Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ do số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống mức trước đại dịch, khiến giới đầu tư lo ngại về tình trạng nguồn cung nhiên liệu thắt chặt và phớt lờ thông tin về số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 23/7, do nhập khẩu giảm và sụt giảm sản lượng hàng tuần. Trong khi đó, dự trữ xăng của Mỹ trong tuần vừa qua cũng giảm mạnh xuống mức trước đại dịch. Nguồn cung sản phẩm xăng, một thước đo nhu cầu, đạt mức trung bình 9,5 triệu thùng/ngày trong bốn tuần, mức cao nhất kể từ tháng 10/2019.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 26 cent, tương đương 0,4% lên 74,74 USD/thùng, sau khi giảm ở phiên liền trước; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 74 cent, tương đương 1%, lên 72,39 USD.
Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa Matt Smith của công ty dữ liệu ClipperData có trụ sở tại New York (Mỹ) cho biết sự phục hồi nhu cầu bao gồm cả xăng và sản phẩm chưng cất và hoạt động tinh chế thấp của các nhà máy lọc dầu, đã khiến kho dự trữ dầu và xăng đều giảm.
Giá dầu mỏ tăng 45% trong năm nay, do sự phục hồi nhu cầu và hạn chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+.
OPEC+ đồng ý tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng Tám. Tuy vậy, một số chuyên gia phân tích cho là quá thấp so với nhu cầu dự kiến phục hồi trong năm nay.
Tuy nhiên, việc gia tăng số ca lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, dù đã có các chương trình tiêm chủng vaccine, đã hạn chế đà tăng giá của dầu mỏ và vẫn là mối lo do ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Do đó, các nhà phân tích cho rằng mặc dù nhu cầu dầu ở Châu Âu và Mỹ bắt đầu ổn định, song nhu cầu toàn cầu sẽ chưa trở về mức trước khi đại dịch cho đến năm sau, nếu tốc độ tiêm chủng chậm lại làm thay đổi xu hướng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết kết thúc kỳ họp tháng 7 vẫn thận trọng thông báo giữ lãi suất thấp kéo dài để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng sau khi Chủ tịch Fed, ông Powell cho rằng việc gia tăng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta sẽ ảnh hưởng xấu thị trường lao động và Fed vẫn còn cân nhắc việc tăng lãi suất
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.801,10 USD/ounce; vàng giao sau vững ở 1.800,50 USD/ounce.
Giá vàng giảm nhẹ sau khi Fed cho biết sự phục hồi kinh tế của Mỹ vẫn đi đúng hướng dù gia tăng số ca lây nhiễm COVID-19, đồng thời phát đi tín hiệu về những cuộc thảo luận xung quanh việc rút lại các chính sách kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, vàng chuyển động theo hướng đi lên sau khi Chủ tịch Powell trong cuộc họp báo sau đó cho rằng việc gia tăng số ca lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta có thể hạn chế sự phục hồi của thị trường lao động và Fed vẫn còn cân nhắc việc tăng lãi suất.
Lãi suất tăng cao ảnh hưởng bất lợi tới vàng, bởi nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lời này. Vàng nhận được sự hỗ trợ từ đồng USD yếu sau phát biểu của Chủ tịch Fed Powell, bởi đồng bạc xanh giảm giá khiến kim loại quý này rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,6%, lên 24,84 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,8%, lên 1.059 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng đã ổn định trở lại sau những ngày bất ổn do các chính sách của Trugn Quốc. Phiên vừa qua, giá đồng lên sát mức cao nhất trong vòng 6 tuần khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin chi tiết từ cuộc họp của Fed, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới, USD và CNY đều ổn định.
Kết thúc phiên này, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng giảm 0,5% xuống 9.714,50 USD/tấn; phiên liền trước, giá đạt 9.924 USD, mức cao nhất kể từ ngày 15/6.
