Nợ xấu từng được ví như cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu lưu thông dòng tiền của nền kinh tế. Vì vậy xử lý nợ xấu được xem là hạt nhân của tiến trình tái cấu trúc ngân hàng.

Thời gian qua Chính phủ, NHNN, các bộ ban ngành đã chỉ đạo, thực hiện rốt ráo quá trình xử lý nợ xấu thông qua việc ban hành hàng loạt các chính sách, Nghị định, Thông tư.

Sự quyết liệt đã tạo hiệu quả

Đặc biệt, việc Thủ tướng lập Ban chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” và Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” được đánh giá là động thái tích cực để giải tỏa những vấn đề nóng của nợ xấu.

Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD; tăng cường thu hồi, cơ cấu lại, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của TCTD; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC).

Qua đó, nợ xấu đã được kiểm soát, đến cuối tháng 9/2015 còn 2,93% (tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2015 về mức 2,93% tổng dư nợ, trong khi từ 2012 đến tháng 9/2015 đã xử lý được 98,09% nợ xấu - tương đương 455,79 nghìn tỷ đồng. Trong đó, bán nợ xấu cho VAMC chiếm 42% và các biện pháp TCTD tự xử lý chiếm 58%).

Các chuẩn mực mới về phân loại nợ đã được triển khai theo đúng lộ trình, làm cho nợ xấu trở nên minh bạch hơn và được phản ánh đầy đủ hơn. Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TPHCM, cách xử lý nợ xấu không cần dùng ngân sách và việc nhà điều hành gỡ khó từng khoản vay cho doanh nghiệp là giải pháp chưa có tiền lệ trên thế giới nhưng mang lại hiệu quả.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định “Trong thời gian qua đặc biệt năm 2015, Chính phủ và NHNN đã rất tích cực xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng hầu hết đã về dưới 3%. Đây là một trong những thành công rất lớn. Tuy nhiên làm thế nào để xử lý một cách triệt để và thu hồi nợ thì cần có nhiều nỗ lực hơn nữa”.

Sẽ có thêm những bước tiến dài

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết trong quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua, bên cạnh thành công đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% mà vấn đề quan trọng hơn là ý thức của chính bản thân các TCTD đã xác định được trách nhiệm của mình trong xử lý nợ xấu.

“Họ không chỉ chuyển nợ cho VAMC mà còn phối hợp với VAMC và các TCTD khác xử lý từng bước các khoản nợ xấu đó; chủ động trích dự phòng rủi ro cho các khoản nợ đã bán và có lộ trình triển khai thu hồi nợ”, ông Hùng đánh giá.

Vị này cũng nhìn nhận: “Kết quả thu hồi và bán nợ xấu của các TCTD được đánh giá là rất khả quan. Đây cũng là nét nổi bật nhất trong thời gian tới, với đà này trong năm 2016 và những năm tiếp theo, bản thân các TCTD sẽ tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của mình”.

Ông cho biết thêm từ năm 2016, VAMC xác định việc xử lý nợ xấu phải được thực hiện trên chính đôi chân của mình. Do toàn bộ nợ xấu của từng TCTD đã về mức cho phép 3% và NHNN sẽ không cần phải yêu cầu các TCTD bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, quan hệ giữa VAMC và TCTD là bình đẳng giữa hai doanh nghiệp để thực hiện mua và bán nợ.

Như vậy sau thời gian tập trung mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đặt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào xử lý nợ xấu (bán nợ, bán tài sản,...) và mua nợ theo giá thị trường đối với các khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt.

Theo NCS. Châu Đình Linh, Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, năm 2015 là năm cuối cùng của giai đoạn 2011 – 2015 thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD và năm bản lề thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Do đó, Chính phủ và NHNN đang và sẽ thực hiện quyết liệt để xử lý triệt để nợ xấu – một trong những tác nhân lớn gây bất ổn kinh tế vĩ mô Việt Nam.

5 năm - một chặng đường, cho một mục đích là xử lý triệt để nợ xấu của các TCTD. Dù thế nào cũng không thể không công nhận những thành quả mà Chính phủ, NHNN và VAMC đã nỗ lực đạt được trong hoạt động xử lý nợ xấu.

 

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Nguồn: Trí thức trẻ