Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được ví như con đường cao tốc hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu thế giới, nhưng để doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng tốc trên con đường này thì hệ thống pháp luật, thể chế trong nước là điều kiện đủ không thể không nhắc tới.
Kỳ vọng mang tới cú hích cho nền kinh tế
EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với cam kết sâu rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống, được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội lớn đối với kinh tế và xã hội Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gây ra những tác động nặng nề.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, EU là thị trường có dung lượng lớn và đầy tiềm năng với gần 500 triệu dân và GDP khoảng 16.000 tỷ USD; đồng thời, cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Việc tiếp cận, thâm nhập thành công thị trường EU đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội mở rộng hợp tác giao thương cùng lúc với 27 quốc gia thành viên, góp phần giải quyết bài toán đầu ra về mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc vào một số thị trường nhất định, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng tạo cú huých tăng trưởng kinh tế nước ta, với mức dự báo lên tới 2,18 - 3,25% vào năm 2025 (giai đoạn 5 năm đầu thực hiện); kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 42,7%, trong đó, các ngành hàng quan trọng như gạo, may mặc, da giày có mức tăng xuất khẩu lên tới 65%, 81% và 99% trong cùng giai đoạn.
Dệt may là một trong những ngành có nhiều cơ hội ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Ảnh: TTXVN.
Hoàn thiện thể chế để tăng hiệu quả
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), khi Hiệp định EVFTA đã hoàn tất quá trình phê chuẩn và chính thức có hiệu lực tại Việt Nam và EU, các Bộ, ngành đã gấp rút thực hiện quá trình rà soát hệ thống pháp luật trong nước hiện hành và tiến hành xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tạo điều kiện thực thi đầy đủ, hiệu quả các cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA và hiện thực hóa các lợi ích được kỳ vọng từ Hiệp định. Trong đó, một số văn bản pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành theo trình tự rút gọn để kịp thời có hiệu lực ngay khi Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi.
Đối với Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 - 2022, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng dự thảo Nghị định và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến và thông tin rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân. Dự thảo Nghị định bao gồm 7 Điều và 3 Phụ lục đính kèm, bao gồm Phụ lục về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 – 2022 và Danh sách lãnh thổ thành viên EU.
Vụ Chính sách thương mại và đa biên cho rằng, việc ban hành Nghị định là cần thiết để thực thi cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016.
Ngoài ra, đối với Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA, ngay sau khi EVFTA được ký kết vào ngày 30/6/2019, Bộ Công Thương đã tiến hành việc dự thảo Thông tư, cũng như lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan.
Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/ 2020 quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Đây là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA.
Trong khuôn khổ EVFTA, tại Chương 2, Phụ lục 2-A, EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam đối với lượng hạn ngạch gạo là 80.000 tấn/năm, trong đó, gạo thơm đã xay xát với lượng hạn ngạch là 30.000 tấn/năm. Các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được quy định rõ trong Hiệp định.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam, Bộ Công Thương đã phối hợp với EU trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý hạn ngạch thuế quan của EU cho các loại gạo này.
Bộ NN&PTNT đang phối hợp sát sao với Bộ Công Thương để xây dựng Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký giấy chứng nhận chủng loại gạo, với chủ trương xây dựng cơ chế linh hoạt, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể tận dụng được ngay các ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), thể chế nào thì doanh nghiệp đó, chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung thành công, suy cho cùng, phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước song hành với những nỗ lực nâng cấp về quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu nói riêng nếu hướng đến thị trường châu Âu, cần phải trang bị cho mình một lượng kiến thức căn bản về quản trị, quản lý và thị trường, mà trước mắt là các quy định tại EVFTA.