Được sử dụng trong lĩnh vực điện và xây dựng, đồng đã tăng lên mức cao kỷ lục 10.747,50 USD vào tháng 5. Tính từ đầu năm đến nay, giá đã tăng khoảng 25%, sau khi tăng 26% vào năm 2020. Một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu mạnh và nguồn cung thắt chặt có thể đẩy giá cao hơn nữa.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc hồi phục nhẹ trong phiên vừa qua sau khi giảm mạnh ở phiên liền trước. Theo đó, quặng sắt trên sàn Đại Liên nhích thêm 0,2% lên 1.137,50 CNY/tấn, sau khi giảm 2,8% ở phiên liền trước; giá quặng sắt trên sàn Singapore tăng 1,4% lên 195,75 USD/tấn.
Giá thép tại Trung Quốc giảm phiên thứ 2 liên tiếp do lo ngại nhu cầu vật liệu xây dựng và sản xuất chậm lại lấn át nỗi lo về những động thái cắt giảm sản lượng.
Giá thép xây dựng trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên 28/7 giảm 0,3% xuống 5.658 CNY (869,82 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng phiên này giảm mạnh hơn, mất 1,6% xuống 5.879 CNY/tấn; thép không gỉ cũng giảm 1,8% xuống 19.120 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ tăng hơn 2% trong phiên vừa qua do lo ngại nguồn cung lúa mì vụ Xuân – có chất lượng tốt nhất – bị ảnh hưởng, sau khi kết quả khảo sát ban đầu sau những chuyến tham quan mùa vụ hàng năm cho thấy hạn hán đã ảnh hưởng tới khu vực đồng bằng phía Bắc của Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch, giá lúa mì trên sàn Chicago tăng 14-1/4 cent lên 6,88-3/4/bushel. Trên sàn Minneapolis, giá lúa mì mùa xuân kỳ hạn tháng 9 trở lại lên trên 9 USD/bushel, tăng 25-1/2 cent lên 9,03-3/4 USD.
Giá ngô và đậu tương cũng tăng nhẹ do các nhà môi giới lo ngại nhiệt độ giảm vào tuần tới ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, mặc dù xuất khẩu của Mỹ chậm chạp. Trong khi đó, giá ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 2-3/4 cent lên 5,49 USD/bushel, đậu tương kỳ hạn tháng 11 cũng tăng 1-1/2 cent lên 13,61 USD/bushel.
Giá cà phê giảm sau khi có thông tin đợt băng giá dự báo sẽ xảy ra ở Brazil cuối tuần này có thể sẽ chỉ ở mức độ nhẹ. Kết thúc phiên này, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 1,3%, tương đương 0,6%, xuống 2,0045 USD/lb. Trước đó, phiên 25/7, giá cà phê arabica đã tăng lên mức cao kỷ lục, 2,1520 USD, cao nhất trong gần bảy năm, khi băng giá mạnh tuần trước xảy ra ở nước sản xuất hàng đầu thế giới – Brazil - làm giảm triển vọng về sản lượng vụ mùa năm tới.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 kết thúc phiên vừa qua cũng tăng 3 USD, tương đương 0,2%, lên 1.930 USD/tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,26%, tương đương 1,4%, lên 18,61 cent/lb; đường trắng kỳ hạn giao tháng 10 lúc đóng cửa tăng 3,80 USD, tương đương 0,8% lên 458,50 USD/tấn.
Các đại lý đang theo dõi triển vọng thời tiết ở Brazil với khả năng cuối tuần này sẽ có đợt rét đậm ảnh hưởng đến những khu vực sản xuất mía đường.
Giá cao su giao dịch tại Nhật Bản giảm trong phiên vừa qua do lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sự lây lan nhanh chóng của biến thể coronavirus Delta.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cao su giao sau trên sàn Osaka giảm 0,5% xuống 213,7 yên (1,94 USD)/kg; cao su giao dịch trên sàn Thượng Hải giảm 0,5% xuống 13.205 CNY (2.030,20 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 29/7/2021
gia hang hoa the gioi

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg