Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: ở các nước, giá điện phục vụ sản xuất thấp hơn điện sinh hoạt để kích thích sản xuất, nhưng ở ta thì ngược lại. Chính vì thế, Bộ Công thương đang đề xuất tăng mạnh giá điện sinh hoạt, còn điện sản xuất không tăng hoặc tăng ít. Hiện tại, tỷ lệ điện phục vụ sản xuất chiếm 56%. Một thực tế đáng lưu ý khác là, giá điện của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực, do đó không khuyến khích các nhà đầu tư tham gia các dự án. Đây là nguyên nhân hạn chế khả năng phát triển nguồn điện. Thời gian qua, chúng ta giữ giá điện nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát. Do lạm phát có xu hướng giảm nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo, từ năm 2009 bắt đầu tăng giá và đến năm 2010 có thể giá điện của Việt Nam sẽ ngang các nước trong khu vực. Những hộ khó khăn Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, nhiều ý kiến cho rằng, những người mua ô tô 1 triệu USD, mua máy bay thì làm gì phải bù lỗ giá điện cho họ. Vì thế, hướng của Thủ tướng là người nào nghèo thì bù lỗ, còn giá thị trường tất cả phải giống nhau. Ví dụ, bình quân 850 đồng/kWh nhân với 20% là giá bán bình thường, còn 61 huyện nghèo, dân bù lỗ bao nhiêu thì Nhà nước sẽ đưa tiền hay thông qua việc cấp gạo, cho điện…, tức là bù trực tiếp cho những đối tượng đó. Về lộ trình tăng giá điện, với mức tăng tối thiểu 20%, tối đa 30%, trong 2 năm (2009 – 2010), Bộ Công thương đề xuất phải tiến hành tăng 4 lần mới ngang bằng mức giá thế giới. Sau khi Bộ trình phương án, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định. Hiện tại, giá bán điện bình quân của toàn ngành khoảng 850 đồng/ kWh.

Liên quan tới thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ chối 13 dự án điện, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng: “Các lãnh đạo EVN nên suy nghĩ và bình tĩnh lại để cùng Nhà nước và các doanh nghiệp khác tìm giải pháp thực hiện, chứ đừng thấy khó mà từ chối”. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, thực tế, không phải EVN thấy nạc thì vô mà thấy xương thì bỏ. Nguyên nhân sâu xa của việc từ chối này là giá điện của ta thấp, nên không khuyến khích được những người muốn đầu tư cho nguồn điện. Giá điện thấp thì lợi nhuận của các nhà đầu tư vào nguồn điện sẽ thấp. Do lợi nhuận thấp nên các nhà đầu tư không mặn mà và kéo theo người cho vay tiền các nhà đầu tư cũng cân nhắc, không muốn cho vay. Tất cả những nguyên nhân này đã làm hạn chế khả năng phát triển nguồn điện của nước ta.
Hiện tại, để tháo gỡ “nút thắt” này, Thủ tướng đang giao Bộ Công thương rà soát tất cả các dự án mà Tập đoàn điện lực Việt Nam từ chối và xem xét năng lực của Tập đoàn dầu khí, than, rồi Tổng công ty lắp máy, sông Đà… khi muốn tham gia vào các dự án đầu tư phát triển nguồn điện./.

Nguồn: Internet