Để hiểu được những vấn đề đang gây sóng gió đến ngành điện tử Nhật, người ta nên ghé thăm một trong những cửa hàng tại quận Akihabra thuộc thủ đô Tokyo – kinh đô hàng điện tử tiêu dùng của thế giới.
9 công ty nội địa bán điện thoại di động. Sau đó, khi sang đến khu vực thiết bị, cũng chính 5/9 công ty trên bán mọi thứ, từ máy hút bụi cho đến nồi cơm điện.
3 trong số 5 công ty đó là nhà cung cấp thang máy trong suốt cửa hàng. Tóm lại, việc có quá nhiều công ty bán những sản phẩm trùng lặp nhau chính là một vấn đề lớn của ngành điện tử Nhật.
Chiến lược sản xuất và kinh doanh theo kiểu “siêu thị”, trong đó một công ty tham gia vào hoạt động trong mọi lĩnh vực đã từng mang lại nhiều hiệu quả trong thời kỳ bùng nổ kinh tế từ năm 1960 đến năm 1990.
Hàng điện tử Nhật nhanh chóng đứng đầu thế giới về chất lượng, ngành điện tử của Mỹ vì thế như “kẻ bại trận”. Người tiêu dùng Nhật và nhiều nơi trên thế giới đổ xô mua hàng Nhật, thăng dư thương mại Nhật tăng cao, căng thẳng thương mại tăng lên.
Công ty điện tử Nhật phát triển ngày một lớn mạnh, họ tự hào vì tầm cỡ và tiếng tăm của họ nhiều hơn lợi nhuận. Nhiều công ty có tới 500 chi nhánh hoạt động trong mọi lĩnh vực, từ du lịch cho đến nhà hàng khách sạn.
Tất cả những điều này sẽ tiếp tục nếu các công ty chấp nhận mức lợi nhuận không mấy ấn tượng. Suy thoái kinh tế toàn cầu đang để lộ ra những vấn đề nội tại của ngành.
Nhu cầu hàng điện tử giảm sút. Đồng yên mạnh khiến xuất khẩu giảm, đồng yên tăng giá 67% so với đồng bảng trong năm qua và tăng 75% so với đồng won Hàn Quốc. Hàng xuất khẩu Nhật vì thế trở nên đắt đỏ hơn, lợi nhuận thu về giảm.
Nếu chỉ 3 tháng trước đây, công ty điện tử hàng đầu Nhật dự đoán có lãi cả năm thì hay họ phải đưa ra dự báo thua lỗ lớn. Sony dự báo sẽ thua lỗ tới 2,6 tỷ USD.
Người đứng đầu Sony đang cố gắng tái cơ cấu công ty. Ông muốn đóng cửa một số nhà máy và sa thải 16 nghìn nhân công trong đó có cả những người đã mong muốn sẽ đóng góp suốt đời cho Sony. Trong buổi họp gần nhất, ông thừa nhận Sony đã chậm thay đổi và nay đã đến lúc phải tiến hành gấp rút. Các đối thủ của Sony cũng không là ngoại lệ.
Panasonic dự kiến thua lỗ 380 tỷ yên trong năm 2008, Hitachi và Toshiba, hãng dường như sản xuất và cung cấp mọi thứ trên đời, đã chịu tác động mạnh khi doanh số vi mạch giảm. Thua lỗ của Hitachi và Toshiba dự kiến là 700 tỷ yên và 280 tỷ yên.
Tuần qua, cổ phiếu của Hitachi và NEC rơi xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ. Tất cả điều này buộc hãng điện tử lớn tại Nhật cắt giảm nhân công, đóng cửa nhà máy mạnh tay với mức độ chưa từng có trong lịch sử các doanh nghiệp Nhật.
Muộn còn hơn không
Giám đốc điều hành cao cấp các công ty Nhật bao lâu nay nắm được tất cả những vấn đề của công ty họ. Tuy nhiên, họ không dám tiến hành thay đổi, họ không dám ngưng dự án mà người tiền nhiệm đã tiến hành, cắt giảm đi một số bộ phận thừa hay bỏ đi mối quan hệ thân tình với những nhà cung cấp làm việc đã lâu năm.
Với mạng lưới nhà đầu tư và cổ đông không quá khắt khe, áp lực thay đổi là không nhiều. Hơn thế nữa, những nhà kinh doanh Nhật với tinh thần võ sĩ đạo luôn muốn đấu tranh làm cho đến cùng hơn là đầu hàng.
Thay đổi đầu tiên đến với ngành điện tử Nhật vào tháng 12/2008 khi Panasonic đồng ý mua lại cổ phần tại Sanyo với giá 9 tỷ USD. Điều đáng tiếc là cả hai phía Panasonic và Sanyo đều không tỏ ý sẽ tiếp tục hợp tác nhiều hơn. Panasonic từng gặp nhiều khó khăn khi kết hợp một thương hiệu lớn vào năm 2004, việc đưa Sanyo vào hoạt động chung sẽ còn gặp nhiều vướng mắc hơn.
Thay vì kết hợp với công ty khác, nhiều công ty hiện nay theo đuổi chiến lược mua bán và sáp nhập nội bộ, trong đó một số đơn vị kinh doanh bị đóng cửa hoặc bán cho công ty khác và công ty chủ quản tập trung vào thế mạnh chính. Sony đã bán bộ phận chip di động cho Toshiba – tập đoàn chuyên về thiết bị bán dẫn. Sharp và Pioneer lập liên minh kết hợp công nghệ LCD và âm thanh.
Các hãng sẽ tiếp tục tiến hành biện pháp như trên khi tình hình thị trường ngày một khó khăn. Tuy nhiên, như vậy liệu có đủ không khi nhu cầu hàng điện tử giảm quá nhanh và đối thủ nước ngoài đang chiếm lĩnh thị phần?
Samsung và LG của Hàn Quốc đang khẳng định vị thế trong việc cung cấp tivi và Haier của Trung Quốc tiến hành mọi biện pháp tăng thị phần cung cấp thiết bị nhà ở, họ cố gắng thao túng thị trường Nhật cũng giống như Nhật chiếm lĩnh thị trường Mỹ trước đây bằng việc sản xuất hàng chất lượng với giá rẻ.
Câu trả lời cho những vấn đề hiện nay, theo lãnh đạo các công ty điện tử Nhật, là chuyển sang sử dụng công nghệ sạch như pin năng lượng mặt trời và ô tô chạy điện, những lĩnh vực đến nay vẫn là thế mạnh của Nhật.
Chính phủ Nhật mới đây công bố kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế mới trong đó có chương trình hỗ trợ công nghệ sạch sẽ là một cú huých quan trọng giúp doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực này.
Quy mô hiện nay của các doanh nghiệp cũng là vấn đề lớn, những nhà đầu tư muốn kỳ vọng vào sự phát triển của năng lượng mặt trời hay xe ô tô chạy điện sẽ không muốn quan tâm đến việc sản xuất nồi cơm điện hay phát triển những nhà hàng. Ít nhất, cuối cùng, doanh nghiệp Nhật đã nhận ra vấn đề.
 
 

Nguồn: Internet