Ngay đầu năm nay, thông tin DongA Bank sẽ sáp nhập với ABBank nổi lên, và khả năng trở thành hiện thực là rất lớn, vì khi đó một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện để hai ngân hàng hợp lại, củng cố nội lực và phát triển.

Nhưng rồi, đến tháng 3 NHNN lại cho biết khả năng sáp nhập được là mong manh, vì tình hình một trong hai ngân hàng có dấu hiệu bất ổn. Và từ đó, mọi diễn biến tại DongA Bank trở nên rất khác, từ việc KIDO nói bỏ vốn, rồi thôi, từ việc một quỹ nước ngoài đến tìm hiểu, rồi không ngã ngũ. Giờ thì mọi việc ở DongA Bank đã rõ ràng hơn khi ngân hàng này được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, cho dù dư luận chưa biết rõ con số nợ xấu của ngân hàng, mức vốn chủ sở hữu bị âm đến bao nhiêu...

Vì vậy đến nay, thương vụ ABBank và DongA Bank là không thể diễn ra.

Thương vụ thứ hai cũng được bàn luận đến nhiều vào dịp đầu năm chính là khả năng NamA Bank sẽ sáp nhập vào Eximbank. Thượng vụ này càng được báo chí khẳng định chắn chắn hơn khi cũng vào tháng 3, hai vị trí quan trọng trong ban điều hành NamA Bank đã từ nhiệm và cũng đồng thời có tên trong danh sách ứng cử vào Hội đồng quản trị Eximbank trong đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến diễn ra một tháng sau đó.

Nhưng cho đến nay, sau khi đại hội đồng cổ đông của Eximbank đã họp, trong đại hội cũng không bàn đến việc Eximbank sẽ sáp nhập với một ngân hàng khác thì mọi chuyện có vẻ nguội hơn. Tuy thế, những thắc mắc vẫn chưa hết, vì hiện tại ông Trần Ngô Phúc Vũ vẫn đang đại diện cho 8,4% cổ phần của tổ chức và 2,85% cổ phần cá nhân tại Eximbank, còn ông Trần Ngọc Tâm giữ 7,5% cổ phần của tổ chức, và 2,85% cổ phần cá nhân.

Tuy vậy tuần trước ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank cho biết hai ngân hàng chưa từng gặp để bàn chuyện sáp nhập và những tin đồn trên thị trường đều chưa chính xác. Vị đại diện NHNN cũng cho biết chưa nhận được bất cứ hồ sơ đề nghị nào từ hai ngân hàng này về việc sáp nhập. Hiện NHNN vẫn chưa duyệt xong danh sách ứng cử viên bầu vào Hội đồng quản trị của Eximbank. Do đó nếu bàn chuyện sáp nhập vào lúc này có lẽ là quá vội vàng.

Một thương vụ nữa có thể nói là ít sóng gió nhưng vẫn chưa thành đó là thương vụ SaigonBank sáp nhập vào Vietcombank. Đến giờ phía tư vấn cho thương vụ cho biết cổ đông Saigonbank vẫn chưa chấp nhận tỷ lệ chuyển đổi cổ phần mà phía Vietcombank đưa ra. Mức chuyển đổi này thấp hơn nhiều so với các thương vụ trước đó như PGBank sáp nhập vào Vietinbank, MHB vào BIDV, MDB vào Maritime Bank, và có thể cũng thấp hơn cả tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu của Southernbank khi sáp nhập vào Sacombank

Do vậy thương vụ này đến nay vẫn im hơi lặng tiếng.

Từ đầu năm, NHNN cho biết sẽ có khoảng 6 thương vụ M&A trong năm nay. Đến nay 4 cặp đôi đã có nơi có chỗ là MHB về với BIDV, MDB về với Maritime Bank, Southern Bank sáp nhập vào Sacombank, PG Bank sáp nhập vào Vietinbank.

Và khả năng con số này sẽ chỉ dừng lại ở đó trong năm nay. Vì những thương vụ thuận lợi cũng đã có hồi kết, các thương vụ khác, hoặc đã thất bại, hoặc chưa thể đàm phán xong. NHNN cũng đang dốc sức để hỗ trợ các ngân hàng lớn trong việc tái cơ cấu ngân hàng nhỏ mà họ đã nhận về, đồng thời cũng phải tái cơ cấu các ngân hàng đã mua lại 0 đồng. Những công việc ngổn ngang này sẽ chiếm nhiều tâm sức của các vị lãnh đạo NHNN từ nay đến cuối năm.

Những diễn biến mới trong M&A ngành ngân hàng có thể phải chờ đến năm sau.

Theo Thanh Thương
TBKTSG

Nguồn: TBKTSG