Trong đó: khu vực kinh tế Nhà nước Trung ương tăng 0,4%, khu vực kinh tế Nhà nước địa phương giảm 5,5%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tốc độ tăng cao nhất 6,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%. Sản xuất công nghiệp tháng 4 đã có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng 2 và tháng 3 trên tất cả các khu vực. Điều này chứng tỏ các biện pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế bước đầu đã phát huy tác dụng. Các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã có nhiều cố gắng chủ động thực hiện các giải pháp của Chính phủ và của chính doanh nghiệp, cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ đó kinh tế nước ta tuy tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ nhưng vẫn giữ được sự ổn định và vẫn là địa điểm mà các nhà đầu tư quan tâm.

Một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương 4 tháng có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội tăng 30,5%, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn tăng 16,4%, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam tăng 14,0%; Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp tăng 12,8%, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp tăng 11,4%, Tập đoàn Điện lực tăng 5,1%. Số doanh nghiệp còn lại tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ, nhất là Tổng Công ty cổ phần Điện tử - Tin học Việt Nam giảm 43,6%, Công ty Dầu thực vật - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam giảm 34,0%, Tổng Công ty Giấy Việt Nam giảm 33,6%, Tổng Công ty Thiết bị Điện 25,4%, ...

Giá trị sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm tháng 4 so với cùng kỳ đã có sự tăng trưởng khá như: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 15,3%, Quảng Ninh tăng 14,8%, Khánh Hoà tăng 9,0%, Hải Phòng tăng 8,3%, Đồng Nai tăng 7,2%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,0%, Hà Nội tăng 3,8%, Cần Thơ tăng 3,5%, Bình Dương tăng 0,8%, …

Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu tháng 4 tiếp tục tăng trưởng so tháng 3 là: tủ lạnh, tủ đá tăng 15%, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 13,2%, thép tròn tăng 12%, vải dệt từ sợi bông tăng 10,7%, xà phòng giặt tăng 9,7%, giấy bìa tăng 9,2%, bia tăng 7,8%, giày thể thao tăng 11,9%, than tăng 3,3%.

Tháng 4, sản lượng một số sản phẩm chủ yếu tăng trưởng so tháng 4/2008 như: điện tăng 5,3% tương ứng với điện thương phẩm tăng 8,5%, dầu thô tăng 20,4%, khí thiên nhiên tăng 7,5%, thép tròn tăng 32,3%, máy giặt 10,8%, phân urê tăng 40%, quặng apatít tăng 12,3%, xà phòng giặt tăng 26%, thuốc lá các loại tăng 9%.

Tính chung 4 tháng khai thác dầu thô ước đạt 5,85 triệu tấn, tăng 18,7% so với cùng kỳ đã góp phần đưa ngành công nghiệp khai thác tăng 8,8%, xi măng tăng 10,2%, khí đốt tăng 8,4%, quặng apatít tăng 6,3%, điện sản xuất tăng 5,0% (trong đó, tăng cường điện mua ngoài lên 21,0%) tương ứng với điện thương phẩm tăng 5,1%, phân urê tăng 3,8%, thép tròn 2,5%; một số sản phẩm giảm mạnh như: xe chở khách giảm 31,5%, biến thế điện giảm 26,5%, phân bón NPK giảm 24,6%, vải dệt từ sợi bông giảm 23,7%,…

Những sản phẩm phục vụ tiêu dùng tăng trưởng cao như: xà phòng giặt các loại tăng 12,2%, thuốc lá tăng 9,5%, bia tăng 9,2%; một số sản phẩm điện tử điện lạnh phục vụ mùa hè có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm trước như: tủ lạnh tủ đá tăng 3,1% (năm trước tăng 29,9%), điều hòa nhiệt độ tăng 1,1% (năm trước tăng 29,7%); một số sản phẩm khác giảm đáng kể như: giấy bìa giảm 25,8%, quần áo người lớn giảm 19,3%, dầu thực vật tinh luyện giảm 11,9%, sữa bột giảm 4,7%, máy giặt giảm 3,3%,…

(Bộ Công Thương)

 

Nguồn: Vinanet