Các nhà kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới đang đổ xô đầu tư hàng tỷ đô la vào các dự án năng lượng tái tạo trong 5 năm tới, sẵn sàng chuẩn bị cho sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu năng lượng của thế giới.
Marco Dunand, giám đốc điều hành của sàn giao dịch hàng hóa Mercuria ở Thụy Sĩ cho biết công ty ông đang đầu tư 1,5 tỷ USD vào các dự án ở Bắc Mỹ với các đối tác cổ phần tư nhân.
"Nếu bạn muốn tồn tại trong thời gian 10 năm và không muốn sử dụng năng lượng tái tạo thì tôi nghĩ sẽ rất khó khăn", ông Dunand nói tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về hàng hóa của Financial Times. Ông nói: "Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu của hiệp định Paris" và gọi đây là" thách thức lớn nhất" của thế giới.
Các động thái này cho thấy cách các nhà kinh doanh vốn có mối quan hệ sâu sắc với thị trường dầu mỏ giờ đây muốn đóng một vai trò lớn hơn trong thị trường năng lượng tái tạo.
Ông Dunand nói: "Trong vòng 5 năm tới, chúng tôi sẽ dành khoảng 50% vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo."
Tuy nhiên, các nhà kinh doanh vẫn thận trọng và không cho rằng nhu cầu về dầu đã đạt đỉnh, mặc dù dự đoán từ các tập đoàn như BP cho rằng mức tiêu thụ đã gần chạm mức đỉnh, vì họ tin rằng các nền kinh tế đang phát triển sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu năng lượng tăng lên trong 10 năm tới. Điều đó đang khiến họ theo đuổi song song 2 con đường. Hoạt động kinh doanh dầu cốt lõi vẫn chiếm phần lớn doanh thu nhưng họ đang chuẩn bị cho một sự thay đổi nếu nhu cầu tăng trưởng dầu chững lại.
"Tôi không tin vào một tương lai không carbon; đó là một mục tiêu sẽ không thành công", ông Dunand nói, nhấn mạnh rằng 80% năng lượng trên thế giới là dựa trên nhiên liệu hóa thạch. "Chúng ta cần tìm kiếm một tương lai carbon thấp, không phải không carbon bởi vì bạn đang hướng tới một cái gì đó không thể đạt được."
Russell Hardy, giám đốc điều hành của Vitol, cho biết công ty đã có khoảng 500 megawatt đầu tư vào năng lượng tái tạo đang hoạt động hoặc chuẩn bị đưa vào mạng lưới điện. Ông cho biết có thể sẽ đầu tư nhiều hơn các đường dây truyền tải năng lượng tái tạo trong các năm tới.
Vào cuối tuần, Trafigura đã tiết lộ kế hoạch xây dựng hoặc mua 2 gigawatt của các dự án lưu trữ năng lượng mặt trời, gió và điện trong vài năm tới. Công ty dự kiến sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ đô la vào năm 2025 với sự hợp tác của một nhà đầu tư cơ sở hạ tầng lớn.
Mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà kinh doanh đối với năng lượng tái tạo đồng nghĩa có ít cơ hội hơn cho thị trường dầu mỏ. Đại dịch đã tạo ra những biến động mạnh về giá cả khi nhu cầu giảm xuống. Dunand dự đoán dầu sẽ có giá khoảng 45 USD/thùng vào cuối năm.
Jeremy Weir, giám đốc điều hành của Trafigura, người cũng phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, cho biết ông không nhìn thấy bất kì tiềm năng nào để giá dầu tăng mạnh trong 6 tháng tới. Về năng lượng tái tạo, Trafigura mong muốn là xây dựng một "trụ cột thứ ba" để sát cánh cùng các mảng cốt lõi là dầu và kim loại.
"Thông thường, có rất nhiều cạnh tranh đối với năng lượng tái tạo và mảng này mang về lợi nhuận thấp hơn so với các khoản đầu tư khác. Nhưng chúng tôi cảm thấy thoải mái với khoản lợi nhuận đó", ông nói.