Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết xuất khẩu dầu của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 11/2022 đã giảm 430.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, xuống còn 1,4 triệu thùng/ngày.
Cụ thể, trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu, IEA cho hay khối lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga giảm 330.000 thùng/ngày xuống còn 500.000 thùng/ngày. Đây là lần đầu tiên con số này thấp hơn mức vận chuyển qua đường ống Druzhba là 590.000 thùng/ngày.
Do đó, tỷ trọng xuất khẩu dầu thô của Nga sang EU đã giảm xuống 28% trong tháng 11/2022 so với 31% trong tháng 10/2022 và từ 50% trước khi diễn ra cuộc xung đột với Ukraine hồi tháng 2/2022.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ đạt kỷ lục 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 11 vừa qua, còn xuất khẩu sang Trung Quốc, bao gồm cả đường biển và đường ống dẫn dầu, nhìn chung không thay đổi ở mức 1,9 triệu thùng/ngày.
Vào ngày 5/12, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga của EU và mức giá trần mà Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp đặt đối với xuất khẩu dầu thô đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng đã bắt đầu có hiệu lực, điều này dự kiến sẽ làm giảm sản lượng dầu của Nga.
Xuất khẩu dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba sang Đông Âu được miễn trừ khỏi lệnh cấm, nhưng IEA dự kiến nguồn cung sẽ tiếp tục giảm buộc Nga phải ngừng sản xuất thêm.
Theo IEA, khoảng 100.000 thùng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga cũng không nằm trong lệnh cấm của EU. Liên minh này đang tìm cách bù đắp sự sụt giảm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng cách tăng nguồn cung từ Trung Đông, Tây Phi, Na Uy, Brazil và Guyana.
Trong báo cáo trước đó được công bố tháng 11/2022, IEA ước tính rằng Mỹ và Kazakhstan có thể giúp thay thế khoảng 1,1 triệu thùng dầu/ngày của Nga sang châu Âu sẽ bị mất sau ngày 5/12.
Na Uy cũng có kế hoạch tăng sản lượng từ mỏ dầu lớn nhất Tây Âu, Johan Sverdrup, vào tháng 12 này.
Tuy nhiên, một phần dầu của Nga sẽ tiếp tục chảy vào EU thông qua các đường ống dẫn vì lệnh cấm loại trừ một số nhà máy lọc dầu không giáp biển ở Đông Âu.
Đức, Hà Lan và Ba Lan là những nhà nhập khẩu dầu hàng đầu của Nga ở châu Âu vào năm ngoái, nhưng tất cả đều có khả năng nhập khẩu dầu thô từ các nơi khác.
Sự phụ thuộc của EU vào Nga cũng được củng cố khi các công ty như Rosneft và Lukoil kiểm soát một số nhà máy lọc dầu lớn nhất của khối.
Tuy nhiên, Đức đã nắm quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu Schwedt thuộc sở hữu của Rosneft, nơi cung cấp khoảng 90% nhu cầu nhiên liệu của Berlin, trong khi nhà máy lọc dầu ISAB thuộc sở hữu của Lukoil ở Sicily có thể được bán vào cuối năm nay./.