Theo đó, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore phiên cuối tuần tăng 3,5% lên 101,35 USD/tấn.
Giá thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,4%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,7%, riêng thép không gỉ giảm 1,6%.
Tồn trữ thép thanh, thép cuộn, thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội và thép tấm trung bình của 184 nhà máy thép Trung Quốc do công ty tư vấn Mysteel khảo sát thường xuyên đã giảm với tốc độ nhanh hơn 6,8% trong tuần xuống mức thấp nhất gần 6 tháng, là 5,7 triệu tấn trong giai đoạn 14-20/7.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết với triển vọng nhu cầu thép tổng thể ở Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, vẫn bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa chống COVID-19 và những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản, thị trường quặng sắt có thể vẫn chịu áp lực trong trung hạn.
Nông sản: Giá ngũ cốc và cao su giảm, cà phê tăng
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/7, thị trường nông sản Mỹ biến động trái chiều. Trong khi giá ngô và lúa mỳ giảm, thì giá đậu tương lại giảm.
Thỏa thuận Nga-Ukraine, kéo dài hai tháng đàm phán do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, làm dấy lên hy vọng rằng cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế trầm trọng do vụ xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ dịu lại.
Kết thúc phiên này, giá lúa mì Mỹ giảm gần 6%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai sau khi Nga và Ukraine ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt để mở lại các cảng của Ukraine ở Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc. Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 9 giảm 47-1/4 cent xuống 7,59 USD/bushel, sau khi có lúc giảm xuống 7,54 USD, mức thấp nhất của hợp đồng kể từ ngày 4/2.
Giá ngô cùng phiên cũng giảm gần 2% sau thông tin trên, với ngô giao tháng 12 kết thúc phiên giảm 9-1/4 cent xuống 5,64-1/4 USD/bushel.
Riêng giá đậu tương tăng trong phiên cuối tuần, phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều tháng, với đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 14-1/4 cent kết thúc ở mức 13,15-3/4 USD, bật lên sau khi giảm xuống 12,88-1/2 USD, mức thấp nhất trong sáu tháng.
Thỏa thuận về hành lang Biển Đen nhằm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine được ký kết tại cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc làm trung gian ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các điều khoản của thỏa thuận, đại diện của Ukraine, Nga, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý mở một Trung tâm điều phối chung ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ để giám sát các chuyến hàng từ Ukraine và duy trì các tuyến đường vận chuyển an toàn cho những các chuyến ngũ cốc qua Biển Đen.
Một điều lưu ý là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine không ký trực tiếp với Nga. Trên Twitter, trợ lý Tổng thống Mykhaylo Podolyak tuyên bố Ukraine không ký bất kỳ thỏa thuận nào với Nga mà sẽ ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc, và Nga cũng sẽ ký thỏa thuận tương tự với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc.
Thế giới hy vọng rằng dòng chảy ngũ cốc từ Biển Đen sẽ tăng lên một khi cơ sở hạ tầng cảng bị hư hỏng của Ukraine được sửa chữa, có thể mất vài tuần hoặc vài tháng. Thị trường sẽ theo dõi sát sao tình hình tàu thuyền cập các cảng Biển Đen mỗi tuần.
Thị trường nông sản sẽ phải đối mặt với tình hình bất ổn địa chính trị và kinh tế vĩ mô vô thời hạn. Tuy vậy, công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng triển vọng dài hạn vẫn lạc quan.
Giá đường giảm trong phiên cuối tuần do lo ngại về nguy cơ kinh tế suy thoái và thị trường chứng khoán giảmđiểm. Đồng real Brazil yếu đi cũng là một yếu tố gây giảm giá mặt hàng này.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 kết thúc phiên cuối tuần giảm 0,46 US cent, hay 2,5%, xuống 17,89 US cent/lb, tính chung cả tuàn giảm 7%; đường trắng cùng phiên giảm 9,2 USD, hay 1,7%, xuống 523,4 USD/tấn. Sucden Financial dự doán xu hướng giá trong ngắn hạn sẽ là tiếp tục giảm.
Giá cà phê phiên cuối tuần đi xuống do những lý do tương tự như với mặt hàng đường. Theo đó, cà phê arabica giao tháng 9 giảm 9,15 cent, tương đương 4,2%, xuống 2,067 USD/lb, song tính chung cả tuần tăng 1,4%, khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Cà phê robusta giao tháng 9 giảm 25 USD, tương đương 1,3% xuống 1.962 USD/tấn, khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Các đại lý cho biết thị trường vẫn dao động do giá bị ảnh hưởng bởi tiến độ thu hoạch tốt ở nhà sản xuất hàng đầu - Brazil và đồng tiền Brazil yếu khiến nông tích cực bán ra.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm liên tiếp 3 phiên cuối tuần, kết thúc tuần giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng do lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc - nước tiêu dùng hàng hóa hàng đầu thế giới.
Cao su kỳ hạn tháng 12 trên Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên cuối tuần giảm 1,2 yên, tương đương 0,5%, xuống 236,5 yên (1,72 USD)/kg; tính chung cả tuần, giá giảm khoảng 2%.
Giá cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 95 nhân dân tệ xuống 11.665 nhân dân tệ (1.724,37 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch Singapore giảm 0,7% xuống 155,1 US cent/kg.
Lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu đang phủ bóng lên triển vọng phục hồi của châu Á với tốc độ tăng trưởng hoạt động của các nhà máy ở Nhật Bản và Australia đang chậm lại, gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách trong việc cần thiết phải hỗ trợ nền kinh tế của họ, trong bối cảnh đang phải thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Hoạt động sản xuất của Nhật Bản tháng 7 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 10 tháng. Trong khi đó, thị trường lo ngại về việc nhu cầu cao su đang chậm lại ở nước tiêu thụ hàng đầu thế giới - Trung Quốc, khi các đợt phong tỏa kéo dài làm giảm hoạt động công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa.