Với khối lượng tháng 8 như trên, tính tổng 8 tháng đầu năm 2015, gạo xuất khẩu ước đạt 4,09 triệu tấn và 1,76 tỷ USD, giảm 8,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2015 đạt 429,07 USD/tấn, giảm 5,33% so với cùng kỳ năm 2014.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2015 với 35,21% thị phần. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 7,2% về khối lượng và giảm 12,46% về giá trị).
Đáng chú ý nhất là thị trường Malaysia có sự tăng trưởng đột biến trong 7 tháng đầu năm 2015, tăng 95,96% về khối lượng và tăng 74,22% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 8,71% thị phần.
Các thị trường có sự giảm đột biến trong 7 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipin (giảm 34,34% về khối lượng và giảm 38,58% về giá trị), Singapore (giảm 40,48% về khối lượng và giảm 36,84% về giá trị), và Hồng Kông (giảm 28,45% về khối lượng và giảm 34,49% về giá trị).
Tại thị trường nội địa, lúa gạo các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa sôi động trở lại do hoạt động xuất khẩu gạo chậm chạp. Tuy nhiên, giá lúa Hè Thu tại một số tỉnh ở vựa lúa ĐBSCL trong 20 ngày đầu tháng 8/2015 đã tăng nhẹ do giá cám gạo đột ngột tăng lên.
Hiện lúa Hè Thu đã thu hoạch được hơn 50% diện tích, tại các tỉnh miền Tây, nông dân đang bán lúa với giá có lãi và chưa có dấu hiệu tồn đọng.
Theo một số doanh nghiệp, nguyên nhân là do thời gian gần đây tình hình xuất khẩu gạo chậm lại, lượng gạo lứt được doanh nghiệp sử dụng chế biến phục vụ xuất khẩu cũng giảm, dẫn đến nguồn nguyên liệu (cám gạo) về chậm đẩy giá tăng lên.
Bên cạnh đó, giá lúa Hè Thu tăng còn có nguyên nhân tại một số nơi được cho là vẫn còn diện tích chưa thu hoạch xong và chất lượng gạo ở khu vực ĐBSCL cũng tăng lên đáng kể.
Kiều Linh