1. Tình hình sản xuất công nghiệp
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III tăng 4,57% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,61% (quý I giảm 0,49%, quý II tăng 0,6%). Mặc dù các ngành sản xuất đang bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, sản lượng và đơn hàng mới nhóm công nghiệp chế biến chế tạo đang tăng trở lại, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng nhìn chung ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 đóng góp 0,51 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 49,7 trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8, cho thấy các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, mặc dù mức suy giảm là nhỏ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 0,1% so với tháng 8 và tăng 5,1% so với cùng kỳ. Nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế nên tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp lần đầu tiên kể từ đầu năm đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%).
Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 6,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,8%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 5,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 3,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 3%. Riêng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đã có sự phục hồi tích cực kể từ tháng 8/2023 sau 7 tháng liên tiếp sụt giảm. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học từ tháng 01-9/2023 lần lượt tăng/giảm là: -1,1%; -3,2%; -11,4%; -3,6%; -6,5%; -0,5%; -2,4%; 4,1% và 7,5%.
Trong quý III/2023, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đã có những dấu hiệu khởi sắc khi chỉ số IIP tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 5,4%; quý II giảm 3,6%); tính chung 9 tháng năm 2023 giảm 2,2%.
Phân theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như : Bắc Giang tăng 17,8%; Phú Thọ tăng 16,1%; Nam Định tăng 14,1%; Kiên Giang tăng 13,2%; Hải Phòng tăng 13,2%; Hà Nam tăng 13%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Hậu Giang tăng 165,2%; Khánh Hòa tăng 115,2%; Thái Bình tăng 80%; Trà Vinh tăng 33,7%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm là Quảng Nam giảm 30,8%; Bắc Ninh giảm 13,9%; Vĩnh Long giảm 13,3%; Sóc Trăng giảm 6,6%; Lào Cai giảm 5,1%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm: Sơn La giảm 25,8%; Hà Giang giảm 19,8%; Quảng Nam giảm 19,7%; Lai Châu giảm 18,5%; Điện Biên giảm 17,5%; Lào Cai giảm 12,2%. Địa phương có ngành khai khoáng 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm: Vĩnh Long giảm 81,7%; Hà Giảng giảm 47%; Điện Biên giảm 8,4%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 37,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 18,6%; ti vi tăng 10,1%; thuốc lá điếu tăng 9,6%; sơn hóa học tăng 9,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,3%; thép cán tăng 7,1%; sữa tươi tăng 6,9%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 14,4%; điện thoại di động giảm 12,8%; xe máy giảm 8,4%; giày, dép da giảm 5,3%; xi măng giảm 4,3%; dầu thô khai thác giảm 3,7%; quần áo mặc thường giảm 3,6%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2023 tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,7%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2023 tăng 2,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,4% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,4%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3% (bình quân 9 tháng năm 2022 là 76,4%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,9% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành ngành chế biến, chế tạo tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,1% so với cùng thời điểm năm trước.
2) Tình hình sản xuất một số ngành công nghiệp trọng điểm
- Ngành điện tử: chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2023 của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng điện thoại di động tháng 9 năm 2023 ước đạt 20,2 triệu cái, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng ti vi ước đạt 975,1 nghìn cái, tăng 5,7%; sản lượng linh kiện điện thoại ước đạt 61,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9%. Tính chung 9 tháng, sản lượng điện thoại di động đạt 143,6 triệu cái, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng ti vi đạt 8894 nghìn cái, tăng 10,1%; sản lượng linh kiện điện thoại đạt 404,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1%.
- Ngành sản xuất Máy nông nghiệp và Máy công cụ: Theo số liệu báo cáo của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM), trong tháng 9 năm 2023, sản xuất động cơ đốt trong các loại đạt 600 cái; máy xay xát lúa gạo đạt 200 cái; bơm nước các loại đạt 118 cái; vòng bi đạt 0,9 triệu vòng; hộp số các loại đạt 1.215 hộp; ru lô cao su xay xát đạt 3.000 cặp; phụ tùng máy động lực đạt 18,1 tỷ đồng; phụ tùng xe máy đạt 115,4 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng năm 2023, sản xuất động cơ đốt trong các loại đạt 3.462 cái; máy kéo, xe vận chuyển đạt 214 cái; máy xay xát lúa gạo đạt 438 cái; bơm nước các loại đạt 588 cái; vòng bi đạt 8,6 triệu vòng; hộp số các loại đạt 14.727 hộp; ru lô cao su xay xát đạt 61.875 cặp; phụ tùng máy động lực đạt 228,6 tỷ đồng; phụ tùng xe máy đạt 1.126 tỷ đồng.
- Ngành sản xuất lắp ráp ô tô: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2023 của ngành sản xuất xe có động cơ tăng 5,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất xe có động cơ giảm 5,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng ô tô tháng 9 năm 2023 ước đạt 27,6 nghìn chiếc, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng xe máy ước đạt 257,6 nghìn chiếc, giảm 17%. Tính chung 9 tháng, sản lượng ô tô ước đạt 238,3 nghìn chiếc, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng xe máy ước đạt 2301,5 nghìn chiếc, giảm 8,4%.
- Ngành Dệt may và da giầy: Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 25,5 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu giầy dép các loại ước đạt 14,86 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2022.
- Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT): Xuất khẩu các mặt hàng linh kiện và phụ tùng vẫn chủ yếu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); các tập đoàn đa quốc gia đang đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt là các tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản… trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. đồng thời, liên kết giữa doanh nghiệp FDI/tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo. Phần lớn là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực còn hạn chế. Dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với sản phẩm CNHT; thiếu các doanh nghiệp dẫn đầu tầm cỡ khu vực và quốc tế nhằm đóng vai trò dẫn dắt nhằm tạo hệ sinh thái phát triển bền vững; Các doanh nghiệp thiếu nguồn lực và công nghệ để đổi mới, nâng cao nâng lực sản xuất và áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch và thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp.
Mức suy giảm về chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có xu hướng ngày càng thu hẹp, cho thấy những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu đối với các sản phẩm của ngành. Trong 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (8 tháng giảm 3,9%; 7 tháng giảm 4,3%; 6 tháng giảm 4,6%). Trong 9 tháng, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%). Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt đang nỗ lực hồi phục sau dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 9 tháng ước đạt 41,19 tỷ USD, giảm nhẹ 1,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.
- Ngành Rượu - Bia - Nước giải khát: Tình hình sản xuất và tiêu thụ bia trong tháng 9 năm 2023 có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng sản xuất bia tăng mạnh, ước đạt 369,2 triệu lít, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, sản lượng bia các loại đạt 3.405 triệu lít, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ngành bia vẫn đang đối mặt với những khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào (malt, đường) vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành.
- Ngành Thuốc lá: Sản lượng sản xuất thuốc lá bao các loại trong tháng 9 năm 2023 ước đạt 578 triệu bao, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, sản lượng sản xuất thuốc lá ước đạt 5058 triệu bao, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, ngành thuốc lá vẫn đang đối mặt với khó khăn do giá nguyên liệu thuốc lá tăng cao.
- Ngành Sữa: Sản lượng sản xuất sữa sữa bột tháng 9 ước đạt 13,0 nghìn tấn, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, sản lượng sữa bột đạt 96,8 nghìn tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, giá sữa nguyên liệu, đường nhập khẩu phục vụ cho việc sản xuất vẫn ở mức cao, trong khi sữa tươi nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 42% nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất, chế biến. Cùng với đó, thức ăn chăn nuôi và giá cước vận chuyển tăng phi mã đã góp phần đẩy chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành sữa được đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển do hiện mức sử dụng sữa bình quân theo đầu người của Việt Nam đạt khoảng 26-28 lít/năm, còn ở mức thấp so với khu vực và thế giới.
Dự báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro…, Trong đó, trong nước, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước…
Trước những khó khăn, thách thức trên, trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng.