Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng: Thời điểm này tăng giá điện là chưa phù hợp. Các ngành hàng, các thị trường xuất khẩu truyền thống của các ngành, trong đó có dệt may đều đang gặp khó khăn. Thị trường cũ thì ngừng các đơn đặt hàng, thị trường mới thì việc xúc tiến còn nhiều khó khăn do chính sách thuế của các nước (ví dụ như thị trường Nga thuế cao).
Tỷ lệ thất nghiệp hiện làm các doanh nghiệp dệt may đau đầu. Vì thế, việc tăng giá điện sẽ làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp.
ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói: “Nếu giá điện tăng, mọi hỗ trợ từ Chính phủ như hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm thuế có thể đều âm vì cái nọ không bù được cái kia, doanh nghiệp cũng chưa thoát được. Vậy đề nghị chưa tăng giá điện”.
Hạ lãi suất cũng là vấn đề được nhiều các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xem xét hạ lãi suất cơ bản để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay; vì mức trần lãi suất cho vay hiện nay là 12,75% vẫn còn là quá cao so với các quốc gia khác, gây khó cho doanh nghiệp. Chưa kể đến nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận vay vốn vào thời điểm lãi suất 18% đến 21% hiện còn đang là gánh nặng.
Trả lời về lãi suất, Phó Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Danh Trọng có giải thích rằng, ở các quốc gia khác, lãi suất của các ngân hàng trung ương rất thấp hoặc gần bằng 0% nhưng thực tế không phải là lãi suất thực đến tay doanh nghiệp mà chỉ là lãi suất ngân hàng trung ương cho ngân hàng thương mại vay.
Còn khi các doanh nghiệp vay của ngân hàng thương mại thì mức lãi suất này được tính là chi phí vay vốn liên ngân hàng, lãi suất Libor và Cibor cộng với chi phí khác cũng rơi vào mức 6% đến 7%, không phải lãi suất công bố ban đầu.
Ông cũng cho hay là Ngân hàng Nhà nước đã đệ trình Chính phủ hướng giải quyết gói kích cầu 17.000 tỉ đồng. Theo đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ bù lãi suất 4% chỉ sau khi các doanh nghiệp đã trả nợ ngân hàng chứ không phải bù ngay từ khi bắt đầu vay vốn do Ngân hàng Nhà nước e ngại bù cho các hợp đồng chiếm dụng vốn vay không đúng mục đích kích cầu sản xuất.

Nguồn: Internet