Hiện nay các doanh nghiệp đang khẩn trương triển khai thu mua lúa, gạo tạm trữ theo chỉ tiêu 1 triệu tấn gạo được giao. Dù chỉ xem mua tạm trữ lúa, gạo là giải pháp can thiệp thị trường nhưng nhiều ý kiến nêu yêu cầu phải giám sát kỹ các doanh nghiệp được giao mua tạm trữ!

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vụ đông xuân này ĐBSCL có khoảng 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa. Việc các doanh nghiệp duy trì tốt tiến độ thu mua lúa, gạo tạm trữ là rất quan trọng để duy trì mặt bằng giá. VFA lần đầu tiên đã triển khai giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo khá minh bạch. Kèm theo đó, Bộ NN-PTNT ban hành quy chế kiểm tra về tình hình thu mua lúa, gạo tạm trữ của doanh nghiệp.

Theo VFA, trong tháng 3 sẽ có 2 đợt kiểm tra về tình hình thu mua lúa, gạo tạm trữ ở ĐBSCL vào ngày 15 và 30-3. “Trong đợt kiểm tra 15 ngày đầu tiên mua tạm trữ, nếu phát hiện doanh nghiệp nào làm “lình xình, lớn chớn”, VFA sẽ rút chỉ tiêu”, ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch VFA cho biết. Đây được xem là thông tin khá “nóng” trong bối cảnh rất nhiều địa phương xin tăng thêm chỉ tiêu thu mua tạm trữ. Quá trình kiểm tra chủ yếu tập trung vào năng lực kho chứa của doanh nghiệp; kiểm tra số lượng mua, thời gian mua, thời gian cho vay… Nổi bật trong số này là kiểm tra việc doanh nghiệp có thực hiện đúng Điều 13 trong Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, “Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm thông báo với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các điểm mua lúa, gạo và công bố các điểm mua này để người dân biết; niêm yết giá mua theo chất lượng, chủng loại lúa, gạo hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân trực tiếp giao dịch. Trường hợp mua lúa, gạo hàng hóa qua thương nhân khác hoặc từ các cơ sở chế biến, thương nhân và các cơ sở chế biến phải liên kết, tổ chức thành hệ thống ổn định…”.

Thực tế, hiện nay rất nhiều người dân gần như “mù tịt” về các điểm đặt thu mua lúa, gạo của doanh nghiệp, nhiều người cũng không biết hình thức công bố điểm thu mua của doanh nghiệp qua phương tiện nào (báo, đài…!?). Cũng cần nói thêm, trong phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân này, có 2 dạng doanh nghiệp được giao mua: doanh nghiệp thu mua trong tỉnh, doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua trong tỉnh (ví dụ doanh nghiệp trực thuộc Cần Thơ nhưng được giao mua ở địa bàn Hậu Giang). Chính vì vậy, việc kiểm tra, công bố các địa điểm thu mua lúa, giá thu mua lúa, gạo… là rất quan trọng để người dân biết, bán trực tiếp cho doanh nghiệp. Đây cũng là cách căn cơ để giảm bớt tình trạng “cò lúa” đang thao túng một phần thị trường mua bán lúa hàng hóa của nông dân đang thu hoạch.

Nguồn: sggp.org.vn

Nguồn: Sài Gòn giải phóng