Trung Quốc đã nhập khẩu 7,198 triệu tấn LNG trong tháng 12/2019, tăng gần 16% so với tháng 11/2019, trong khi Nhật Bản nhập khẩu 6,574 triệu tấn trong tháng trước, tăng gần 7% so với tháng liền trước.
Khối lượng nhập khẩu LNG của Trung Quốc cao hơn một chút so với của Nhật Bản lần đầu tiên trong tháng 11/2019, nhưng đã vượt nhiều khối lượng của Nhật Bản trong tháng 12/2019.
Cả hai quốc gia vẫn chưa công bố dữ liệu chính thức hàng tháng. Nhưng các nhà phân tích nói rằng sự đảo ngược này sẽ không kéo dài quá mùa đông.
Hiroshi Hashimoto, chuyên gia phân tích, giám đốc tổ chức khí đốt tại Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản cho biết “tôi cho rằng sự đảo ngược chủ yếu là do nhu cầu LNG tăng theo mùa từ Trung Quốc, nhưng xu hướng nhu cầu LNG suy yếu trong dài hạn ở Nhật Bản phản ánh năng lượng tái tạo ngày càng tăng và việc khởi động lại nhiều nhà máy điện hạt nhân”.
Wood Mackenzie cho biết trong khi Nhật Bản vẫn là nhà nhập khẩu LNG hàng đầu của thế giới theo khối lượng hàng năm, Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản sớm trong thập kỷ này.
Nhu cầu năng lượng của Nhật Bản đang giảm do dân số già và sự cạnh tranh từ các nguồn khác như năng lượng hạt nhân, trong khi nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng vì chính phủ thúc đẩy người dùng trong cư dân và công nghiệp chuyển từ điện và sưởi bằng than sang khí tự nhiên để giảm ô nhiễm.
Nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong tháng 12/2019 có thể tăng do sự xuất hiện của khối lượng mà người mua cam kết trước đó và khối lượng giao ngay mua vào đầu năm nay, thay vì tăng đột ngột trong nhu cầu nội địa.
Sự cạnh tranh từ than giá rẻ và dòng khí tăng từ Nga sang Trung Quốc qua đường ống mới “sức mạnh Siberia” cũng có thể làm chậm lại nhập khẩu LNG trong năm nay.
Miaoru Huang, một nhà quản lý tại Wood Mackenzie cho biết Trung Quốc sẽ dần dần vượt Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất, nhưng dòng khí đốt qua đường ống “sức mạnh Siberia” của Nga, khí đốt trong nước tăng nhanh hơn và nhu cầu khí chậm lại đã bổ sung sự không chắc chắn.

Nguồn: VITIC/Reuters