Theo số liệu từ báo cáo giao thông Apple Mobility và các tính toán của hãng tin Bloomberg, mặc dù hoạt động tiêu thụ nhiên liệu có dấu hiệu tăng lên ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á cũng như ở Thái Lan, nhưng nhu cầu đang chậm lại ở Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và Malaysia.
Do đó, công ty tư vấn năng lượng FGE đánh giá triển vọng tiêu thụ năng lượng của khu vực này vẫn khá trái chiều.
* Đà phục hồi không đồng đều
Giá dầu thô toàn cầu đã kéo dài đà tăng với giá dầu Brent phá ngưỡng 75 USD/thùng trong tháng này, khi các nền kinh tế đẩy mạnh tốc độ mở cửa trở lại và các hoạt động giao thông gia tăng.
Tuy nhiên, các khu vực châu Âu và Mỹ là những nơi ghi nhận tốc độ phục hồi nhanh nhất với nhu cầu xăng tại Mỹ vừa đạt mức cao nhất trong năm nay.
Trong khi đó tại châu Á, một khu vực tiêu thụ dầu quan trọng, tình hình lại diễn biến đa chiều hơn.
Như ở Ấn Độ, các nguồn thạo tin thân cận với ba nhà bán lẻ lớn nhất của quốc gia này cho hay doanh số bán xăng và dầu diesel của quốc gia đã phục hồi trong nửa đầu tháng 6/2021 sau khi làn sóng COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế vào tháng Năm.
 Dữ liệu do Apple Mobility thống kê cũng cho thấy hoạt động sử dụng xe trung bình hàng ngày của Ấn Độ đã tăng 39,3 điểm phần trăm tính từ đầu tháng Sáu tới hiện tại so với cùng kỳ tháng trước.
Thái Lan cũng đảo ngược đà giảm của tháng Năm với hoạt động sử dụng xe tại đây tăng 12,9 điểm phần trăm vào cùng giai đoạn.
Nhưng ở những nơi khác như Đài Loan, Việt Nam và Malaysia, hoạt động sử dụng xe tiếp tục giảm so với tháng Năm do các hạn chế đi lại để chống dịch.
Ông Kendrick Wee, Giám đốc công ty nghiên cứu và phân tích thị trường IHS Markit, cho biết nhiều khả năng hoạt động giao thông ở Malaysia và Việt Nam, cũng như chỉ số nhà quản lý mua hàng – những chỉ dấu chính về tiêu thụ xăng và dầu của mỗi nước – đều sẽ giảm vào tháng Sáu. Cũng theo ông Wee, khả năng phục hồi nhu cầu nhiên liệu ở Việt Nam sẽ chỉ tới trong quý III/2021.
*Con đường nhiều gập ghềnh phía trước
Số liệu từ các kho dự trữ sản phẩm chưng cất nhẹ ở trung tâm phân phối của Singapore cho thấy tình trạng dư cung ngày càng tăng.
Cụ thể, lượng dự trữ bao gồm các nhiên liệu như naphtha và xăng đã đạt mức cao nhất trong chín tuần là 14,2 triệu thùng vào tuần trước.
Theo công ty tư vấn FGE, điều này một phần do hoạt động xuất khẩu nhiên liệu từ Singapore đến các khu vực khác của Đông Nam Á như Malaysia đều giảm.
Chuyên gia Wee của IHS cho biết các nhà máy lọc dầu có thể chậm hồi phục phần công suất được cho tạm nghỉ để bảo trì nhằm giảm bớt bất kỳ áp lực nào trên thị trường. Song điều này có thể dẫn tới sự tích lũy nguồn cung tiềm năng.
Ông Wee nói thêm rằng trong khi nhu cầu về xăng và dầu trong khu vực dự kiến sẽ tăng lên trong hai tháng tới khi các hạn chế về di chuyển được nới lỏng, hầu hết sự phục hồi đều xoay quanh các thị trường bên ngoài châu Á.
FGE đánh giá trong quý III/2021, nhu cầu xăng tại khu vực này sẽ phục hồi thêm khoảng 300.000 thùng/ngày so với quý II trước đó.
Công ty tư vấn này nhấn mạnh tới sự hỗ trợ từ việc các Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc nới lỏng những hạn chế phòng dịch, tạo điều kiện cho hoạt động đi lại gia tăng.
Điều đó có thể khiến cán cân xăng dầu của châu Á đảo ngược từ mức thặng dư hiện tại là 70.000 thùng/ngày thành thâm hụt trong giai đoạn tới.

Nguồn: H.Thủy (Theo Bloomberg)/BNEWSbnews.vn