4 nhom hang xuat khau chuc ty do

Biểu đồ: T.Bình.
Nhóm hàng lần đầu tiên góp mặt (sau 6 tháng đầu năm) là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng với trị giá 10,42 tỷ USD, tăng 26,5% (tương đương 2,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Việt Nam trong 6 tháng từ đầu năm chủ yếu: Mỹ với 2,93 tỷ USD, tăng mạnh 73,5%; EU đạt 1,33 tỷ USD, tăng 29,7%; Nhật Bản với 809 triệu USD tăng 6%; Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 27,4%...
Trong khi đó, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất vẫn là điện thoại các loại và linh kiện với kim ngach đạt 21,95 tỷ USD, nhưng giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.
6 tháng đầu năm xuất khẩu nhóm hàng này sang EU đạt 4,92 tỷ USD, tăng 22,3%; sang thị trường Mỹ đạt trị gần 4 tỷ USD, tăng 5,2%; sang thị trường Trung Quốc đạt 3,73 tỷ USD, tăng mạnh gấp 2,4 lần; sang thị trường Hàn Quốc đạt 2,51 tỷ USD, tăng 6%...
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đứng vị trí thứ hai với kim ngạch đạt 19,47 tỷ USD tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đạt 5,41 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Mỹ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 1,9 lần; EU đạt 2,55 tỷ USD, tăng 5,8%...
Dệt may là nhóm hàng xuất khẩu với kim ngạch đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 6,19 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường chủ lực khác có thể kể đến như Nhật Bản với 1,64 tỷ USD, giảm 7%; thị trường EU đứng thứ ba với 1,6 tỷ USD, giảm 19,2%...
Như vậy, trong 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có sự đối lập rõ nét khi máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2019, trong khi 2 nhóm hàng còn lại sụt giảm.
Với kết quả hơn 65 tỷ USD, 4 nhóm hàng chủ lực chiếm đến 53% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 6 tháng đầu năm.

Nguồn: haiquanonline.com.vn