Theo đó, để phát triển ngành này cần đầu tư các công nghệ, thiết bị hiện đại, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng để sản xuất các sản phẩm có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện môi trường… Có thể nói, đây là quy hoạch đầu tiên và là tiền đề để xác lập lại thị trường thiết bị điện tiết kiệm năng lượng vốn đang bị thả nổi như hiện nay.
Trên thị trường có hàng ngàn mặt hàng sản phẩm thiết bị điện, phần lớn đều tự giới thiệu mình tiết kiệm điện nhưng thực chất chưa hoàn toàn đúng, đặc biệt là các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trên thực tế, thị trường sản phẩm tiết kiệm điện nước ta nói chung và tại TPHCM nói riêng đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm. Cuộc chiến giữa các nhà sản xuất cho đến các kênh bán lẻ như siêu thị, trung tâm điện máy trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, nhất là thời điểm cận tết, cho thấy yếu tố tiết kiệm được xem là ưu thế nhằm kéo khách hàng đến với mình.

Theo đại diện Bộ Công thương, tổng vốn đầu tư cho phát triển ngành sản xuất thiết bị điện trong giai đoạn 2006-2010 ước tính khoảng 43 ngàn tỷ đồng, trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 136 ngàn tỷ đồng.
Ngành sẽ tập trung chú trọng công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án trong danh mục quy hoạch, các dự án sản xuất vật liệu năng lượng mới, năng lượng tái tạo thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn; áp dụng quy định phi thuế quan ở mức cao nhất (phù hợp cam kết WTO) nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ các sản phẩm thiết bị điện trong nước đã sản xuất được, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường; xây dựng hệ thống các trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm thiết bị điện chuẩn quốc gia, tiến tới hợp chuẩn quốc tế… từng bước đưa ngành sản xuất thiết bị điện đi vào ổn định, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đồng thời sản xuất sản phẩm có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.

Nguồn: Sài Gòn giải phóng