Tại hội thảo "Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp" tổ chức sáng nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, lạm phát 8 tháng chưa tới 1% và cả năm dự báo chưa tới 2% là mức rất thấp, cho thấy mức lãi suất hiện nay tương đối cao.
Ông Lộc kiến nghị một mức giảm nhẹ lãi suất tương thích với lạm phát là cần thiết để giảm chi phí cho doanh nghiệp khi hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao với gần 70% các doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.
Theo số liệu của TS Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 7-11%/năm, giảm 2-3% so với đầu năm, bằng khoảng 40% so với lãi suất cuối năm 2011 và tương đương lãi suất giai đoạn 2005-2006.
Mục tiêu của NHNN được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra tại hội nghị Tổng kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm là giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1,5-2%/năm.
Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ngân hàng cố giữ lãi suất như hiện nay trong ngắn hạn đã thành công.
Ông Thành lý giải, lãi suất VND hiện nay phụ thuộc vào tỷ giá và lãi suất đồng USD, trong khi đồng USD tiếp tục mạnh lên. Thời gian qua, khi NHNN tiến hành phá giá thêm 1% và nới biên độ giao động tỷ giá từ 1% lên 3%, lãi suất tiền đồng giữ nguyên đã khiến người dân có xu hướng chuyển từ gửi VND sang gửi USD.
Về lãi suất cho vay dài hạn, ông Thành cho rằng không thể giảm. Bởi lãi suất giảm sẽ khiến trái phiếu Chỉnh phủ trở nên kém hấp dẫn. Năm nay, Chính phủ dự định huy động 250.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng tỷ lệ huy động 8 tháng đầu năm mới chỉ đạt một nửa kế hoạch.
Thực tế cũng cho thấy, lãi suất huy động VND có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian gần đây khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn thêm 0,1-0,2%/năm. Cá biệt, VietCapitalBank còn tăng lãi suất thêm 0,5%/năm.
Tình hình huy động trái phiếu Chính phủ ảm đạm cũng khiến nhiều công ty chứng khoán dự báo Kho bạc Nhà nước muốn huy động thêm vốn cho ngân sách sẽ sớm tăng lãi suất trúng thầu trong thời gian tới.
Về cơ cấu vốn cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc phân tích sự bất ổn. Bởi lẽ, 90% nguồn vốn của các doanh nghiệp từ ngân hàng còn chỉ 10% là từ các nguồn khác. Trong khi đó, các nền kinh tế bình thường khác thì vốn từ ngân hàng chỉ 60%, còn lại là vốn chủ sở hữu và vốn từ các nguồn khác.
Ông Lộc cho rằng, tái cơ cấu nền tài chính Việt Nam phải theo hướng các nguồn vốn hợp lý hơn, trong đó, giải quyết vốn cho doanh nghiệp không chỉ từ ngân hàng mà còn là từ thị trường vốn nói chung.
Thái Hà