Theo dự báo của các chuyên gia phân tích thuộc Citigroup Inc., Morgan Stanleyv và Societe Generale SA, giá nhôm có thể sẽ tăng trong năm tới bởi nguồn cung khan hiếm và nhu cầu đầu tư tăng.

Ông David Thurtell thuộc Citigroup cho rằng giá nhôm – kim loại sử dụng trong ngành ôtô và vật liệu xây dựng - sẽ đạt 2.500 USD/tấn trong năm 2010. Giá nhôm tại LME hiện tại đang dao động quanh mức 1.960 USD/tấn.

Còn Mark Liinamaa của Morgan Stanley thì cho rằng giá nhôm sẽ đạt 2.200 vào cuối năm tới, và David Wilson thuộc Societe Generale dự báo giá sẽ đạt 2.295 USD/tấn trong năm 2011.

Theo Wilson, nhà đầu tư sẽ tăng dự trữ nhôm lên khoảng 80% tại LME và điều này sẽ khiến nguồn cung tới tay các hãng sản xuất và các nhà sản xuất linh kiện ôtô gặp khó khăn.

Còn Liianmaa thuộc Morgan Stanley tại hội nghị triển vọng thị trường nhôm thường niên tại Harbor Intelligence nhận định “Giá nhôm sẽ tăng. Chúng tôi rất lạc quan về triển vọng nhu cầu dài hạn của kim loại này”.

Tính đến ngày 21/6, giá nhôm thế giới đã giảm 12%. Ông Oleg Deripaska, giám đốc điều hành văn phòng của United Co. Rusal – nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, cho biết hiện có tới 70% các mỏ khai thác đang không có lợi nhuận và có thể phải cắt giảm sản lượng. Còn Carlos Ghosn, CEO của Renault SA and Nissan Motor Corp., thì cho rằng sản lượng xe ôtô toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay.

Giá nhôm giao sau 3 tháng tại LME tính đến 6:29 chiều ngày 22/6 tại Luân Đôn đứng ở 1.963 USD/tấn, giảm 16% so với cuối tháng 3.

Theo Liinamaa, các thương nhân sẽ thận trọng hơn về viễn cảnh nguồn cung eo hẹp sau cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu - vốn làm nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu. Sự sụt giảm về giá nhôm gần đây đã khiến giá ở mức thấp hơn 7% so với chi phí sản xuất và khiến nhiều nhà sản xuất “không thể chịu đựơc”.

Ông cho biết thêm, dự trữ nhôm hiện đang ở gần mức cao kỷ lục nhưng không tạo ra “làn sóng kim loại” chủ yếu bởi phần lớn lượng dự trữ nằm trong tay các nhà đầu tư hoặc là theo các thoả thuận tài chính. Dự trữ nhộm tại LME hiện ở quanh mức 4,46 triệu tấn, cao gấp 5 lần so với mức trung bình kể từ năm 1980 tới nay, và cao hơn cả tổng lượng nhôm mà các nhà sản xuất ở châu Âu làm ra trong một năm.

Về nhu cầu đầu tư, Thurtell của Citigroup cho rằng khả năng sẽ đưa ra phương thức nắm giữ nhôm vật chất của các ETF sẽ càng làm cho nhu cầu nhôm từ giới đầu tư - vốn tăng “ngoạn mục” kể từ năm 2002 tới nay - tăng hơn nữa.

(Nguyễn Hằng)