Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm sau một phiên giao dịch đầy biến động, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hủy họp vì các nhà sản xuất lớn không thể đạt được thỏa thuận tăng nguồn cung.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent Biển Bắc giảm 2,63 USD (tương đương 3,4%) xuống 74,53 USD/thùng. Trước đó trong cùng phiên này, giá dầu Brent có lúc đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 77,84 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lùi 1,79 USD (2,4%) xuống 73,37 USD/thùng. Trước đó, loại dầu này cũng có thời điểm đạt mức 76,98 USD/thùng - cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Phiên vừa qua, giá dầu đã tăng vào những giờ đầu giao dịch do tin tức về sự cố trong các cuộc đàm phán. Nhưng giá “vàng đen” quay đầu giảm khi giới giao dịch tập trung vào khả năng những xung đột sẽ khiến một số quốc gia xuất khẩu nhiều dầu hơn.
Ngày 5/7, các bộ trưởng OPEC và các nhà sản xuất dầu liên minh (nhóm OPEC+) đã dừng việc đàm phán khi chưa đi đến thống nhất, sau khi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nảy sinh những bất đồng.
Ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho cho biết thị trường lo ngại rằng UAE sẽ đơn phương tăng cường nguồn cung. Khi đó, một số nước khác trong OPEC sẽ theo bước UAE.
Một số nguồn tin OPEC + cho biết họ vẫn tin rằng khối này sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận trong tháng này và đồng ý tăng nguồn cung từ tháng Tám. Song một số nguồn khác lại cho biết các hạn chế hiện tại có thể vẫn được duy trì.
Giới phân tích hiện kỳ vọng các nhà sản xuất Mỹ sẽ bắt đầu bổ sung nguồn cung vì giá dầu đã tăng cao hơn sau nhiều tháng hoạt động trầm lắng. Sản lượng dầu của Mỹ hiện vào khoảng 11 triệu thùng/ngày, do đó vẫn có khả năng các nhà sản xuất Mỹ nâng sản lượng trước khi tiến gần mức kỷ lục khoảng 13 triệu thùng/ngày hồi năm 2019.
Ngân hàng Goldman Sachs nhận định cuộc đàm phán của OPEC+ không đi đến một sự thống nhất nào sẽ dẫn tới một giai đoạn không chắc chắn về sản lượng dầu của nhóm này, mặc dù ngân hàng này vẫn duy trì dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt 80 USD/thùng trong mùa Hè này và sản lượng sẽ tăng dần vào đầu năm tới.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm trong khi các nhà đầu tư chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.794,37 USD/ounce, trước đó có thời điểm giá đạt 1.814,78 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 17/6; vàng kỳ hạn tương lai cũng tăng 0,6% lên 1.794,2 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất của gần hai tuần qua và làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích của ThinkMarkets cho biết: “Những gì chúng tôi thấy trong vài ngày qua là các ngân hàng trung ương bác bỏ dự đoán Fed sẽ sớm nâng lãi suất”.
Ông Razaqzada cho biết: “Các nhà đầu tư đang nhận ra rằng chính sách tiền tệ sẽ vẫn rất nới lỏng nhất trong lịch sử. Đó là một trong những lý do tại sao chúng ta thấy lợi suất trái phiếu giảm – yếu tố đang giúp ổn định giá vàng sau khi giảm mạnh vào tháng 6”.
Sự chú ý của thị trường tập trung vào biên bản cuộc họp mới nhất của Fed dự kiến công bố ngày 7/7 (giờ địa phương) sau khi hồi tháng trước các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong năm 2023, đẩy vàng xuống dưới mức 1.800 USD/ounce. Lãi suất cao làm tăng cơ hội chi phí nắm giữ vàng, tài sản không sinh lời.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng trên sàn London (LME) đã giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 3 tuần do USD mạnh lên và dầu mỏ giảm gía.
Trước phiên vừa qua, giá đồng đã có 2 phiên tăng liên tiếp khi nhà đầu tư tăng cường mua kim loại này như một rào cản chống lạm phát trong bối cảnh giá dầu tăng lên mức cao chưa từng có trong vòng nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên đã kéo giá đồng giảm trở lại.
Kết thúc phiên 6/7, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2,5% xuống 9.270 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức 9.632,50 USD, mức cao nhất kể từ ngày 16/6.
Ole Hansen, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa thuộc Ngân hàng Saxo ở Copenhagen, cho biết giá đồng trên sàn LME đã không thể duy trì sự bứt phá trên ngưỡng trung bình động của 21 ngày, bởi các nhà đầu cơ bán mạnh khi coi việc giá tăng của 2 phiên vừa qua là tín hiệu tăng ngắn hạn mang tính kỹ thuật.
Giá chì phiên vừa qua tăng 0,3% lên 2.294 USD/tấn. Trước đó, n gày 30/6/2021, giá chì đã tăng lên mức cao chưa từng có kể từ tháng 7/2018, là 2.344 USD/tấn, do nhu cầu ắc quy ô tô thay thế tăng vọt.
