Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ do kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu tăng bất chấp số cca nhiễm virus biến thể Omicron gia tăng, trong khi OPEC và các đồng minh sẽ chỉ tiếp tục tăng nhập khẩu theo từng bước.
Kết thúc phiên này, giá dầu thô Brent tăng 9 US cent tương đương 0,11% lên 79,32 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 43 US cent tương đương 0,56% lên 76,9 USD/thùng, là phiên thứ 7 liên tiếp tăng.
Giá dầu tăng cũng bởi biện pháp của chính phủ nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế, như nới lỏng các quy định về xét nghiệm.
Tính chung cả năm 2021 giá dầu toàn cầu đã tăng khoảng 50-60% do nhu cầu nhiên liệu tăng trở lại gần mức trước đại dịch và OPEC+ cắt giảm sâu sản lượng, đã xóa bỏ tình trạng dư cung.
Giá dầu tiếp tục tăng bất chấp việc Trung Quốc –nước nhập khẩu hàng đầu thế giới - cắt giảm nhập khẩu dầu thô đợt đầu tiên phân bổ cho năm 2022. Nước này đã giảm 11% hạn ngạch nhập khẩu đợt đầu tiên của năm 2022 đối với hầu hết các nhà máy lọc dầu độc lập.
Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 24/12/2021 giảm 3,6 triệu thùng - nhiều hơn so với dự kiến của các nhà phân tích; tồn trữ xăng và sản phẩm chưng cất cũng giảm, do nhu cầu vẫn mạnh bất chấp các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng kỷ lục.
OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/1 để quyết định có tiếp tục tăng sản lượng trong tháng Hai hay không. Iraq cho biết sẽ ủng hộ việc duy trì chính sách tăng sản lượng thêm tổng cộng 400.000 thùng/ngày trong tháng 2/2022.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm từ mức cao nhất 1 tháng, làm lu mờ áp lực đồng USD tăng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,5% lên 1.813,16 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn New York tăng 0,5% lên 1.814,1 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng giảm 5% - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, do các nền kinh tế hồi phục từ tác động của đại dịch, làm giảm nhu cầu vàng là tài sản trú ẩn an toàn.
Về các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,8% lên 22,98 USD/ounce, bạch kim giảm 0,6% xuống 961,94 USD, trong khi palladium tăng 0,1% lên 1.984,31 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm tăng sau khi 2 lò luyện cắt giảm sản lượng, do giá điện tăng làm dấy lên mối lo ngại về khả năng thiếu hụt. Theo đó, giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,2% lên 2.816 USD/tấn, sau 2 phiên giảm liên tiếp; giá nhôm trên sàn Thượng Hải tăng 3,6% lên 20.585 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 27/10/2021.
Về các kim loại công nghiệp khác, giá đồng trên sàn London tăng 0,1% lên 9.685,5 USD/tấn, kẽm tăng 0,5% lên 3.530,5 USD/tấn, nickel tăng 1% lên 20.585 USD/tấn, chì tăng 0,4% lên 2.294,5 USD/tấn, thiếc giảm 0,2% xuống 39.080 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore tăng sau chuỗi giảm 3 ngày liên tiếp, song lo ngại về nhu cầu quặng sắt tại nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – đã khiến giá quặng sắt vẫn chạm gần mức thấp nhất 2 tuần.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 1% lên 669,5 CNY (105,11 USD)/tấn. Trong phiên trước đó, giá quặng sắt chạm 650,5 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 15/12/2021.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Singapore tăng 1,6% lên 119 USD/tấn. Giá thép cây và thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải đều giảm 0,6%, song giá thép không gỉ tăng 2,4%.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ giảm mạnh, do vụ thu hoạch đạt gần mức cao kỷ lục bắt đầu tại nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu – Brazil- và mưa nhiều hơn tại các khu vực khô hạn của Parana so với dự kiến.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm 30-1/4 US cent xuống 13,38-1/2 USD/bushel, giá ngô giảm 9-1/2 US cent xuống 5,96 USD/bushel và giá lúa mì giảm 8 US cent xuống 7,79-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,32 US cent tương đương 1,7% xuống 18,78 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 6,4 USD tương đương 1,3% xuống 494,7 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 không thay đổi ở mức 2,2885 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 9 USD tương đương 0,4% lên 2.373 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá cà phê tăng theo xu hướng giá robusta ở London. Theo đó, cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 240-250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London và so với mức trừ lùi 430-440 USD/tấn tuần trước đó. Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 230-250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 2/2022, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, do giá dầu và giá cao su trên sàn Thượng Hải tăng mạnh.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Osaka tăng 1,8 JPY (0,0156 USD) lên 238 JPY/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 85 CNY(13,34 USD) lên 14.820 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg