Trong bản tóm tắt về TPP do Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) công bố tại website ustr.gov, có một chi tiết đáng chú ý về quản lý hải quan và thuận lợi hóa thương mại. Đó là, “vì tầm quan trọng của chuyển phát nhanh đối các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nước TPP đã nhất trí về các quy định hải quan đối với chuyển phát nhanh.”
Chia sẻ với TBKTSG Online hôm nay, 6-10, ông Âu Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Giám sát và Quản lý về Hải quan thuộc Tổng cục Hải quan, cho biết các đàm phán về Hải quan trong TPP đã kết thúc từ khá lâu và các bên đã thống nhất nhiều quy tắc.
Riêng về hàng hóa chuyển phát nhanh thì các điểm nổi bật được thống nhất là doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ được khai, nộp tờ khai trước khi hàng hóa đến và cơ quan hải quan có thể thông quan ở thời điểm này. Thời gian thông quan được rút ngắn còn 6 giờ sau khi doanh nghiệp nộp các tài liệu liên quan và hàng đã về đến sân bay, trừ những trường hợp nghi vấn.
Đặc biệt, trị giá hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng sẽ là 200 đô la Mỹ (trên 4 triệu đồng).
So với hiện hành, những quy định này có sự thay đổi khá lớn. Hiện tại, doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát nhanh phải mất từ 2-3 ngày để thực hiện các công tác liên quan như kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra văn hóa… trước khi thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, giá trị hàng được miễn thuế chỉ là dưới 1 triệu đồng.
Cũng theo bản tóm tắt TPP về quản lý hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các bên đã đồng ý các quy tắc để nâng cao tính minh bạch trong các thủ tục và bảo đảm tính chính trực trong quản lý. Cụ thể, đó là sẽ công bố các luật và quy định về hải quan; về giải phóng hàng hóa không chậm trễ và ký quỹ hoặc thanh toán bắt buộc trong trường hợp hải quan chưa đưa ra quyết định về số thuế hoặc phí phải trả.
Bên cạnh đó, các nước TPP nhất trí áp dụng cơ chế xác định trước mã số và trị giá hàng hóa nhằm giảm thời gian thông quan, tránh tình trạng khiếu nại, tranh chấp hai bên và giúp cho doanh nghiệp có khả năng dự báo trước được tình hình. Cụ thể, trong vòng 150 ngày sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu xác định trước từ doanh nghiệp, cơ quan hải quan phải ra phán quyết và phán quyết này có giá trị, hiệu lực ít nhất ba năm, trừ trường hợp pháp luật thay đổi và doanh nghiệp khai báo sai. Hết ba năm, doanh nghiệp có thể được gia hạn hoặc có văn bản xác định trước.
Ngoài ra, TPP áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ và xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ và chịu trách nhiệm. Cơ quan hải quan nước nhập khẩu căn cứ khai báo của doanh nghiệp, bộ chứng từ lô hàng để xác định xuất xứ hàng hóa và xem xét áp dụng thuế suất ưu đãi đối với hàng hóa.
Thêm vào đó, theo bản tóm tắt về TPP, để chống buôn lậu và trốn thuế, các nước TPP nhất trí cung cấp thông tin khi được yêu cầu nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực thi luật hải quan.
Về phía Việt Nam, trong thời gian qua, các quy định về hải quan đã được điều chỉnh để phù hợp với những thay đổi khi thực hiện cam kết trong TPP. Rõ nét nhất là Luật Hải quan 2014 đã bổ sung những điểm mới như cơ chế xác định trước về mã số, trị giá hàng hóa; về doanh nghiệp ưu tiên…
Theo Minh Tâm
TBKTSG