Mỹ chiếm 13% nhu cầu chì toàn cầu, với mức tiêu thụ tăng mạnh sau khi các biện pháp chống Covid-19 được nới lỏng. Nguyên nhân bởi thời gian phong tỏa kéo dài, xe cộ lâu không được sử dụng khiến ắc-quy axit chì của ô tô hỏng hàng loạt. Nhu cầu pin thay thế ở thị trường Châu Âu cũng tăng mạnh.
Trong khi những kim loại sản xuất pin khác, chẳng hạn như lithium và cobalt, được sử dụng cho xe điện thì ắc-quy thay thế dùng cho xe chạy bằng động cơ đốt trong vẫn chiếm một nửa nhu cầu 12 triệu tấn chì của toàn thế giới.
Nhà phân tích Farid Ahmed của công ty Wood Mackenzie dự kiến nhu cầu chì sản xuất ắc-quy ô tô năm nay sẽ tăng 5,9% so với năm 2020, lên 6,5 triệu tấn, bằng mức trước khi đại dịch Covid-19.
Nhu cầu chì tăng cao vào đúng thời điểm việc vận chuyển chì bị chậm trễ đẩy mức cộng giá chì trên thị trường Mỹ so với hợp đồng chì tham chiếu trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng lên mức cao kỷ lục 375 USD/tấn.
Nhu cầu mạnh mẽ và sự thiếu hụt nguồn cung dẫn đến việc lượng chì lưu kho trên sàn LME giảm mạnh, mất hơn 40% trong năm nay, xuống 72.250 tấn hiện nay.
Giá thép trên thị trường Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua do giá nguyên liệu thép twang lên và dự báo Chính phủ nước này sẽ gia tăng kiểm soát sản lượng, mặc dù hoạt động xây dựng ở nước này đã chậm lại và doanh số bán ô tô cũng bị hạn chế.
Phiên vừa qua, giá thép cây – dùng trong xây dựng – trên sàn Thượng Hải (kỳ hạn tháng 10) tăng 2,9% lên 5.304 nhân dân tệ (821,15 USD)/tấn vào lúc đóng cửa; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng, tăng 3,2% lên 5.604 nhân dân tệ/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 8 tăng 2,2% lên 16.880 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, kỳ hạn giao tháng 9, phiên này cũng có thời điểm tăng 3,7% lên 1.242 nhân dân tệ/tấn, kết thúc phiên giao dịch vẫn tăng 2,8% so với lúc đóng cửa phiên trước, đạt 1.231 nhân dân tệ/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô giảm sau khi dự báo thời tiết ở Mỹ sẽ mát mẻ và ẩm ướt hơn, làm giảm bớt lo ngại về điều kiện nông vụ không thuận lợi.
Hợp đồng ngô Mỹ giao dịch trên sàn Chicago, kỳ hạn tháng 12/2020 giảm xuống 5,39-3/4 USD/bushel, kỳ hạn tháng 5/2022 cũng mất 40 US cent/bushel trong phiên này,
Tuần trước, giá ngô đã tăng mạnh 12% do dự báo diện tích trồng ngô Mỹ thấp hơn dự kiến bởi thời tiết ở vành đai phía Bắc và phía Tây nước Mỹ bị khô hạn.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 kết thúc phiên vừa qua giảm 94 US cent xuống 13,05 USD/bushel, khô đậu tương giảm 25,9 USD xuống 362,40 USD/tấn, trong khi dầu đậu tương kỳ hạn tháng 12 giảm 3,5 US cent xuống 58,78 cent/lb.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 9 cũng giảm 26-3/4 cent xuống 6,26 USD/bushel.
Giá đường và cà phê giảm trong phiên vừa qua do hoạt động bán tháo. Đồng real Brazil thấp nhất kể từ đầu tháng 6 so với USD càng gây áp lực giảm giá các mặt hàng này.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,28%, tương đương 1,5%, ở mức 17,87 cent/lb; giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 cũng giảm 7,40 USD, tương đương 1,6%, xuống 444,00 USD/tấn.
Sản lượng đường của Liên minh Châu Âu niên vụ 2021/22 dự báo sẽ tăng, kéo lượng tồn trữ tăng theo.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 phiên vừa qua kết thúc ở mức giảm 4,95 cent, tương đương 3,2%, xuống 1,481 USD/lb. Trong phiên có lúc gía chạm mức thấp nhất 7 tuần, là 1,4765 USD/lb; robusta giao tháng 9 cũng 8 USD, tương đương 0,5%, xuống 1.679 USD/tấn.
Tổ chức Cà phê Quốc tế mới đây đã tăng dự báo thặng dư cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/21.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua sau khi dữ liệu chính thức cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản tháng 5 tăng mạnh, trong đó người tiêu dùng đổ xô đi mua ô tô và điện thoại, thúc đẩy nhu cầu đối với những mặt hàng công nghiệp như cao su.
Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka tăng 2,3 yen, tương đương 1%, lên 223,7 yen/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 cũng tăng 3% lên 13.380 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 7/7/2021
gia hang hoa the gioi

 

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg