Lượng gỗ nhập khẩu lên tới 50%

Theo số liệu thống kê từ Phòng Nghiên cứu Phát triển thị trường, Cục Xúc tiến Thương mại (Viettrade), nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể từ gỗ nhập khẩu. Lượng gỗ nhập khẩu tương đối lớn chiếm 30-50%. Kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu bằng 30% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ.

Sở dĩ ngành công nghiệp chế biến gỗ phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vì nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đang suy giảm đáng kể, bên cạnh quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ Việt Nam từ năm 2014.

Nguyên liệu gỗ rừng trồng hiện đạt khoảng 3,2 triệu ha, với trữ lượng gỗ đạt khoảng 60 triệu m3. Sản lượng gỗ rừng trồng đạt khai thác đạt trên 5 triệu m3/năm, tuy nhiên lượng gỗ này chủ yếu là keo và bạch đàn ở độ tuổi từ 6-10 năm, đường kính nhỏ, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài ra, theo tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm gỗ hai thị trường lớn là Châu Âu và Hoa Kỳ đều bắt buộc phải sử dụng 70% nguyên liệu có chứng chỉ FSC, 30% còn lại là gỗ có nguồn gốc. Từ tháng 3/2013, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào EU còn phải gánh thêm đạo luật FLEGT (tăng cường luật pháp, quản lý và thương mại lâm sản) yêu cầu các lô đồ gỗ nhập vào EU phải minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc gỗ nguyên liệu mới cho nhập khẩu. Trong khi đó, trên địa bàn cả nước mới có khoảng 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2014
(Nguồn: Viettrade)
Về nguồn nhập khẩu gỗ, Việt Nam đang nhập khẩu từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu nguyên liệu gỗ được nhập khẩu từ Lào và Campuchia nhưng nguồn cung này đang cạn kiệt. Giá nhiều loại gỗ đã tăng bình quân từ 5% - 7%, đặc biệt gỗ cứng đã tăng  từ  30%  -  40%, làm cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, vừa thiếu nguyên liệu, vừa phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu.

Hướng khai thác gỗ cao su và tái canh

Việc hợp tác giữa ngành chế biến gỗ và ngành cao su được coi là điểm sáng của năm 2015, Viettrade đánh giá.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 4, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 252.416 tấn, giá trị khoảng 360,67 triệu USD, tăng 33,9% về lượng nhưng giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đơn giá xuất khẩu cao su bình quân 4 tháng chỉ đạt khoảng 1.429 USD/tấn, giảm tới gần 28%. 

Vì vậy, giá bán cao su liên tục sụt giảm khiến doanh nghiệp và người dân đều lao đao. Nguyên nhân mấu chốt vẫn là bởi trên thị trường cao su thế giới cung đã vượt cầu. Dự kiến, hết năm nay và thậm chí cả trong năm 2016, tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. 

Viettrade cho rằng, thông thường, chu kỳ trồng cao su khai thác mủ được khoảng 25 năm, có vùng chỉ dao động từ 18-20 năm là lượng mủ kém đi. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ chuyển sang khai thác gỗ cao su và tiến hành tái canh.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự kiến sẽ thanh lý khoảng 30 nghìn ha cao su đã hết thời gian khai thác mủ để khai thác gỗ, lượng gỗ khai thác dự kiến lên tới 8-9 triệu m3 nên gỗ cao su càng dư thừa. 

Do đó, theo bà Hoa, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành cao sumong muốn các doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng ngay nguyên liệu gỗ cao su trong nước, vừa giúp tiết kiệm chi phí lại giải quyết phần nào khó khăn cho ngành cao su. Đây chính là giải pháp góp phần giải quyết vướng mắc cho cả đôi bên. Gỗ cao su cũng đã được khai thác và sử dụng làm đồ nội thất xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Bà Hoa đề nghị trước mắt cần có một lộ trình phù hợp và những chương trình làm việc, xây dựng các kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp hai bên hiểu nhau nhiều hơn và tin tưởng vào sự hợp tác thành công trong tương lai.

Hướng đi nào bền vững?

Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2015 thị trường xuất khẩu đồ gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 7 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2014. Không chỉ xuất khẩu, thị trường nội địa cũng có sự tăng trưởng khả quan khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ trong nước cũng đang ngày càng tăng.

Với tình hình hiện nay, khi nguồn nguyên liệu gỗ rất khó khăn thì giải pháp kết hợp với ngành cao su chỉ là tạm thời. Về lâu dài, theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản cho rằng, Chính phủ cần điều chỉnh cơ cấu rừng trồng cho phù hợp, ổn định khoảng 3,8 triệu ha rừng trồng sản xuất vào năm 2020, nâng cao chất lượng rừng để đạt sản lượng gỗ thương phẩm bằng 80% trữ lượng, trong đó có 40% là gỗ lớn. 

Chính phủ cũng cần xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ tập trung ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ để cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ cho các khu vực gần nhà máy và cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ tại địa phương và khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư giải pháp công nghệ để nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. 

Để đảm bảo uy tín cho sản phẩm gỗ, Nhà nước cũng cần kiểm soát một cách chặt chẽ nguồn gỗ chuyển tải từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, ngăn ngừa việc trốn thuế và lẩn tránh xuất xứ. Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nên tập trung phát triển sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre và xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có hiệu quả đối với cả thị trường trong và ngoài nước.

Khổng Chiêm