Theo dự thảo Thông tư về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mua bán nợ Việt Nam (DATC) của Bộ Tài chính, vốn điều lệ của DATC là 6.000 tỷ đồng.

DATC chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2014 dưới tên gọi Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng do Ngân sách Nhà nước cấp.

DATC hoạt động với mục tiêu xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất (gọi tắt là nợ và tài sản tồn đọng) góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước.

Theo dự thảo, DATC được mua các khoản nợ, tài sản mà chủ nợ, chủ tài sản có nhu cầu bán (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất, tài sản trên đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ, nợ nước ngoài, hối phiếu, trái phiếu, bao gồm cả hối phiếu, trái phiếu do chính DATC phát hành).

Hình thức mua nợ và tài sản là thỏa thuận trực tiếp với chủ nợ, chủ tài sản; Tham gia đấu thầu, đấu giá mua nợ và tài sản và Thực hiện mua theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Giá mua nợ, tài sản được xác định trên cơ sở khả năng thu hồi thực tế của các khoản nợ, tài sản khi thanh lý doanh nghiệp hoặc nhượng bán nợ, tài sản sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ có liên quan (kể cả chi phí thuê tư vấn định giá - nếu có); Có tính đến khả năng sinh lời khi thực hiện phương án cơ cấu chuyển đổi doanh nghiệp khách nợ thành công ty cổ phần có vốn góp của DATC thông qua chuyển nợ thành vốn góp.

Công ty được thỏa thuận với khách nợ và bên thứ ba để thực hiện nhận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ bên thứ ba trên nguyên tắc đồng thuận giữa ba bên và phải đảm bảo tạo thuận lợi hơn cho DATC trong việc thu hồi khoản nợ, trong đó giá trị khoản nợ được chuyển giao chưa xác định là doanh thu của DATC.

Việc chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp khách nợ được xác định là khoản đầu tư của DATC và thực hiện theo quy định tại Quy chế tài chính của DATC.

Việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ phải trên cơ sở phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo nguyên tắc thỏa thuận giữa DATC với chủ sở hữu doanh nghiệp, tạo điều kiện thực hiện tái cơ cấu, quản trị, giám sát doanh nghiệp và thoái vốn khi cần thiết.

Trong quá trình xử lý nợ, tùy từng trường hợp, DATC được xem xét, xử lý theo các hình thức là khoanh nợ, giãn nợ (gia hạn nợ) phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ trên cơ sở các điều kiện cụ thể về việc thu nợ và khả năng giám sát hoạt động kinh doanh của DATC đối với doanh nghiệp khách nợ, đảm bảo phương án mua nợ có hiệu quả.

DATC sẽ xóa nợ lãi sau khi khách nợ đã hoàn trả đủ nợ gốc trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cam kết trả nợ, đảm bảo phương án mua nợ có hiệu quả.

Trường hợp doanh nghiệp khách nợ kinh doanh thua lỗ và đã hoàn trả nợ theo đúng cam kết trong thời hạn 6 tháng, DATC được xóa thêm một phần nợ gốc cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế của DATC theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức xóa nợ gốc trong trường hợp này không vượt quá số lỗ lũy kế của doanh nghiệp và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách của khoản nợ và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm xóa nợ.

DATC thỏa thuận với khách nợ để thu nợ bằng tài sản. Giá trị tài sản thu hồi nợ phải được định giá thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và được theo dõi là tài sản chờ xử lý. Việc hạch toán tài sản này thực hiện theo quy định tại Quy chế tài chính của DATC và phù hợp với quy định của pháp luật.

Các hoạt động đầu tư không phải là hoạt động đầu tư ngoài ngành tại DATC bao gồm Hoạt động đầu tư mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua được phân chia theo số lượng cổ phiếu DATC đang nắm giữ tại các công ty cổ phần do DATC thực hiện tái cơ cấu nhằm đảm bảo tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại doanh nghiệp; Hoạt động đầu tư phát sinh từ hoạt động mua bán nợ như góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết bằng nợ, tài sản, chuyển nợ thành vốn góp, đầu tư để khai thác tài sản tồn đọng, tài sản đảm bảo, tài sản nhận gán nợ.

Thái Hà