Chiều ngày 13/1, Cục Điều tiết điện lực đã có cuộc gặp gỡ trao đổi về Đề án giá điện năm 2009 và các năm từ 2010-2012 theo cơ chế thị trường.

Tăng giá không phải để bù lỗ cho EVN

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, phương án tăng giá điện do Bộ đề xuất hợp lý hơn mức tăng do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đề ra. Trước đó hồi tháng 11/2008, EVN đã trình Bộ Công Thương ba phương án tăng giá điện trong năm 2009, trong đó một phương án có mức tăng 16% và hai phương án còn lại mức tăng trên 20%.

“Nếu tăng giá trên 20% sẽ gây sốc cho người dân và nền kinh tế”- Thứ trưởng Hào nhận định.

Với phương án tăng giá trên, sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP 2009 từ 0,05%-0,07% ( tác động trực tiếp) và chỉ số giá cả (CPI) sẽ tăng 0,25%-0,3%. Các ngành CN sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao tỷ trọng tiền điện chiếm đến 40%-50% giá thành sản xuất như cấp nước, điện phân... giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng từ 3-4% .

Cũng theo Thứ trưởng Hào, chủ trương chung năm 2009 sẽ tăng giá điện ở mức thấp, nhưng sẽ đề ra cơ chế tự động điều chỉnh theo giá thị trường. Sau khi tăng giá, hết năm 2009 sẽ đánh giá toàn bộ đầu vào và dự báo đầu vào cho năm 2010. Lúc đó nếu dầu, than xuống thấp thì sẽ điều chỉnh cho giá điện cả năm 2010 thấp hơn năm 2009 và ngược lại.

Bộ Công thương cũng đề xuất, nếu giá điện thay đổi từ 5-7% sẽ do Bộ trưởng Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính quyết định. Nếu cao hơn 7% thì mới phải trình Thủ tướng Chính phủ. Như vậy sẽ việc điều hành giá điện sẽ linh hoạt hơn trước rất nhiều, giống như giá xăng dầu hiện nay.

Trước câu hỏi đặt ra là EVN không lỗ tại sao phải tăng giá điện, Thứ trưởng Hào lý giải, giá điện tăng lên không phải là để bù lỗ cho EVN mà để phục vụ phát triển chung của đất nước. Hiện tổng công suất điện của Việt Nam vào khoảng 15.000 MW, nếu không làm gì thêm nữa thì không cần tăng giá điện. Theo mức giá hiện tại, EVN vẫn đang có lời. Song nếu theo Tổng sơ đồ điện VI, từ nay đến 2025 mỗi năm Việt Nam phải đưa vào thêm 4.000 MW điện mới. Với tốc độ phát triển như vậy, trong khi nhiệt điện từ than, khí và điện nguyên tử (thuỷ điện đã hết nguồn) có giá thành rất cao, nếu không điều chỉnh giá sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu.

Tăng giá tránh bao cấp tràn lan

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), giá bán lẻ điện trung bình của Việt Nam đang thấp nhất trong các nước khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, phương pháp xây dựng và thực hiện giá điện hiện hành chưa theo cơ chế thị trường, chưa có cơ chế cho phép điều chỉnh định kỳ giá bán điện theo biến động của các yếu tố đầu vào và hình thành giá.

Còn theo Thứ trưởng Hào, hơn 10 năm nay đã thực hiện bao cấp toàn bộ 100 số điện đầu (100kWh) cho tất cả người dân, dẫn đến tình trạng bao cấp tràn lan đối với cả hộ nghèo đến hộ cực giàu. Bởi thế, mục tiêu của việc tăng giá điện tới đây không phải nhằm mục đích tăng thu mà chủ yếu là từng bước chuyển sang cơ chế thị trường,

Việc điều chỉnh sẽ được thực hiện cho từng khâu cấu thành nên giá bán điện như giá phát điện, giá truyền tải, phân phối... cũng chỉ giữ một mức độ lợi nhuận vừa phải chứ không tính ở mức tối đa. Cơ cấu biểu giá điện bán lẻ cũng phải được điều chỉnh và thiết kế lại cho phù hợp, nguyên tắc điểu chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện, gồm bốn thành phần: Giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối và bán lẻ điện, giá cho các dịch vụ vận hành hệ thống.

Theo đề án, giá điện sẽ được điều chỉnh theo mô hình bậc thang cho điện sinh hoạt với bậc thang đầu tiên ở mức 50 kWh. Mức bù giá bậc thang 50kWh bằng 50% giá thành điện đến cấp hạ thế cho biểu giá bán điện năm 2009 và điều chỉnh giảm dần vào những năm sau.

Bộ Công Thương tính toán, các hộ nghèo hiện nay đa số chỉ dùng tới 50 kWh điện, nên việc bao cấp vẫn sẽ được thực hiện với 50 kWh đầu. Cụ thể, các hộ sử dụng điện dưới 50kWh/tháng chỉ phải trả thêm 2.500 đồng/tháng, tương tự dùng 100kWh/tháng sẽ trả thêm 16.000 đồng/tháng, thậm chí sử dụng 300kWh/tháng trở lên cũng chỉ phải trả thêm từ 25-30 nghìn đồng/tháng.

Đồng thời, chính sách bù giá điện tiếp tục được duy trì với hộ thu nhập thấp và hộ sinh hoạt nông thôn, tốc độ tăng giá điện cho sản xuất giữ ở mức thấp hơn tốc độ tăng giá điện bình quân, tốc dộ tăng giá bán buôn điện nông thôn giữ ở mức tương đương tốc độ tăng giá điện bình quân.

Bên cạnh đó, từ năm 2010, sẽ áp dụng cơ chế bù giá cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp tiêu thụ dưới 50kWh/tháng bằng cách khấu trừ trực tiếp từ hoá đơn tiền điện hàng tháng. Từng bước áp dụng giá trần bán lẻ điện cho các khách hàng sản xuất và dịch vụ, các công ty điện lực được phép bán điện cho sinh hoạt, để bảo vệ người tiêu dùng nhỏ, sẽ vẫn tiếp tục áp dụng thống nhất toàn quốc do nhà nước quy định. Về giá bán lẻ điện khu vực nông thôn từ năm 2009, áp dụng biểu giá bậc thang cho điện sinh hoạt thống nhất chung trong cả nước không phân biệt giữa các tổ chức kinh doanh bán điện tại khu vực nông thôn.

Nguồn: Hà Nội mới ngày