Ngày 3/6/2021, giá than cốc – dùng trong luyện kim – tại Trung Quốc có lúc tăng tới 6%, lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần, do lo ngại nguồn cung than giảm trong khi nhu cầu từ các nhà máy thép hồi phục trở lại.
Giá than cốc kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) kết thúc phiên giao dịch ở mức tăng 4,5% so với phiên liền trước, lên 2.695 CNY (421,65 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 13/5, sau khi có lúc đạt 2.733 CNY. Than luyện cốc phiên này cũng tăng 0,8% lên 1.879 CNY/tấn.

Tuần trước, thị trường nội địa Trung Quốc chứng kiến giá than tăng do nhu cầu điện tăng cao trong bối cảnh thời tiết nắng nóng. Tính đến ngày 2 tháng 6 năm 2021, giá than nhiệt lượng (NAR) 5500 kcal/kg tại cảng Qinhuangdao đã tăng lên 140 USD/tấn.

Nhu cầu điện tăng mạnh trong giai đoạn mùa hè ở các nước châu Á - Thái Bình Dương đã thúc đẩy giá than ở Nam Phi lên 110 USD/tấn.
Giá than nhiệt trung bình hàng tháng tại các cơ sở vận hành ở New South Wales đã tăng 78% kể từ tháng 9 năm 2020.
Trong khi đó, nhu cầu về than nhiệt cao cấp hơn (trên 6000kcal/kg) từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang rất cao và loại than này đang được bán cho Nhật Bản và Đài Loan với mức giá trên 100 USD/tấn.

Ngoài than nhiệt, giá than luyện kim của Australia cũng đã tăng lên 161 USD/tấn, từ mức 110 USD/tấn một tháng trước đây, trong khi giá quặng sắt đã tăng trở lại mức trên 200 USD/tấn do nhu cầu tăng.

Nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục giữ giá than 5900 GAR của Indonesia lên mức 96 USD/tấn.
Indonesia có kế hoạch giảm tỷ trọng than trong cơ cấu năng lượng của đất nước xuống 30% vào năm 2025 và tăng gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 11,2% vào năm 2020 lên 23% vào năm 2025. Nước này cũng có kế hoạch tạm ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, để giảm lượng khí thải CO2. Biện pháp này có thể hạn chế tiêu thụ than trên thị trường nội địa Indonesia trong dài hạn.

Nguồn: VITIC/Reuters/thecoalhub