Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã chia sẻ với báo chí trước thềm Hiệp định RCEP có hiệu lực từ đầu năm 2022.
Thưa ông, Hiệp định RCEP thực thi vào thời điểm này có ý nghĩa như nào trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay?
Hiệp định RCEP là một trong những ưu tiên hội nhập của ASEAN.
Đây là Hiệp định đầu tiên mà ASEAN đóng vai trò trung tâm dẫn dắt những mối quan hệ hợp tác kinh tế trong khu vực. Trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, ASEAN đã xác định hai trọng tâm chính. Một là trong nội khối phải thúc đẩy và có những sáng kiến để bỏ những rào cản có thể ngăn cản thương mại nội khối và giúp các nước có thể vượt qua khó khăn của đại dịch. Hai là về mặt hợp tác với các nước đối tác, mục tiêu được đặt lên hàng đầu đó là đưa RCEP kết thúc đàm phán và đưa vào thực thi.
RCEP thực thi từ 1/1/2022: Nhân tố góp phần phục hồi kinh tế
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)
Với vai trò là Chủ tịch của ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy và kết thúc đàm phán Hiệp định trong năm 2021. Đến năm 2022, Việt Nam tiếp tục phối hợp với nước chủ nhà Brunei cùng các nước thành viên đã hoàn thành quá trình phê chuẩn để có thể đưa hiệp định thực thi từ đầu năm 2022.
Đây cũng là thời điểm mà đúng như dự tính của ASEAN - thời điểm kinh tế thế giới có khả năng phục hồi. Vì vậy, với việc hiệp định lớn như RCEP được đưa vào thực thi với quy mô dân số và thương mại, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đều hy vọng đây sẽ là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế trong bối cảnh hậu Covid-19.
Theo ông, Việt Nam sẽ hưởng những lợi ích gì từ RCEP và những thách thức trong thời gian tới?
RCEP không phải là một hiệp định thương mại tự do mới toàn bộ, mà là một hiệp định hài hòa hóa những hiệp định ASEAN đã có với 5 nước đối tác. Vì vậy, đối với Việt Nam cũng như các nước ASEAN, đây là cách chúng ta đa phương hóa các mối quan hệ hiện đã có. Đặc biệt, những mối quan hệ trước đây chưa mang tính chất chính thức, thì với hiệp định này sẽ được đưa vào một khuôn khổ dựa trên những “luật chơi” được quốc tế công nhận, từ đó tạo khuôn khổ rộng mà các nước sẽ tuân thủ theo những quy tắc chung đó. Đây chính là một xu hướng mà chúng ta cùng theo đuổi trong quan hệ với các nước láng giềng.
Về thương mại và đầu tư, các đối tác trong khối RCEP chiếm khoảng gần 60%. Rõ ràng đây là một khu vực hết sức quan trọng, vì vậy nếu để thương mại xé lẻ với từng đối tác hoặc là không có khuôn khổ với những tiêu chuẩn hiện đại hiện nay, điều tiết những mối quan hệ đó thì sẽ chủ yếu dựa vào quan hệ song phương. Khi có RCEP – hiệp định mang tính đa phương với những quy tắc rõ ràng và có sự tham gia của nhiều nước, chúng ta hy vọng sẽ tạo được môi trường ổn định hơn để phát triển.
Đơn cử như vừa qua chúng ta nhìn thấy rõ ràng những quan hệ thương mại với những đối tác láng giềng, nếu như không dựa trên những nguyên tắc mang tính ổn định, lâu dài và thương mại mang tính chính thức thì sẽ có nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng.
Hay quy định về kiểm dịch động thực vật, nếu như không có một quy tắc của nó thì một nước có thể đơn phương áp dụng quy tắc đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng nông sản của đối tác xuất khẩu. Tuy nhiên, với quy tắc chung của Hiệp định RCEP được thừa nhận từ 15 nước, thì những tiêu chuẩn đó mang tính ổn định hơn nhiều.
Với cách nhìn nhận như vậy, chúng ta hy vọng lợi ích không phải chỉ là trực tiếp từ mở cửa thị trường cao hơn, mà còn là thị trường ổn định, dễ dự báo hơn và doanh nghiệp có thể chuyển dần hướng từ xuất khẩu không chính thức như trước đây sang hệ thống chính thức cao hơn. Đây chính là mục tiêu lâu dài mà các nước tham gia hiệp định hướng tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, cũng phải nhìn nhận thực tế, các nước tham gia RCEP là những thị trường truyền thống của Việt Nam – những thị trường có tỷ lệ nhập siêu lớn nhất. Nhập siêu này thì nó có thể có nhiều nguyên nhân, như với Hàn Quốc, do có quan hệ đầu tư rất lớn nên phần nhiều là nhập nguyên vật liệu, máy móc, vì vậy nhập siêu có khi đóng góp cho quá trình phát triển của Việt Nam. Nhưng, nếu lượng nhập siêu quá lớn và mang tính lâu dài thì cũng có thể có rủi ro nhất định. Các thị trường này đã tham gia thêm một hiệp định thương mại tự do thì cũng có những rủi ro trong việc điều hành kinh tế vĩ mô để đảm bảo nhập siêu đó không ổn định.
