Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP: Tổng hợp kiến nghị, đề xuất từ thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàngThực thi RCEP: Doanh nghiệp cần làm gì để có “hệ miễn dịch” tốt?
Mở cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD và dự báo đạt trên 55 tỷ USD vào năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,78% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Khẳng định hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương đem lại cho ngành nông nghiệp nói chung và xuất khẩu nông lâm thủy sản nói chung, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định, với việc tham gia 15 FTA với các đối tác lớn của khu vực và thế giới, chưa lúc nào doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nói riêng đứng trước sân chơi lớn với nhiều cơ hội cả về thương mại và đầu tư như hiện nay.
Riêng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là FTA gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand. Đây là FTA được đánh giá lớn nhất thế giới với quy mô GDP 26,2 nghìn tỷ USD, khoảng 30% GDP toàn cầu, dân số 2,3 tỷ người (khoảng 30% dân số thế giới).
RCEP cũng là thị trường chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông thủy sản của Việt Nam. Tham gia RCEP, các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. “RCEP được đánh giá không có đột phá về cắt giảm thuế nhập khẩu nhưng quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ các đối tác. Với người sản xuất, RCEP đem đến cơ hội nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đa dạng về nguồn cung ứng và chất lượng với giá thành rẻ hơn như máy móc thiết bị, vật tư, phân bón…”, ông Phùng Đức Tiến cho biết.
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, quan trọng hơn đó là doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu với những cam kết mạnh mẽ hơn về đầu tư và dịch vụ.
Nâng cao năng lực hội nhập cho nông dân, doanh nghiệp
Bên cạnh cơ hội, kèm theo đó là cả những thách thức. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, việc này đến từ nội tại ngành nông nghiệp cũng như từ chính thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn yếu so với các quốc gia thành viên; sản phẩm nông sản chế biến chưa đủ hàm lượng giá trị gia tăng đáp ứng với quy định của các thị trường; sản phẩm nông sản có tính tương đồng với các quốc gia khác trong khu vực… Trong khi đó, các nước thành viên gia tăng hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật kèm theo đó là những khó khăn trong đàm phán mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản. Tại thị trường trong nước, nông sản Việt cũng sẽ phải cạnh tranh với nông sản từ các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam.
“Thị trường Australia đưa ra các quy định về kiểm dịch động thực vật; truy xuất nguồn gốc; dán nhãn; sinh vật ngoại lai… trong khi đó tại thị trường Nhật Bản cũng đưa ra các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, hàm lượng các chất trong sản phẩm; chỉ tiêu vi sinh; dán nhãn; truy xuất nguồn gốc”, ông Nguyễn Quốc Toản dẫn chứng.
Đối với mặt hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, khác với các hiệp định thương mại khác như EVFTA, các mặt hàng rau quả khi xuất khẩu hay nhập khẩu giữa các nước thành viên trong Hiệp định RCEP với nhau đều phải có quota hoặc thông qua Nghị định thư được ký kết trước. Như đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta chỉ được phép xuất khẩu chính ngạch 10 mặt hàng rau quả gồm: thanh long, xoài, mít, chôm chôm, vải, măng cụt, dưa hấu, chuối, nhãn, thạch đen và mới đây là sầu riêng và chanh leo. Các mặt hàng rau quả khác đang phải trải qua đàm phán mới được phép xuất khẩu như khoai lang, chanh, bưởi, bơ…
Trung Quốc là một trong số các thị trường trong khối RCEP, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đang đối diện với rất nhiều khó khăn với nước này đang thực hiện chính sách kiểm tra “zero Covid” một cách vô cùng nghiêm ngặt. Đối với vận tải đường biển, bên cạnh việc phải đối diện với tình trạng kiểm soát Covid-19 vô cùng khó khăn tại các cảng biển của Trung Quốc, doanh nghiệp còn đối diện với tình trạng thiếu hụt container lạnh nghiêm trọng. “Thủ tục nhiều hơn trước làm mất nhiều thời gian hàng chờ đợi. Có những container hàng rau quả đi tàu mất 7-10 ngày sau đó chờ kiểm dịch tới 30 ngày chưa lấy được ra. Hàng hóa bị hư hại nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Nguyên, chính sách và quy định hải quan, kiểm dịch của phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi nhiều lần trong năm bởi nhiều yếu tố cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Vì vậy, cơ quan thẩm quyền phía Việt Nam cần cập nhật kịp thời và có hướng dẫn nhanh chóng để doanh nghiệp có thể nắm bắt.
Đưa ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang các thị trường RCEP, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, việc nâng cao năng lực hội nhập cho nông dân, doanh nghiệp là việc hết sức cần thiết. Theo đó, cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp về tác động của Hiệp định RCEP. Phổ biến đến cấp cơ sở (huyện, xã) các quy định kỹ thuật, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông lâm thủy sản của thị trường các nước thành viên RCEP. Xây dựng, hài hòa các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường khu vực này. Đồng thời, đàm phán, mở cửa thị trường, cũng như xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại cho nông sản Việt Nam sang thị trường khu vực RCEP.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, giấy phép, chứng từ hải quan, chứng nhận xuất xứ, cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử cho các sản phẩm nông sản đối với thị trường khu vực RCEP. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản thương mại, các biện pháp kỹ thuật SPS, TBT áp dụng đối với nông sản Việt. Xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính, nguồn vốn cho ngành sản xuất nông sản xuất khẩu, cũng như tháo gỡ về hạ tầng logistics.
Về phía các doanh nghiệp, hiệp hội cần tổ chức tốt khâu liên kết sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, cập nhật thông tin thị trường…
Nguyễn Hạnh

Nguồn: Nguyễn Hạnh/congthuong.vn