Giá dầu Brent giảm 1,19 USD/thùng tương đương 1,8% ở mức 63,38 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) giảm 1,34 USD/thùng tương đương 2,2% xuống 59,63 USD/thùng.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết, sự biến động của thị trường sẽ tiếp tục diễn ra. Ông cho biết: “Với sự biến động vào tuần trước, dầu Brent có vẻ sẽ xuống mức thấp hơn từ 60,00 đến 65,00 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) có khả năng giảm xuống mức thấp hơn từ 57,50 USD đến 62,50 USD/thùng trong phạm vi hàng tuần.
Thị trường đang nhận được một số hỗ trợ từ kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh sẽ duy trì mức sản lượng thấp hơn.
Trong tuần qua đến ngày 26/3, so sánh giá dầu Brent cuối tuần so với đầu tuần chỉ tăng 0,1%, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm nhẹ 0,7%, song trên thực tế giá dầu đã trải qua những phiên biến động rất mạnh.
Thị trường dầu mỏ tuần qua chịu tác động chủ yếu bởi hai yếu tố: Châu Âu tái phong tỏa để ngăn làn sóng Covid-19 thứ 3 gây lo ngại nhu cầu dầu mỏ sẽ sụt giảm, và con tàu Ever Given dài 400 mét, rộng 59 mét bị mắc kẹt và chắn ngang kênh đào Suez từ hôm 24/3, gây ách tắc ở cả 2 chiều.
Đáng chú ý, phiên 23/3, giá dầu giảm mạnh khoảng 6%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 9/2, do lo ngại việc Châu Âu tái phong tỏa chống Covid-19 và tiến trình triển khai tiêm chủng vắc xin chậm chạp có thể cản trở sự hồi phục về nhu cầu. Theo đó, dầu Brent giảm 3,83 USD (5,9%) xuống 60,79 USD/thùng, trong phiên có lúc giá chạm mức chỉ 60,5 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng giảm 3,8 USD (5,9%) xuống 57,76 USD/thùng, trong phiên có lúc giá chỉ 57,32 USD/thùng. Cả 2 loại dầu đều đã trở lại mức thấp nhất kể từ ngày 9/2.
Tuy nhiên, sự kiện kênh đào Suez bị tắc nghẽn đã khiến giá dầu đảo chiều tăng trở lại.
Phiên cuối tuần, 26/3, giá dầu tăng mạnh do lo ngại dòng chảy dầu thô và các sản phẩm dầu lọc trên toàn cầu có thể bị gián đoạn trong nhiều tuần khi những nỗ lực giải cứu con tàu khổng lồ mắc kẹt ở kênh đào Suez có thể phải kéo dài nhiều tuần. Sự hồi phục này diễn ra mạnh mẽ chỉ 1 ngày sau phiên giảm giá mạnh trước đó do lo ngại việc Châu Âu tái phong tỏa chống Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu mỏ trong tương lai.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 2,62 USD (4,2%) lên 67,57 USD/thùng, phiên liền trước giá giảm 3,8%; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,41 USD/thùng (4,1%) lên 60,97 USD/thùng, sau khi cũng giảm 4,3% ở phiên liền trước.
Như vậy, sau một tuần biến động rất mạnh, giá dầu Brent vẫn tăng 0,1% so với tuần trước, trong khi WTI giảm 0,7% và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Giá khí tự nhiên tại Châu Á tăng cao
Giá khí tự nhiên tại Châu Á tăng cao hơn trong bối cảnh kênh đào Suez bị tắc nghẽn. Giá khí tự nhiên (LNG) giao ngay tăng lên 6,80 USD/mmBTU trong tuần kết thúc ngày 26/3, tăng từ 6,50 USD của tuần trước, cao nhất trong một tháng.
Giá khí tự nhiên giao ngay tại New York đạt 6,93 USD/mmBTU vào ngày 26/3, tăng 7,9% so với một tuần trước đó.
Nỗ lực giải phóng con tàu container Ever Given mặc kẹt ở kênh đào từ thứ 3 tuần trước đã thành công vào ngày 28/3.
Chỉ có một phần nhỏ khối lượng khí tự nhiên xuất khẩu đến châu Á thông qua kênh đào Suez. Khối lượng khí tự nhiên hóa lỏng chính qua kênh đào là từ nhà xuất khẩu lớn Vùng vịnh là Qatar đến các khách hàng châu Âu.
Trong những năm gần đây Mỹ đã nổi lên là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn thứ ba cho các thị trường trên toàn cầu và đã thâm nhập vào khu vực tiêu thụ hàng đầu của Châu Á từ các bến xuất khẩu dọc theo bờ biển phía đông và ở vịnh Mexico.
Tổng cộng 16 tàu chở khí tự nhiên của Mỹ hiện đang trên đường đến châu Á, phần lớn đã sử dụng Kênh đào Panama để có thời gian ra khơi nhanh hơn đến Bắc Á, nơi có ba nhà mua khí tự nhiên lớn nhất thế giới là Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên.
Giá khí đốt tự nhiên trong ngày tại Anh đã tăng 9,6% trong tuần trước và kết thúc ở mức khoảng 6,40 USD/ mmBtu. Mặc dù thấp hơn giá LNG giao ngay ở Bắc Á, nhưng giá của Anh không bao gồm chi phí vận chuyển.

Nguồn: VITIC/Reuters