Mặc dù vậy, chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng thị trường ở các nước trong khu vực. Đây là những thị trường mà trước đến nay khả năng cạnh tranh có những giới hạn nhất định, vì vậy, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh để vượt qua được khó khăn này.
RCEP thực thi từ 1/1/2022: Nhân tố góp phần phục hồi kinh tế
Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn mặt hàng nào có hưởng lợi từ hiệp định này?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành nghiên cứu mang tính toàn diện, xác định những lĩnh vực mà Việt Nam có thể hưởng lợi. Đơn cử như ngành thuỷ sản có tiềm năng phát triển trong thời gian tới, bởi khu vực này có thị trường tiêu thụ rất lớn. Thực tế, thời gian qua, có những biện pháp song phương ảnh hưởng đến vấn đề về kiểm dịch và người ta nghi trên sản phẩm thủy sản đông lạnh vẫn có thể tồn tại virus như Covid-19. Rõ ràng, với một hiệp định tiêu chuẩn mở cửa thị trường cao hơn, kèm theo những nguyên tắc chung và từ đó, các nước phải áp dụng những quy định của quốc tế như quy định của Tổ chức Y tế Thế giới về việc virus có tồn tại trên những sản phẩm đó hay không, thì việc khả năng đấu tranh bảo vệ lợi ích của chúng ta sẽ cao hơn so với thời gian trước đây khi chưa có hiệp định. Ngoài ra, trong nghiên cứu của Việt Nam cũng đã có phân tích kỹ đối với từng nhóm ngành hàng.
Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã có những chuẩn bị như thế nào giúp doanh nghiệp tiếp cận cơ hội, tận dụng lợi ích từ RCEP, thưa ông?
Các bộ, ngành đã bắt tay xây dựng những ý tưởng ban đầu về kế hoạch thực thi Hiệp định RCEP từ rất sớm. Hiện nay, Bộ Công Thương đã tổng hợp và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, chờ khi hiệp định có hiệu lực có thể ban hành chương trình hành động này ngay. Với hành động này, đầu tiên sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho những đối tượng mà có thể chịu tác động từ hiệp định này, phải biết nắm được quy tắc, luật chơi chung đó. Thứ hai, có những điều chỉnh về pháp luật, hệ thống chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đều có thể đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh trong bối cảnh mới này. Thứ ba, có những biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và thu nhận những thông tin từ quá trình kinh doanh để có thể tham gia hiệu quả vào những cơ chế hợp tác trong hiệp định RCEP. Trong hiệp định này đều có những Ủy ban chính thức, vì vậy, nếu có vấn đề vướng mắc như biện pháp kiểm dịch thực vật gặp khó khăn, thì trong cơ chế của hiệp định này, chúng ta có thể nêu vấn đề và đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, cần phải thông tin rất nhanh từ cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từ những bộ, ngầnh phối hợp chặt chẽ với nhau và đặc biệt cần có những lập luận rõ ràng.
Tất cả những nội dung đó đều đã có trong dự thảo kế hoạch để thực thi Hiệp định RCEP và chúng tôi hy vọng, các bộ, ngành đã đề ra những định hướng sẽ sớm triển khai để góp sức hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng thành công hiệp định này trong thời gian tới.
Ông có khuyến cáo cụ thể nào cho doanh nghiệp Việt Nam khi hiệp định có hiệu lực?
Thực ra có nhiều ngành kinh doanh khác nhau, nên rất khó để có lời khuyên cụ thể cho các doanh nghiệp. Về cơ bản hiệp định RCEP tạo môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng trong môi trường cạnh tranh đó. Ngoài ra, với các thị trường này, trước đây, chúng ta chưa mang tính chủ động cao, thường chờ khách hàng đến, thì nay với khuôn khổ mang tính dài hạn, để tận dụng được thành công từ Hiệp định RCEP thì tính chủ động của chúng ta nó càng phải cao hơn nhiều.
Tính chủ động đây không phải là chỉ từ cộng đồng doanh nghiệp mà cả cơ quan nhà nước phải hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp có thể tận dụng được. Chỉ có sự tích cực và chủ động hơn, thì chúng ta mới có thể khai thác hiệu quả được những thị trường tiềm năng rất lớn như vậy.
Xin cám ơn ông!  
 

Nguồn: Thu Phương - Bùi Hùng/https://congthuong.vn/